Và ngay cả khi Sir Alex Ferguson tuyên bố chẳng có lý do gì ngăn cản các chiến lược gia người Đức thành công ở Premier League, người Anh vẫn có vẻ đang tự sướng với ý nghĩ rằng trình độ của giải VĐQG nước này hiện vượt quá khả năng của các HLV đến Bundesliga.
Phải chăng là bằng ánh mắt khinh thường dành cho giới cầm quân Đức, truyền thông Anh có thể che lấp sự thật là chất lượng các HLV của họ rõ ràng xoàng hơn?
Đấy có lẽ là lý do chính khiến truyền thông Anh sẵn sàng chĩa mũi dùi công kích Jose Mourinho, vì cảm thấy tự ái khi “Người đặc biệt” dám tuyên bố ông chẳng thấy có bất kỳ HLV người Anh nào đủ khả năng cầm quân ở các giải VĐQG bên ngoài xứ sở sương mù. Trên thực tế, Premier League 2015/16 phần nào xác nhận sự thật đó, khi chỉ có 6/20 HLV là người Anh. Không chỉ vậy, nhóm thiểu số này chỉ nhận được niềm tin từ các CLB trung bình hoặc yếu: Eddie Howe (Bournemouth), Tim Sherwood (Aston Villa), Alan Pardew (Crystal Palace), Steve McClaren (Newcastle), Sam Allardyce (Sunderland) và Garry Monk (Swansea).
Bundesliga 2015/16 khác hẳn, với 12/18 HLV hiện nay là người bản xứ. Thậm chí khi Lucien Favre rút lui nhường quyền ở Moenchengladbach cho Andre Schubert hồi cuối tháng trước, con số nhà cầm quân Đức ở giải VĐ Đức đã lên 13. Đấy là một thay đổi đáng kể, và chẳng phải ngẫu nhiên, sau cú đột phá ngoạn mục của các HLV ngoại ở Bundesliga mùa trước: Kỷ lục từng có 10 HLV ngoại xuất hiện cùng lúc, sau một loạt biến động giữa mùa bóng khiến 3 HLV ngoại ra đi, nhưng 5 HLV ngoại khác tới trám chỗ.
Sở dĩ Bundesliga từng xuất hiện làn sóng HLV ngoại đổ ập tới là do hiệu ứng từ sự xuất hiện của Pep Guardiola ở Bayern Munich. Nhưng chỉ sau một mùa, người Đức đã bỏ ngay thói chuộng ngoại do nhận ra trừ phi chiêu mộ được các HLV hàng đầu thế giới, tốt nhất vẫn nên đặt niềm tin vào các HLV bản địa.
Nguyên nhân rất đơn giản: Sau khi Klopp rời Dortmund, Bundesliga nhanh chóng nổi lên những nhà cầm quân giàu triển vọng hứa hẹn vươn tới đẳng cấp tương tự như Markus Weinzierl (Augsburg) hoặc Andre Breitenreiter đang nắm Schalke…
Thật ra nếu xét kỹ, Thomas Tuchel có lẽ đã đủ để Dortmund nói riêng và Bundesliga nói chung dịu nỗi nhớ Klopp. Vì nếu Tuchel không quyết định nghỉ xả hơi ở mùa 2014/15, số HLV ngoại ở Bundesliga đã không tăng đột biến. Vì nếu Tuchel không rời Mainz, CLB này đã chẳng ký với chiến lược gia Đan Mạch Kasper Hjulmand, rồi kế tiếp thay thế bằng HLV Thụy Sĩ Martin Schmidt. Và do Tuchel từ chối lời mời của Schalke, CLB này mới chiêu mộ HLV Italia Roberto Di Matteo.
Hơn nữa, Tuchel “tái xuất giang hồ” đã nhanh chóng đưa Dortmund trở lại vị trí số 2 của Bundesliga, điều mà Klopp không làm được ở mùa trước. Dù đây chẳng phải là chuyện gì quá ghê gớm, song chí ít vẫn đủ để giới cầm quân người Đức nhìn các đồng nghiệp Anh bằng ánh mắt của kẻ bề trên. Bởi lẽ, còn cảm giác nào dễ chịu bằng khi chứng kiến một HLV vừa thất bại ở Bundesliga bỗng nhiên trở thành báu vật của Premier League? Hơn nữa, ngay cả khi Klopp không thành công ở Liverpool, thất bại của các HLV Đức ở nước ngoài chưa hẳn lớn bằng nỗi thất vọng của đội chủ sân Anfield và Premier League.
Minh Châu