Tấm HCĐ Olympic 2012 nhuốm màu thời gian của Trần Lê Quốc Toàn

Huy Kha
thứ tư 14-7-2021 10:20:33 +07:00 0 bình luận
Sau 9 năm, Trần Lê Quốc Toàn đã nhận lại tấm HCĐ Olympic 2012 phải thuộc về mình. Nó đã nhuốm màu thời gian, cũng chính như vết mờ sự nghiệp của đô cử này.

“Cũ người mới ta”! Dòng tự sự ngắn ngủi của Trần Lê Quốc Toàn cùng lời chúc đoàn thể thao Việt Nam thành công ở Olympic 2020 khiến tất cả đều phải xốn xang. Đó là thời khắc, đô cử gốc Đà Nẵng nhận lại tấm HCĐ sau khi Ban Điều hành của Ủy ban Olympic quốc tế ra phán quyết tước huy chương của đô cử Hristov (Azerbaijan) vì án doping ở Olympic 2012.

Tấm HCĐ Olympic 2012 đáng lẽ ra phải thuộc về Quốc Toàn cách đây 9 năm.

Tấm HCĐ đặc biệt và an ủi khắc họa sự nghiệp của Trần Lê Quốc Toàn sau thời khắc thay đổi cả cuộc đời cách đây 9 năm. Lớp bụi thời gian trong 9 năm qua đã được xóa nhòa để rồi, chiếc HCĐ vẫn lấp lánh. Thế nhưng, hộp đựng huy chương đã loan lổ với những mảng bong tróc từ lớp da. Nó không còn nguyên vẹn và đẹp đẽ nữa.

9 năm sau đó, Toàn đã nhận lại tấm huy chương thuộc về mình ở lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020. Anh không oán trách mà bình tâm để nhận nó. Cho dù tấm huy chương đã thay đổi cả sự nghiệp của một VĐV.

Theo thời gian, chiếc hộp đã loang lổ với những mảng da bị bong tróc.

Cuộc đời của Toàn có thể phát triển theo hướng bền vững song trong thâm tâm, Toàn đã an phận với cái nghiệp của mình. Anh từng hy vọng chiếc HCĐ này có thể đến sớm hơn, nó như là cứu cánh ở chương cuối sự nghiệp. Toàn đã nỗ lực để chiến đấu đến khi chấp nhận mình không thể thi đấu với các lứa “đàn em”, “đàn cháu”.

Đó là ở giải vô địch cử tạ quốc gia vào cuối năm 2019. Thời điểm đó, Quốc Toàn đã 30 tuổi. Anh xuất hiện trong sự bất ngờ của khán giả theo dõi buổi thi hôm đó ở Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng). Theo tính toán của giới chuyên môn, một VĐV cử tạ có thể giữ đỉnh cao sự nghiệp ở tuổi 25-27. 

Trần Lê Quốc Toàn nhận lại tấm HCĐ Olympic sau 9 năm dài đằng đẵng.

Và Toàn đã 30. Anh “đấu” với “đàn cháu” Đỗ Tú Tùng, kém đến 14 tuổi. Không quá bất ngờ khi Toàn không thành công ở giải đấu trên quê nhà. Đó có thể là giải đấu đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp VĐV đầy rẫy thăng trầm của Toàn. Một giải đấu thất bại về mặt chuyên môn nhưng suy cho cùng, nó mang ý nghĩa về tinh thần, ý chí và nỗ lực của VĐV này.

Cứ thế, tuổi 30, Toàn phải gồng mình thi đấu cũng là nỗi ngậm ngùi về sự nghiệp của VĐV này. Giá như, năm 2012 anh được trở về xứng đáng với tấm HCĐ Olympic thì con đường của Toàn đã có thể xán lạng hơn. 

Tấm HCĐ úa màu thời gian cũng chính là vết mờ sự nghiệp của anh. Nó lấp lánh, trang trọng nhưng lại không đúng thời điểm. Để rồi, cả sự nghiệp của một VĐV bị “đánh đổi” bởi một sai lầm mà đáng lẽ ra, anh không phải là “nạn nhân”.  

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm