F1 chờ… đổi chủ

thứ ba 30-6-2015 17:23:21 +07:00 0 bình luận
Trong trường đua, trật tự vẫn vậy khi Mercedes đang băng băng về đích, nhưng ở bên ngoài, làng F1 rầm rầm rung chuyển trước viễn cảnh bản quyền thương mại sắp chuyển sang tay một ông chủ mới.

F1 đang đứng trước bước ngoặt lớn. Đây cũng chính là cơ hội ngàn năm có một để các đại gia, với sự hậu thuẫn của các thể chế tài chính hùng mạnh quyết tâm đặt chân vào mảnh đất giàu tiềm năng nhưng cũng đầy trắc trở này.

Đối tượng để họ ra tay chính là CVC Capital. Quỹ tài chính chỉ chiếm 35,5% bản quyền thương mại F1, nhưng lại đang kiểm soát hoàn toàn môn thể thao này bởi cổ phiếu họ nắm giữ có quyền bỏ phiếu đặc biệt.

20D

BSkyB (đại diện là nhãn hiệu truyền hình thể thao Sky Sports) sẽ là chủ sở hữu F1 trong thời gian tới?

Bò sữa thành khúc xương khó gặm

CVC đầu tư 1,2 tỷ bảng để bước chân vào F1 năm 2006. Từ đó đến nay, công ty này đã kiếm về món lợi gấp khoảng 5 lần con số họ đầu tư. Thế nhưng, F1 giờ này với họ cũng không còn quá hấp dẫn.

Hình ảnh CVC đang bị các fan hâm mộ môn thể thao này ghét bỏ. Họ cho rằng CVC là “ma cà rồng” khi chỉ rút tiền mà không tái đầu tư. CVC vắt kiệt sức hấp dẫn của F1 và đang đẩy môn thể thao tốc độ này vào con đường diệt vong. Lượng khán giả giảm, hàng loạt đội đua phá sản, F1 cũng không hấp dẫn những đội đua mới.

Đó là còn chưa kể cuộc điều tra sắp tới của Ủy ban châu Âu (EC) hứa hẹn sẽ khiến CVC với tư cách kẻ nắm cuộc chơi thương mại của F1 sứt đầu mẻ trán.

Lúc này, rút lui đối với CVC là lựa chọn không tồi. F1 đang đi xuống. Hình ảnh của công ty này cũng vì thế mà sứt mẻ. Rời đi trước có thể tránh dính vào rắc rối và bảo toàn đầu tư là một giải pháp khôn ngoan, tất nhiên vấn đề cần cân nhắc là… giá cả.

Tấp nập kẻ chờ mua

CVC chán, nhưng F1 vẫn khiến khối kẻ thèm thuồng. Dù gì thì doanh thu một năm của môn thể thao này cũng lên tới gần 1,5 tỷ USD. Chẳng thế mà khi CVC thả ra tin tức có thể sẽ buông số cổ phiếu trong tay mình thì một loạt đại gia đã xếp hàng với con số đưa ra cho CVC dao động từ 7 đến 8 tỷ USD.

Nổi bật trong số này là “liên quân Mỹ-Qatar” đứng đầu là ông chủ đội bóng đá Mỹ Miami Dolphins – Stephen Ross với hậu thuẫn của Qatar Sports Investments (chủ CLB bóng đá Paris Saint-Germain).

Tỷ phú bất động sản Stephen Ross đã giao thương vụ này cho Mark Higgins, Giám đốc điều hành của RSE Ventures. Higgins có 10 năm kinh nghiệm làm ăn với làng F1. Ông này cũng nổi tiếng vì từng là Trợ lý báo chí của cựu Thị trưởng New York – Rudi Giuliani và là người được xem là đứng sau thương vụ giúp công ty Lower Manhattan Development Corporation thắng thầu vụ xây dựng lại Trung tâm thương mại Thế giới (bị phá hủy sau vụ 11/9).

Không chỉ có tiền từ Qatar, kỹ năng mua bán của người Mỹ, liên quân này còn có sự trợ giúp của ông trùm truyền thông Đức, Dieter Hahn. Họ tin sẽ giúp F1 thành công tiến vào hai thị trường “hot” nhất hiện nay là Mỹ và Trung Quốc.

Đối thủ chính của “liên quân Mỹ-Qatar” là sự kết hợp giữa đại gia truyền hình vệ tinh nước Anh Sky và nhà cung cấp internet hàng đầu thế giới Liberty Global. Sky hy vọng sẽ áp dụng mô hình Premier League vốn cực kỳ thành công cho F1 để gia tăng đáng kể nguồn thu từ truyền hình. Họ cũng kỳ vọng F1 sẽ giúp mình giành lại thị phần khán giả đang bị cạnh tranh mạnh tại xứ sở sương mù.

Những nguồn tin khác cũng cho biết, tỷ phú thời trang Canada – Lawrence Stroll, người xây dựng nên các thương hiệu đình đám như Tommy Hilfiger hay Michael Kors, cũng đang chuẩn bị đưa ra lời đề nghị với CVC.

LONG NGUYỄN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm