ESPN mới đây đã công bố một cuộc điều tra phanh phui tình trạng bạo lực và ngược đãi trẻ em trong những trung tâm huấn luyện bóng rổ tại Trung Quốc (xem tại đây). Tuy nhiên đối với quốc gia đông dân nhất thế giới, quan điểm "yêu cho roi cho vọt" dường như đã trở thành tôn chỉ để phát triển thể thao.
Vì vậy quá trình đào tạo hà khắc phần nào khiến bóng rổ Trung Quốc tạo nên nét tính cách đầy bạo lực. Không chỉ các giải đấu quốc nội như CBA, đội tuyển quốc gia Trung Quốc cũng từng khiến những người đồng nghiệp khác phải run sợ. Hãy cùng nhìn lại 4 vụ bạo lực kinh hoàng nhất!
vs Li Băng (2001)
10 ngày sau khi nhận tin mừng trở thành nước chủ nhà Olympic 2008, các cầu thủ Trung Quốc tiếp đón Li Băng tại giải vô địch châu Á. Họ để lại những hình ảnh vô cùng xấu xí khi lao vào tấn công các cầu thủ đội khách, chỉ bởi những tình huống va chạm rất bình thường trong bóng rổ.
Vũ khí được sử dụng không chỉ nắm đấm mà còn là ghế và kéo. Các cầu thủ Trung Quốc lao tới hộc đồ của các bác sỹ và lấy kéo y tế lao tới tấn công đội khách.
Chưa hết các cầu thủ chủ nhà còn lao xuống đường hầm, tiến vào phòng thay đồ đội khách, bị cảnh sát ngăn cản họ đợi ở ngoài cửa nhà thi đấu, sau đó kéo tới khách sạn của đội tuyển Li Băng quyết ăn thua đủ.
Phải nhờ sự canh gác 24/24 của cảnh sát các cầu thủ đội khách mới giữ được an toàn. Thậm chí HLV Li Băng ông Carl John Neumann phải xin lỗi đội chủ nhà Trung Quốc để xoa dịu tình hình.
4 cầu thủ Li Băng bị thương nặng nhất là Abdo Shidiak gãy ngón tay, trong khi 3 người đồng đội còn lại phải khâu 11 mũi. Còn đối với các cầu thủ Trung Quốc, họ vẫn khăng khăng khẳng định mình đúng và không có một lời xin lỗi.
vs Puerto Rico (7/2005)
Chủ nhà Trung Quốc tiếp đón các cầu thủ Puerto Rico trong khuân khổ Stankovic Cup, cuộc chạm trán diễn ra tại Bắc Kinh trong một sân đấu phủ kín 3.000 CĐV nước chủ nhà.
Trong một tình huống Manuel Narvaez vô tình phạm lỗi khi rebound, bất ngờ 2 cầu thủ Trung Quốc là Li Nan và Mo Ke hoá điên. Họ lao vào khơi mào cuộc chiến trong sự hào hứng của các... cổ động viên.
Những chai nước, dép và ghế của những người hâm mộ Trung Quốc ném thẳng về phía các cầu thủ Puerto Rico, dưới sân là những nắm đấm cú đá và màn rượt đuổi của cầu thủ đội chủ nhà dành cho đội khách.
Lúc đầu toàn bộ cầu thủ và ban huấn luyện Puerto Rico ngỡ ngàng không biết điều gì đang xảy ra, sau ít phút định thần họ chỉ còn biết chạy vòng quanh sân và lao chối chết về đường hầm để tìm kiếm sự giúp đỡ của cảnh sát.
Hàng loạt tờ báo lớn Trung Quốc thừa nhận đây là hành động ô nhục và đáng bị lên án, Hiệp hội bóng rổ Trung Quốc (CBA) lên tiếng xin lỗi Puerto Rico và cho biết họ sẽ làm mọi cách để ngăn chặn tình trạng bạo lực tái diễn.
Sau 30 giờ di chuyển tới Trung Quốc, thứ mà các cầu thủ Puerto Rico nhận được hoá ra lại là nắm đấm và chai lọ. Trước sức ép của dư luận, các cầu thủ Trung Quốc lên tiếng nhận lỗi và hứa không tái phạm, nhưng một vài trong số họ vẫn xuất hiện trong cuộc tấn công các cầu thủ Brazil 5 năm sau đó!
Clip tình huống bạo lực
vs Brazil (2010)
Những vụ bạo lực với Li Băng và Puerto Rico diễn ra ở thời điểm công nghệ số còn chưa phát triển, điện thoại thông minh và Internet còn hạn chế, vì vậy những thông tin người hâm mộ trên thế giới nhận được phần nhiều chỉ là những dòng chữ.
Thế nhưng vụ tấn công các cầu thủ Brazil đã vạch trần phần tính cách đầy bạo lực của bóng rổ Trung Quốc. Vô số những video trên mạng là bằng chứng không thể chối cãi!
Chỉ là một trận đấu giao hữu với các cầu thủ Brazil, chỉ là những tình huống va chạm quen thuộc trong bóng rổ, thế nhưng tính cách hiếu thắng đã khiến các cầu thủ chủ nhà lao vào tấn công đội tuyển Brazil.
Các cầu thủ tới từ châu Mỹ phản ứng yếu ớt và đương nhiên họ là đội bóng bị ăn đòn nhiều hơn. Với một kịch bản quen thuộc, các cầu thủ Trung Quốc tiếp tục lao vào đường hầm tấn công phòng thay đồ của Brazil, rất may không còn vụ việc đáng tiếc nào xảy ra.
Một chi tiết khá hài hước là trọng tài đã xuống gặp ban huấn luyện Brazil và yêu cầu các cầu thủ đội khách trở lại trận đấu, đương nhiên đội khách đã sợ mất mật và từ chối yêu cầu đó!
Như thường lệ CBA lên tiếng xin lỗi Brazil và những người hâm mộ bóng rổ, nhưng kể từ đó các đội tuyển trên thế giới cũng không dám tới Trung Quốc để thi đấu giao hữu. Mỹ có lẽ là quốc gia liều mình thử thách một lần nữa và họ ngay lập tức... ăn đòn!
vs CLB Mỹ Georgetown Hoyas (8/2011)
Là một phần sự kiện trong chuyến ngoại giao của Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden, CLB Georgetown Hoyas của NCAA đã có trận đấu giao hữu với Bayi Rockets, đội tuyển bóng rổ Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Thật nghiệt ngã, các binh sỹ PLA đã áp dụng cả bóng rổ và võ thuật vào trận đấu giao hữu với đội bóng sinh viên Mỹ. Lại một lần nữa các cầu thủ chủ nhà khơi mào và lao vào tấn công đội khách, các cầu thủ Hoyas chống trả yếu ớt trước khi chạy trốn vào đường hầm trong sự bất lực của cảnh sát.
Vì yếu tố chính trị, truyền thông Mỹ và Trung Quốc không nhắc nhiều tới vụ ẩu đả này. Tuy nhiên những tờ báo uy tín trên khắp thế giới tiếp tục có cơ hội "gõ cháy bàn phím".
Những người yêu bóng rổ trên khắp thế giới hãi hùng khi chứng kiến những trận đấu có thể biến thành võ đài bất cứ lúc nào. CBA lại tiếp tục xin lỗi, và thật may mắn sau 9 năm tình trạng bạo lực này đã không còn tái diễn!
Tuy nhiên đó chỉ là những trận đấu giao hữu với các quốc gia khác. Còn tại giải chuyên nghiệp Trung Quốc CBA, những cảnh cầu thủ đánh nhau với cầu thủ, cầu thủ đánh cổ động viên, cổ động viên tấn công cha mẹ cầu thủ,... vẫn xảy ra nhiều tới mức khó mà thống kê hết!