Lời tựa: Từng là trọng tài FIFA, ông Đinh Văn Dũng chủ động nghỉ vì tự bản thân thấy không còn phát triển. Là người trong cuộc, từ những gì nhìn được, thấy được và từng sống trong môi trường của "ông Vua áo đen", cựu trọng tài FIFA có góc nhìn về trọng tài ở Việt Nam.
---*---
Người dụng người phải biết nhìn người, người dụng người mà không biết dùng người há chẳng phải người vô dụng?
Ca sỹ Thu Minh từng ví von về giọng hát của Chi Pu rằng: “Nếu là ngọc thô thì mài giũa sẽ sáng, còn đá hoặc đất sét thì có mài giũa mấy cũng chỉ là đá và đất sét mà thôi...”.
Chuyện kể rằng có một bác nông dân rất nghèo, cả đời sống bằng nghề đồng áng, bác muốn làm một cái cày thật tốt để làm công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác rất vui vì đã xin được một cây gỗ tốt nhưng bác chưa làm cái cày bao giờ, bác bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người.
Bác đẽo được một lúc thì một người đi qua chê:
– Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá.
Bác nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo. Bác làm được một lúc lại có một người đi qua bảo:
– Bác đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày bác làm to quá…
Bác nông dân nghe có lý hơn, bác lại chỉnh sửa theo lời khuyên, bác đẽo được một lúc lại một người đi qua nói:
– Bác đẽo thế không ổn rồi, cái cày bác làm dài quá không thuận tay.
Bác nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo.
Và cuối cùng, hết ngày hôm đó, bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, bác không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn.
Ngẫm đến chuyện trọng tài bóng đá
Năm 2006, ông Bùi Như Đức khi ấy còn là Uỷ viên trọng tài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, cùng ông Phạm Chu Thiện và ông Nguyễn Văn Mùi mở lớp “Trọng tài bóng đá Tài Năng 2006”. Lớp này được lập ra của ba người kể trên tâm huyết bao nhiêu thì khi đó có vài người “phe địch” ném đá, và họ gọi là lớp “tài lanh”.
Sau lớp đó, ít nhiều đã tạo được tiếng vang và hiện nay rất nhiều người đang chinh chiến tại V.League. Một số đó đã và đang thuộc đẳng cấp FIFA.
Năm 2008 khi tôi đang học tại Malaysia, Trưởng ban trọng tài của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) khi đó là ông Yoshimi Ogawa (Nhật Bản) muốn biết quy trình đào tạo trọng tài của các quốc gia thành viên như thế nào... Một DVD về những hoạt động của lớp học ấy được tôi chuẩn bị trước từ thầy Bùi Như Đức gửi. Sau khi tôi thuyết trình xong, ở dưới tất cả các giảng viên, quan chức AFC và các học viên của các liên đoàn thành viên họ đứng dậy, một tràng pháo tay rất to và dài. AFC đánh giá cao nhất quy trình đào tạo trọng tài của VIỆT NAM lúc bấy giờ. Thật tự hào!...
Kể từ khoá học ấy đã gần 15 năm trôi qua, chưa có khoá học nào bài bản, quy củ như khoá ấy. Bây giờ cũng chỉ vài khoá học sơ cấp xong là giao cho các trọng tài tự bơi, tự phát triển, các trọng tài trẻ được chọn đi làm các giải trẻ thì đôi lúc lại được (bị) các giám sát trận đấu kèm cặp (ngược đời).
Một số khác thì may mắn hơn khi được chính các giám sát trọng tài dìu dắt. Nhưng, công bằng mà nói, trình độ các giám sát cũng không đồng đều. Và thế là dần dần xuất hiện nhiều “phiên bản” trọng tài, trong đó có cả phiên bản “lỗi”. Nói theo kiểu văn chương là “dị bản”.
Vậy nên, nếu không có một quy trình đào tạo trọng tài bài bản hơn, chuyên nghiêp và chuyên sâu hơn, thì chắc chắn chuyện trọng tài trong các giải đấu sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.
Và đặc biệt người dùng trọng tài phải biết nhìn thấy tài năng ở mỗi trọng tài, dám đánh đổi, dám đương đầu với dư luận để đẽo được cái cày theo ý mình để đúng với mục đích sử dụng, chứ nghe theo dư luận không có chính kiến như bây giờ, gọt chỗ nọ, đẽo chỗ kia...và đến lúc nào đó chẳng còn cây gỗ tốt nào để làm cày cả...
Lãnh đạo giỏi sẽ nhìn ra cái hay, cái dở của cấp dưới mình, để mà dùng từng người vào từng mục đích, từng thời điểm. Một tướng tài sẽ thắng cả cuộc chiến chứ chẳng phải vài trận lẻ tẻ.
Bao nhiêu năm vẫn cái lối mòn ấy, vẫn cái lò gạch ấy như trong truyện Chí Phèo thì vẫn luẩn quẩn với kết quả ấy mà thôi. Nếu muốn có kết quả mới thì cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm mới mong tạo ra được kết quả mới.
Nói thẳng ra là ông nào không làm được việc cũng vì tự trọng và danh dự mà tự nghỉ. Giống như tôi, người ta bảo tôi không phát triển thêm nữa thì tôi bỏ còi đi...uống bia. Thế thôi!
Cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng