Một trong những điểm mạnh của cựu HLV người Scotland là khả năng tái thiết đội hình. Ông luôn lên kế hoạch trước, làm mới đội hình ngay cả trong thời điểm Man Utd vẫn đang đứng trên đỉnh. Tuy nhiên trong những năm cuối triều đại ở Old Trafford, Sir Alex ít tập trung vào việc tái thiết. Thương vụ chiêu mộ Robin van Persie là ví dụ. Bản chất của bản hợp đồng này chỉ mang ý nghĩa tìm kiếm thành công giai đoạn ngắn bởi tuổi đời đã cao của tiền đạo người Hà Lan. Thực tế đúng như vậy.
Tình trạng xuống dốc của Man Utd hai mùa vừa qua không chỉ bị cho là vì không còn Ferguson mà còn cả khả năng thu hút ngôi sao bị tổn hại vì các khoản nợ; GĐĐH Ed Woodward vẫn còn ngây thơ trên TTCN. Ngược lại, một số vấn đề của họ vẫn có thể chỉnh sửa. Man Utd không có khả năng tài chính như Chelsea hay Man City, nhưng họ không đến mức quá nghèo khổ. Đội hình và thành viên BHL có thể được tăng cường. Những chiến thuật khô cứng có thể được xem xét. Tất cả, cần nhiều năm để làm lại, khi hào quang đã tan vỡ. Vấn đề là ở Old Trafford, những câu chuyện thần thoại dưới thời Sir Alex vẫn lẩn quẩn trong đầu người Man Utd.
Những lời Sir Alex chia sẻ trong ngày chia tay được ví như lời của hai người thợ dệt áo nói với vị Hoàng đế về bộ hoàng phục họ may cho ông chỉ những kẻ bất xứng với địa vị Hoàng đế không thể nhìn thấy được trong câu chuyện Bộ quần áo mới của Hoàng đế của Andersen. Thực tế không có bộ hoàng phục nào cả, Hoàng đế trần như nhộng đi rước thần nhưng đám quần thần vẫn trầm trồ khen ngợi như đúng rồi.
Rất nhiều người Man Utd hiện tại vẫn nghĩ đội bóng của họ đang ra sân với dáng dấp của “Quỷ”. Thay vì chấp nhận nhìn vào sự thật trần trụi là đội hình cần đập đi xây lại từ đầu, nhà Glazer lại đặt tham vọng về cái gọi là Galacticos trên cái móng đã rất yếu ngay từ thời điểm Sir Alex còn tại vị.
Rắc rối của Man Utd không do David Moyes, cũng không nằm ở Louis van Gaal mà vì chưa có ai như thằng bé thốt lên “Ông ấy có mặc quần áo đâu” trong chuyện Bộ quần áo mới của Hoàng đế.
Q. NGUYÊN