Andy Murray giành chiến thắng 3-0 trước Milos Raonic trong trận chung kết Wimbledon 2016 với tỉ số các set: 6-4, 7-6 và 7-6 sau 2 giờ 48 phút thi đấu.
Đây là chức vô địch Grand Slam đầu tiên trong năm 2016 và là chức vô địch thứ 3 trong sự nghiệp của Andy Murray. Trước đó, trong năm 2016 Murray đã lần lượt chịu thua trong trận chung kết Australian Open và Roland Garros đều trước tay vợt số 1 TG Novak Djokovic.
Trong tổng số 11 lần lọt vào các trận chung kết Grand Slam, trận đấu ngày hôm nay là lần đầu tiên Murray không phải đối mặt với một trong hai đối thủ quen thuộc Roger Federer và Novak Djokovic. Tay vợt số 1 TG đồng thời là "khắc tinh" lớn nhất của Murray, Novak Djokovic, đã bất ngờ bị đánh bại bởi tay vợt người Mỹ Sam Querrey tại vòng 3. Trong khi đó, Roger Federer đã chịu thua trước Milos Raonic trong trận bán kết diễn ra cách đây 2 ngày.
Đối thủ của Murray trong trận chung kết, tay vợt hạt giống số 6 người Canada Milos Raonic, đã có trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. Mặc dù không thể chạm tay vào chiếc cúp vô địch Wimbledon, thành tích lọt vào trận chung kết cũng đã đưa tên tuổi của Milos Raonic trở thành huyền thoại tại quê nhà, khi anh là tay vợt nam người Canada đầu tiên tiến xa như vậy trong một giải đấu Grand Slam.
Milos Raonic, người được mệnh danh là "cỗ máy giao bóng", đã không tận dụng được lợi thế của mình dưới sức ép tâm lí nặng nề trong lần đầu tiên thi đấu một trận chung kết trước sự chứng kiến của 15,000 khán giả ngồi chật kín sân vận động trung tâm.
Tay vợt từng giành tới 137 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp (ace) trên đường tiến tới trận chung kết, ngày hôm nay chỉ có 8 lần ghi điểm như vậy. Thậm chí Raonic phải mất tới 36 phút thi đấu và trải qua 5 game giao bóng mới giành được điểm ace đầu tiên trong trận đấu.
Đứng trước một Andy Murray đạt phong độ ổn định từ đầu giải và khả năng trả giao bóng cực tốt, "máy giao bóng" Raonic đạt được tỉ lệ ăn điểm từ cú giao bóng 1 thấp một cách đáng kinh ngạc, chỉ 67% so với tỉ lệ 87% của đối thủ. Một trong số những cú trả giao bóng của Murray đạt vận tốc xé gió tới 235 km/h. Murray trả giao bóng đã hay mà giao bóng cũng không hề thua kém Raonic, với số điểm ace đạt được là 7 điểm, chỉ kém Raonic đúng một lần.
Những cú passing với độ chính xác cực cao và rất "kín" của Murray cũng đã khắc chế hoàn toàn lối chơi giao bóng lên lưới của Raonic. Trong số 74 lần lên lưới, Raonic chỉ thành công 46 lần, đạt tỉ lệ rất thấp 64%. Khán giả trên sân vận động trung tâm đã không ít lần phải ồ lên trước những pha xử lí biến hóa từ cái cổ tay cực dẻo của Andy Murray, với những cú đánh ở vạch baseline đưa bóng đi chìm căng về cuối sân, khiến cho các ý đồ lên lưới bắt bài của Raonic liên tục bị phá sản.
Ở phía bên kia, Murray mặc dù có số lần lên lưới ít hơn nhưng hiệu quả lại lớn hơn, với 17/22 lần thành công.
Sức ép tâm lí còn khiến Milos Raonic có số lần tự đánh bóng hỏng (unforced errors) cao hơn rất nhiều so với đối thủ (29 so với 12), mặc dù cả hai tay vợt có số điểm winner ngang bằng nhau.
Không tận dụng được ưu thế giao bóng, Milos Raonic để Andy Murray 7 lần có cơ hội giành break trong trận đấu. Mặc dù chỉ thành công duy nhất 1 lần trong set 1 để kết thúc set đấu với tỉ số 6-4, con số 7 cơ hội giành break đã phần nào nói lên sự chủ động của Murray ngay cả trong những game giao bóng của đối phương.
Chỉ một lần "bẻ" game đối thủ cũng là quá đủ với Murray. Bởi lẽ, chỉ cần kéo đối phương vào trong loạt tie-break có phần "cân não", Murray dễ dàng giành chiến thắng trước một Raonic còn quá non nớt trước sức ép của một trận chung kết Grand Slam.
Sau trận đấu, Murray trở về ghế ngồi của mình và dùng chiếc khăn lau mồ hôi để gạt đi những giọt nước mắt hạnh phúc. Chiến thắng của Murray trong bối cảnh Vương quốc Anh vài tuần qua đang lâm vào khủng hoảng "Brexit" được ví von như là "hi vọng cuối cùng" của nước Anh.
Trả lời phỏng vấn sau trận đấu trước câu hỏi "Anh suy nghĩ như thế nào khi mọi người gọi anh là hy vọng cuối cùng của nước Anh", Murray chỉ hóm hỉnh đáp lời:
"Điều đó cũng không tệ chút nào phải không!"
Video trận đấu giữa Milos Raonic và Andy Murray: