Cũng như nhiều nằm trước, khi đội bóng xứ Thanh chưa gắn tên với nhà tài trợ nào, tiền nuôi bóng đá phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Năm 2016, khi tập đoàn FLC chính thức tiếp quản, bài toán bao cấp vẫn chưa thể “thoát ly”. Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hoá vẫn tiếp tục chi viện cho đội bóng số tiền 40 tỷ đồng.
40 tỷ đồng là số tiền đủ, thậm chí là quá sang so với các đội trung bình như Đồng Tháp, S.Khánh Hoà BVN, SLNA, Long An…hoạt động trong cả một mùa giải. Thế nhưng,với đội bóng xứ Thanh, con số đó vẫn chưa đủ. Ngoài số tiền từ ngân sách, tập đoàn FLC cũng “bơm” khá bạo tay để đẩy mạnh chất lượng nhân sự và thu nhập cho các cầu thủ, BHL, cán bộ nhân viên…
Lương thưởng được đảm bảo ở mức khá trở lên, tiền thưởng cho một trận thắng thuộc nhóm cao nhất V.League và quan trọng đến hẹn là tiền về tài khoản. Vì thế, khi FLC.Thanh Hoá “đi chợ” trước mùa giải luôn chiếm được ưu thế so với các đối thủ khác để có được chữ ký của các cầu thủ mong muốn.
Họ sửa chữa và nâng cấp SVĐ, giảm giá vé vào sân và làm mọi cách để hướng tới khán giả, kéo thượng đế đến sân. “Trước mùa giải đội bóng đã trang bị rất nhiều dụng cụ cổ vũ cho CĐV, bên cạnh đó chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn bài bản cho Hội CĐV, các chi hội từ các huyện xa thành phố. Đá sân khách hay sân nhà, đội bóng luôn có những hỗ trợ về mặt tài chính, phương tiện di chuyển cho những thành viên trong Hội CĐV. Với khẩu hiệu “CĐV là tài sản lớn nhất của CLB”, từ các cầu thủ, BHL và lãnh đạo luôn hiểu, trân trọng điều này”, Chủ tịch Doãn Văn Phương cho biết.
Khi là một nhà
Mua về và bán đi gần một đội hình với những cầu thủ được đánh giá chất lượng nhưng trước khi mùa giải 2016 khởi tranh, FLC Thanh Hoá cho rằng với lực lượng đang có chắc chắn sẽ không thể làm nên chuyện lớn. Vì thế, họ đã tìm đến gõ cửa vị chiến lược gia có thành tích tốt nhất của BĐVN là HLV Lê Thuỵ Hải.
Hai chiến thắng liên tiếp trước HN.T&T và S.Khánh Hoà BVN đều có dấu ấn của nhà cầm quân họ Lê. Theo chia sẻ của các cầu thủ, từ khi có GĐKT Lê Thuỵ Hải, tâm lý, cách tiếp cận trận đấu và lối chơi khác rất xa so với mùa giải trước.
“Luôn có vị thế cửa trên so với các đội thủ nhưng khi nhập cuộc chúng tôi được yêu cầu “biết mình, biết ta”, nghĩa là luôn phải tôn trọng đối thủ và tìm thời cơ, thời điểm bung sức. Có những cầu thủ thể lực yếu, chỉ có thể đá trên sân trong khoảng 40-50 phút nhưng khi HLV Lê Thuỵ Hải làm và đưa ra chiến thuật, cách tiếp cận trận đấu, họ có thể chạy và đá tốt trong cả 90 phút. Cách làm của bố Hải hợp lý, thuyết phục được tất cả nên huy động được sức mạnh tập thể”, một cầu thủ FLC.Thanh Hoá chia sẻ.
Tài chính mạnh, được đầu tư và có tham vọng, nhà tài trợ phát đi thông điệp “không vô địch sẽ là thất bại”. Là những nhà kinh doanh, mục tiêu của FLC là phải có thành tích để khẳng định hướng đi và mục đích đầu tư của mình đúng đắn.
Sau 2 chiến thắng, FLC Thanh Hoá đang trở thành ứng viên nặng ký cho chức vô địch V.League 2016. Mọi chuyện ở xứ Thanh đang rất tốt đẹp và những kế hoạch, lộ trình phía trước đều đã được vạch ra sẵn, thậm chí mức thưởng cho ngôi vô địch đã được phát đi từ đầu mùa giải. Nếu làm được điều mà người dân Thanh Hoá hay nhà tài trợ mong chờ, thầy trò HLV Lê Thuỷ Hải có thể nhận mức thưởng lên tới 10 tỷ đồng, chưa kể những khoản tiền của BTC giải, các Mạnh Thường Quân và lãnh đạo tỉnh.
Người xứ Thanh đang rất tự tin họ sẽ làm nên chuyện ở mùa giải này và thông điệp đó đã được phát đi.
So với 14 đội bóng ở V.League 2016, FLC Thanh Hoá chính là đội bóng đầu tư và thay mới lực lượng nhiều nhất. Họ cho đi 9 cầu thủ, mua về 10 gương mặt mới và quan trọng nhất, có thể thuyết phục GĐKT Lê Thuỵ Hải “tái xuất giang hồ”.