1.Đá bóng ra ngoài khi có cầu thủ nằm sân
Về mặt lý thuyết, đây không phải một điều luật được quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong hầu hết các trận đấu bóng đá, giải pháp này luôn được xem như một “quy ước ngầm” nhằm thể hiện tinh thần fair-play cần thiết trên sân cỏ. Trên thực tế, hành động đá bóng ra ngoài khi có cầu thủ bị thương cũng mang đậm tính chất “nhân văn”.
Thế nhưng, trong không ít trường hợp, nhiều cầu thủ đã lợi dụng quy ước này nhằm mục đích câu giờ hay thậm chí là tìm cách ngăn chặn một tình huống tấn công có thể gây ra nguy hiểm cho đội nhà. Đối với các trọng tài, dù quyết định tạm dừng trận đấu hay cho đội tấn công được hưởng phép lợi thế, hoặc để một đội chơi thiếu người trong khoảng thời gian mà cầu thủ dính chấn thương cần được chăm sóc… đều là những phương án không thực sự trọn vẹn, gây ra sự so sánh giữa đôi bên.
2.Chơi bóng bằng tay
Công bằng mà nói thì chẳng ai có thể định nghĩa chính xác được... cách thức chơi bóng bằng tay là như thế nào? Theo quy định của FA, một tình huống bị xem là “dùng tay chơi bóng” nếu như cầu thủ cố tình di chuyển bàn tay hoặc cánh tay về phía trái bóng, đồng thời được xác định tùy theo khoảng cách giữa cầu thủ và bóng. Mặc dù vậy, không ít lý do về việc “bàn tay đang ở trong một vị trí tự nhiên” đã được các cầu thủ nhằm tranh cãi và biện minh về hành động mang tính “vô ý” của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi tốc độ của trái bóng đang đi rất nhanh và tình huống va chạm chỉ diễn ra trong tích tắc thì cũng không ai dám khẳng định chính xác rằng một cá nhân cố tình “dùng tay chơi bóng” hay không? Trong tương lai, vấn đề này chắc chắn vẫn sẽ là một thử thách nan giải đối với công tác trọng tài nói chung.
3.Phạm lỗi trong (ngoài) vòng cấm địa
Vấn đề sẽ trở nên cực kỳ đơn giản nếu như hình phạt dành cho việc phạm lỗi trong khu vực 16m50 không phải một quả penalty. Mặc dù vậy, đối với các tình huống tranh chấp diễn ra ở phạm vi “nửa trong nửa ngoài” vạch vôi phân chia vòng cấm địa, sẽ là một áp lực thực sự dành cho các trọng tài. Các cầu thủ tấn công nếu bị phạm lỗi, đương nhiên sẽ có thừa “động lực” để tìm cách tiếp cận vòng cấm địa càng gần càng tốt. Trong khi các hậu vệ, ở những tình huống phạm lỗi mang tính chất “chủ động”, sẽ cố gắng đẩy lùi hành vi của mình ra xa. Hệ quả, điều này cũng gây nên không ít khó khăn đối với những người cầm còi nói chung.
4.Thẻ phạt
Thực tế cho thấy, hệ thống xử phạt trong bóng đá là một “mớ hộn độn” theo đúng nghĩa. Có nhiều trường hợp, cầu thủ phạm lỗi cố tình nhằm mục đích triệt hạ đối phương, thậm chí lặp lại vài ba lần nhưng vẫn “ung dung tự tại” thi đấu trên sân. Tuy nhiên, một sai lầm mang tính “tự nhiên” nếu diễn ra trong vòng cấm địa lại hoàn toàn có thể khiến cho đội nhà phải chịu một bàn thua oan nghiệt. Ngoài ra, vấn đề sử dụng thẻ vàng hay thẻ đỏ nhiều trường hợp cũng khiến cho trận đấu trở nên mất đi sự hấp dẫn cần thiết do chênh lệch về mặt quân số.
5.Phạt thẻ đỏ đồng thời cho hưởng penalty
Một tình huống tính toán thiếu cân nhắc đến từ các thủ môn (đôi khi là hậu vệ) hoàn toàn có thể khiến cho đội nhà rơi vào tình cảnh “đầu hàng sớm”. Đành rằng việc xử phạt một cầu thủ có hành vi cố tình phạm lỗi, thậm chí theo xu hướng bạo lực, bằng hình thức đuổi khỏi sân là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng, trong không ít trường hợp, điều này lại khiến cho trận đấu trở nên nhàm chán do bên bị mất người gần như không còn khả năng xoay chuyển cục diện (vừa mất người, vừa phải chịu bàn thua từ chấm phạt đền).
6.Cãi vã với trọng tài
Ở một góc độ nào đó, các cầu thủ hoàn toàn có lý do để cảm thấy bức xúc nếu như vị trọng tài chính đưa ra những quyết định không thực sự phù hợp dành cho bản thân mình. Mặc dù vậy, nhiều cá nhân đã lợi dụng “lợi thế” này để trực tiếp gây áp lực lên các ông vua áo đen, nhằm mục đích tìm kiếm một quyết định có lợi dành cho đội nhà. Thế nhưng, xét ở khía cạnh ngược lại, đôi lúc, việc sử dụng thẻ vàng hay thậm chí là thẻ đỏ dành cho những cầu thủ hoặc huấn luyện viên quá “ngổ ngáo” cũng gây ra phản ứng tiêu cực từ các khán đài.
7.Phép lợi thế
Thật khó để xác định như thế nào là “lợi thế thực sự” bởi trong một vài trường hợp, đội tấn công chỉ cần một quả phạt trực tiếp diễn ra ngay gần khung thành đối phương (khi mà các hậu vệ đã lùi về quá đông). Tuy nhiên, ở một tình huống phản công nhanh chẳng hạn, việc thổi phạt và cho dừng trận đấu đôi khi cũng khiến cho bên đang tấn công đánh mất đi cơ hội ghi bàn mười mươi. Về phần các trọng tài, rõ ràng sự nhạy cảm trong việc đưa ra quyết định sử dụng “phép lợi thế” hay không là hết sức mong manh.
8.Di chuyển trước khi đá phạt 11 mét
Theo như lý thuyết, tất cả những cầu thủ không tham gia vào tình huống đá penalty chỉ được tiếp cận di chuyển vào gần khung thành sau khi cầu thủ đá phạt thực hiện động tác sút phạt đền. Mặc dù vậy, trong phần nhiều các trận đấu nói chung, trọng tài thường không thể kiểm soát trọn vẹn vấn đề này, qua đó gây ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của cầu thủ trực tiếp đá phạt trên chấm 11 mét, hoặc đôi khi là thủ môn.