Chuyện quái quỷ gì đang đến với Barca? Trong giai đoạn giao hữu mùa hè, Barca đá 5 trận và thủng lưới 8 bàn. HLV Luis Enrique giải thích rằng ông thiếu các cầu thủ chủ chốt dự Copa America 2015, cũng như việc đội bóng chủ yếu tập thể lực nên cần thời gian cải thiện về cảm giác bóng. Lời giải thích ấy được chấp nhận, vì dù sao các trận giao hữu không có tính chất quan trọng, và thực tế Enrique cũng thực hiện nhiều thử nghiệm nhân sự ở các tuyến.
Nhưng Enrique không thể bào chữa bằng bất kỳ lý do gì, khi mà những vấn đề tiếp tục đeo bám Barca ở các trận chính thức vừa qua. Cụ thể, sau 3 trận đấu đấu đầu tiên của mùa giải 2015/16, Barca để thủng lưới đến 9 lần, khiến cho giấc mộng giành 6 danh hiệu trong năm dương lịch 2015 tan vỡ. Các hàng công không được đánh giá cao của Sevilla và Bilbao đều ghi 4 bàn vào lưới Barca trong vòng 90 phút. Trong đó, Aritz Aduriz chỉ cần 15 phút và 3 cú sút để hoàn tất cú hat-trick. Trước đó, trong suốt 10 năm, không một ai có thể ghi 3 bàn vào lưới Barca trong một trận chính thức.
Những gì diễn ra hoàn toàn tương phản với khả năng phòng ngự của Barca mùa trước. Trong 60 trận của mùa giải 2014/15, Barca có tới 33 trận giữ sạch lưới. Tổng số bàn thua mà đội bóng xứ Catalan phải nhận cũng chỉ là 38. Con số chi tiết là 21 bàn thua ở La Liga, 11 tại Champions League và 6 ở Cúp nhà Vua.
Điều duy nhất có thể giải thích cho thảm họa phòng ngự vừa qua là việc Luis Enrique đã không kiểm soát được các vấn đề. Nhà cầm quân người xứ Asturias đang xây dựng hệ thống thi đấu có quá nhiều lỗ hổng. Điều đáng chú ý, khoảng trống đến từ những vị trí tưởng như là tốt nhất: Sergio Busquets ở giữa sân, và đặc biệt là cặp trung vệ.
Trước Sevilla, Enrique sử dụng cặp trung vệ tốt nhất mà mình có, Pique – Mascherano. Trong trận lượt đi Siêu Cúp Tây Ban Nha với Bilbao, Enrique trao cơ hội cho cặp Bartra-Vermaelen. Trong trận lượt về với Bilbao trên sân nhà Nou Camp, Enrique trở lại với Pique và Mascherano. Kết quả, Barca đã hạn chế được việc thủng lưới, nhưng vẫn để đối thủ có nhiều khoảng trống tấn công.
Khi sự tích cực chưa nhiều, thì có thêm rắc rối khác, với việc Pique lăng mạ trợ lý trọng tài, dẫn đến chiếc thẻ đỏ và án cấm thi đấu 4 trận ở La Liga. Những rắc rối đẻ ra rắc rối. Barca khởi đầu mùa giải với lịch thi đấu nặng hơn bất kỳ ứng viên vô địch nào. Không có Pique, Enrique sẽ phải lựa chọn giữa Marc Bartra và Vermaelen cho vị trí đá cặp với Mascherano. Riêng Mathieu bị treo giò trận Bilbao.
Sau chấn thương gần như trọn vẹn mùa đầu tiên, Vermaelen dường như chưa hòa nhập được với Barca. Cựu trung vệ của Arsenal cũng chưa quen với Mascherano, nên có thể gây lúng túng cho cả hai khi buộc phải kết hợp bất đắc dĩ. Trong khi đó, Bartra được đánh giá tài năng từ nhiều năm trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự trưởng thành như mong đợi.
Pique bị treo giò, trong khi Jordi Alba chưa chắc chắn đá trận mở màn La Liga, Enrique có thể tính đến hệ thống 3-4-3, 3-5-2 (phù hợp khi Neymar vắng mặt) hoặc 3-3-3-1.
Giải quyết bài toán vắng mặt Pique đủ khiến Enrique đau đầu. Nhưng khi Pique trở lại, Enrique cũng phải chịu cơn đau đầu khác: làm thế nào để kiểm soát bản tính nổi loạn của anh chàng này? Với Pique lúc nào cũng tiềm ẩn rủi ro mất người, đặc biệt là các thế trận căng thẳng. Đầu mùa trước, Pique đá tệ và bị Luis Enrique đẩy lên khán đài. Sau một vài trận dự bị, Pique trở lại và có phong độ xuất sắc. Nhưng kiểm soát tâm lý của anh là một vấn đề khác.
Quá nhiều vấn đề đang khiến nhà ĐKVĐ run rẩy trên hành trình mơ về cú ăn ba thứ hai liên tiếp.
NGỌC LINH
Bartra, bây giờ hoặc không bao giờ!
Marc Bartra đã suýt rời sân Nou Camp vài tuần trước để tìm cơ hội thi đấu và dự EURO 2016. Dù vậy, Bartra sau đó quyết định ở lại để cạnh tranh vị trí chính thức.
Ngay khi La Liga khởi tranh, cơ hội đến với Bartra – thành viên hiếm hoi còn sót lại của thế hệ 1991 mà La Masia đào tạo, khi Pique bị treo giò 4 trận.
Trên thực tế, Barca đã cho Bartra cơ hội. Nhưng anh luôn phản bội niềm tin của đội bóng. Bartra đã 24 tuổi và không thể mãi ôm cái mác trung vệ trẻ nữa.
Bây giờ hoặc không bao giờ, tương lai Bartra do chính anh định đoạt.