CR7 bị cáo buộc hiếp dâm dù sự việc diễn ra từ gần 10 năm trước: À, đáng đời chưa, giàu có lắm vào, tài năng lắm vào. À, hóa ra siêu sao chẳng đạo đức bằng chúng ta - những người thường. M10 dính nghi án trốn thuế: Thật là công bằng, những kẻ nhiều tiền xứng đáng vào tù!?
Một ca sĩ Việt Nam lên tiếng về vấn đề xã hội có vẻ trái chiều với anh chàng mang tên dư luận: Thế là đủ đá để xây mấy cái biệt phủ còn to hơn nhiều cái ngôi nhà nguy nga của cô ca sĩ giữa rừng núi Sóc Sơn. Một anh chàng tuyển thủ nhảy vào sân bênh người yêu: Phải kỷ luật nặng chứ sao lại lọt lưới thế…
Tuyển thủ U23 Việt Nam nhảy vào sân bênh người yêu
Tây hay ta thì cũng thế thôi, chuyện người nổi tiếng bị ném đá là điều rất bình thường. Lý do là xuất phát từ sự đố kỵ của đám đông với số ít là những người nổi tiếng, thành đạt. Dan Brown viết trong "Thiên Thần và Ác quỷ" rằng: "Sự phấn khích lớn nhất của con người là chứng kiến sự khốn cùng của đồng loại". Không rõ có đúng như vậy không nhưng sự phấn khích ấy tang lên rất nhiều nếu sự khốn cùng đến với một người nổi tiếng.
Hay như một mẩu chuyện trong cuốn sách của anh chàng "Tony Buổi sáng" là người Việt có máu… Chu Du - dũng tướng trong Tam Quốc do đố kỵ mà chết. Dù đa số trong chúng ta chẳng ai có tài như Chu Du, chỉ là gã Thu Lu - ngồi trong giấc mơ hạn hẹp của mình và "nhói lòng" với thành công của người khác.
Tâm lý thông thường là hạ nhục, hoặc ném đá là khát khao của đám đông. Mỗi cá nhân trong đám đông sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, quyền lực hơn. Mạng xã hội trở thành môi trường quá màu mỡ cho câu chuyện giải tỏa những uẩn ức mà đám đông khó thực hiện được khi ở trong đời thực.
Nói vậy, không có nghĩa là ủng hộ Ronaldo hiếp dâm, Messi trốn thuế, ca sĩ nọ nói cái gì cũng được hoặc người nổi tiếng không bị kiểm soát bởi bất kỳ giới hạn, rào cản nào. Chỉ là đôi khi, chúng ta vẫn bị lẫn lộn giữa chuyện ném đá và bảo vệ, phân định lúc nào là người nổi tiếng, lúc nào là một người thường.
Ví dụ như câu chuyện của ca sĩ Mỹ Linh phát ngôn về nhá hát 1.500 tỉ. Sẽ là bình thường nếu đó là của một người bình thường. Người Việt Nam vốn ngại tranh luận lại có xu hướng vùi dập những ý kiến trái chiều. Thế nên cái gọi là tôn trọng sự khác biệt là hầu như không có. Với mạng xã hội lại càng không. Cao hơn, là chúng ta thiếu một thứ gọi là phản biện xã hội - tạo ra sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập để tạo ra động lực phát triển.
Ca sĩ Mỹ Linh nhận đủ "gạch đá" vì một phát ngôn
Và cũng có người, trách Ban kỷ luật của VFF không phạt anh chàng Hồ Ngọc Thắng - vốn được cho là người yêu của cầu thủ nữ tham gia vụ ẩu đả tại giải VĐQG nữ cách đây mấy hôm. Thật ra, Thắng cũng có thể coi là nổi tiếng, bởi khoác áo U23 Việt Nam và hiện đá cho SHB Đà Nẵng.
Trong câu chuyện này, một bộ phận muốn Hồ Ngọc Thắng bị trừng trị là bởi suy nghĩ: Người nổi tiếng thì phải chịu trách nhiệm cao hơn người thường. Không có chuyện ấy đâu. Tất cả đều bình đẳng trước những quy định (tất nhiên cũng có những điều khoản tăng nặng cho những người có vai trò - trách nhiệm cao). Nếu Hồ Ngọc Thắng xuống sân như một CĐV thì đối tượng bị phạt phải là BTC sân đã để cho CĐV xuống sân.
Ném đá người nổi tiếng như một phản xạ, một thói quen bạn sẽ chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Như thế quá dễ dàng. Nhưng chắc chắn bạn sẽ chẳng thêm một gram quyền lực nào đâu, hay cao hơn trong không gian mạng. Nếu có thể, hãy học hỏi một điều gì đó tốt đẹp trong phẩm chất của những người nổi tiếng thay vì nhắm mắt với bộ môn thể thao "ném đá giấu tay" - một dấu tính của xã hội quá ít văn minh.