Với những Liên đoàn khác ngoài bóng đá như Cầu lông, Bóng chuyền, quần vợt… hàng năm hoặc sau mỗi nhiệm kỳ họ luôn công khai tài chính trong các cuộc họp BCH hoặc Đại hội thường niên. Tuy nhiên, với VFF thì công việc này lại được xem là ngoại lệ.
Không chỉ khóa VII hiện tại mà trong cả 2 nhiệm kỳ trước đây của VFF vấn đề tài chính, công tác thu chi luôn được đặc cách theo kiểu “bí mật”, nghĩa là chỉ có những người đủ thẩm quyền hoặc 5 nhân vật trong thường trực BCH VFF mới được thông qua hoặc biết “trong nhà” có bao nhiêu tiền và chi những khoản gì.
Lần gần nhất Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đăng đàn trả lời về vấn đề “tế nhị” nhưng cũng chỉ là những thông tin rất chung chung. “So với những năm trước, chúng tôi mất một nguồn thu khá lớn từ V.League (hiện được VPF quản lý và điều hành-PV), nên việc thu chi của VFF chỉ được tính vào những giải đấu do chính VFF tổ chức. Cho đến thời điểm này, có những giải đấu hòa tiền và có lãi nên về cơ bản VFF đã tự cân đối được tài chính giữa thu và chi. Hiện tại, cũng rất may, chúng tôi cũng không bị mất cân đối giữa thu và chi, nên luôn đảm bảo được các hoạt động cơ bản như lo cho các ĐTQG tập huấn và thi đấu.
Còn về những con số giữa thu và chi, hiện tại vẫn đang là giữa năm tôi không thể cung cấp con số cụ thể được nhưng nói chung chưa dư dả nhưng đảm bảo được về căn bản”, thời điểm ông Dũng trả lời báo Thể thao 24h vào khoảng cuối tháng 8.
Đó là lần duy nhất người đứng đầu VFF lên tiếng về chuyện tài chính ở tổ chức xã hội nghề nghiệp này. Còn ở những nhiệm kỳ trước cho đến nay, việc công khai hay công bố tài chính ở VFF thường chỉ những lãnh đạo cấp cao mới có đủ thẩm quyền biết hoặc được tìm hiểu.
VFF đã vậy, những CLB thành viên cũng bị đặt trong dấu hỏi tài chính. Nhiều CLB khi giải tán, hoặc bị cơ quan an ninh vào cuộc điều tra, thì những “con số ma” và những khoản chi tiêu không thể giải trình mới được công bố và phát lộ.