Từ trước tới nay, thể thao vẫn được gắn liền với từ "chơi", và trong môi trường học đường thì thể dục thể thao hiếm khi được coi trọng ngang với học hành. Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Giáo dục Thể thao Hoa Kỳ, thể thao có những giá trị giáo dục mà các môn học toán, lý, hóa... không thể mang lại.
Bóng rổ là một môn thể thao tập thể, và khi tham gia một tập thể thi đấu thể thao, các bạn học sinh sẽ được học cách có trách nhiệm với đồng đội, với thầy cô, rũ bỏ những ý thức xấu:
"Ở Việt Nam bây giờ kinh tế phát triển, có nhiều cha mẹ bắt đầu chiều con, dẫn đến nhiều bạn học sinh sống không cần trách nhiệm, về nhà có bố mẹ lo cho hết nên bắt đầu ích kỷ, ỷ lại, chỉ quan tâm đến những gì mình muốn".
"Điều đó sẽ thay đổi khi các bạn được đưa vào môi trường tập thể, thi đấu thể thao cùng đội tuyển. Trong một đội bóng, các bạn đó chỉ còn là những thành viên. Hoàn cảnh gia đình giàu nghèo thế nào thì họ cũng không có đặc quyền. Những gì đội tuyển cần ở các bạn ấy là trách nhiệm, nỗ lực, kỹ năng, hiểu biết..."
"Khi có đam mê với thể thao, với bóng rổ, thì tự nhiên các em học sinh cũng sẽ có trách nhiệm với những công việc khác. Tôi hay nói với nhiều em học sinh rằng, nếu bố mẹ cấm đoán chơi bóng rổ thì các em phải tự xem lại bản thân đã có trách nhiệm với việc học chưa, đã có trách nhiệm với gia đình hay chưa, thời gian rảnh thì làm gì? Từ đó, các em sẽ tự đưa ra câu trả lời cho bản thân".
Bên cạnh đó, việc tham gia tuyển trường, thi đấu thể thao sẽ giúp các bạn học sinh va chạm nhiều hơn với xã hội, được đẩy vào tình cảnh phải giải quyết vấn đề và áp dụng vào cuộc sống.
"Ở trong tập thể, các bạn trẻ sẽ học được cách phải sống có trách nhiệm với người khác, phải đến đúng giờ, hòa đồng, đóng góp cho mọi người. Tập thể nào cũng có những vấn đề và mâu thuẫn, nhưng từ đó các em sẽ học được cách giải quyết vấn đề".
"Tập thể càng đông đảo thì càng phức tạp. Cần nhớ là thậm chí những người trong gia đình có khi còn không thích nhau, nhưng không phải cứ không thích thì từ bỏ. Khi chơi bóng rổ ở trường cũng vậy, học sinh chỉ có thể thi đấu cho tuyển trường mình, không thể bỏ sang trường khác được. Các em sẽ phải tự mình giải quyết mẫu thuẫn, đi đến thỏa thuận để cùng nhau tập luyện và mang về chiến thắng".
"Tôi chứng kiến nhiều em học sinh cấp ba, đại học chưa biết mình muốn gì, làm gì. Chơi thể thao có cái rất hay, ấy là xây dựng cho em mục tiêu, tập luyện để khắc phục gì, thi đấu để giành thành tích gì, thắng đối thủ nào, ... Chơi thể thao nhiều, các bạn đó sẽ cố gắng và tạo nên thói quen áp dụng được vào tất cả mọi khía cạnh trong cuộc sống".