Trang Siamsport của Thái Lan chỉ ra 4 điểm hạn chế khiến cầu thủ Việt Nam khó lòng chịu đến Thai League thi đấu dù mức lương và đãi ngộ cao hơn V.League.
Trước thềm mùa giải 2018, thị trường chuyển nhượng Thai League "nóng" với các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam.
Mới đây, trên trang Siamsport của Thái Lan đã nêu ra 4 điểm hạn chế khiến cầu thủ Việt Nam khó lòng đến Thái Lan thi đấu dù điều kiện thi đấu tốt hơn.
Yếu tố gia đình: Cầu thủ Việt Nam rất quý trọng gia đình, nhiều người không thể tách khỏi gia đình nhỏ nếu như phải ra nước ngoài thi đấu.
Văn Quyết là một ví dụ khi anh mới lập gia đình vào năm 2015 và có một cậu con trai đang sinh sống tại Hà Nội. Thật khó cho cầu thủ này phải xa gia đình dù được các đội bóng chú ý.
Khác biệt văn hóa: Cựu đội trưởng Lê Công Vinh từng bày tỏ cầu thủ Việt sợ thất bại khi ra nước ngoài thi đấu. Bên cạnh đó còn là rào cản ngôn ngữ.
Thực phẩm cũnglà một yếu tố quan trọng. Hơn hết là cầu thủ sợ mình không thể thích nghi với lối chơi mới, môi trường mới. Sợ mọi thứ.
CLB không muốn "nhả" cầu thủ trụ cột: Trong 7 mùa giải gần nhất có đến 5 CLB khác nhau vô địch. Các đội đều có nòng cốt là các tuyển thủ quốc gia. CLB không muốn để những người này ra đi.
Cầu thủ không được khuyến khích với lựa chọn mới. CLB muốn giữ người ở lại để phục vụ cho mùa giải tiếp theo.
Lương cao so với năng lực: Với suất cầu thủ Đông Nam Á nhiều CLB ở Thai League không ngại chiêu mộ cầu thủ nhưng phải xứng đáng.
Họ muốn mua cầu thủ thực sự tốt, có thể tăng sức mạnh cho đội. Cầu thủ Việt Nam có thể được trả lương cao ở V.League nhưng sang Thai League thì CLB phải tính toán kỹ.
Các đội bóng không trả lương cao cho cầu thủ không có trình độ cao hơn cầu thủ bản địa, với số tiền đó họ có thể chiêu mộ một cầu thủ Thái Lan khác.
Theo một nguồn tin của Webthethao, ngày 5/1/2018, sẽ có thêm một cầu thủ V.League chuyển sang Thái League thi đấu. Đó có thể sẽ là một cầu thủ Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu trên.