Olympic 2016: VĐV chạy đua thành tích bằng cách "doping não bộ"

thứ năm 28-7-2016 5:18:30 +07:00 0 bình luận
Nếu bạn nhìn thấy VĐV chạy vượt rào Michael Tinsley đeo một chiếc tai nghe khi tập luyện, thì chắc chắn anh ta không sử dụng nó để nghe nhạc.

Nếu bạn nhìn thấy VĐV giành HCB chạy vượt rào tại Olympic 2012 Michael Tinsley đeo một chiếc tai nghe khi tập luyện thì chắc chắn anh ta không sử dụng nó để nghe nhạc. 

Những người như Tinsley đang chuẩn bị cho các trận đấu tại Olympic bằng phương pháp “neuropriming” (tạm dịch: “kích thích não bộ”). Theo phương pháp này, VĐV sẽ sử dụng một loại tai nghe được sản xuất bởi hãng công nghệ Halo Neuroscience. Những xung điện nhẹ từ thiết bị này sẽ được truyền vào não bộ, từ đó kích thích các VĐV có khả năng thực hiện các bài tập của mình tốt hơn.

“Mục đích của chúng tôi là giúp cho các bài tập của VĐV đạt hiệu quả cao hơn, bởi vì suy cho cùng, những người có sự chuẩn bị tốt hơn sẽ là những người giành chiến thắng”, ông Daniel Chao, đồng sáng lập công ty Halo Neuroscience cho biết. 

Chiếc tai nghe do Halo Neuroscience sáng chế.
Chiếc tai nghe do Halo Neuroscience sáng chế.

Não bộ có khả năng tạo ra những đường dẫn thần kinh nhằm kích thích sự học hỏi và ghi nhớ. Do đó, mỗi khi chúng ta học được một kỹ năng mới, não bộ sẽ tạo ra một đường dẫn thần kinh mới. Sự phát triển của đường dẫn thần kinh này sẽ tỷ lệ thuận với tần suất chúng ta rèn luyện kỹ năng đó.

Ông Chao cho biết, việc truyền một xung điện nghe vào vùng vỏ não vận động (motor cortex) sẽ giúp cho các đường dẫn thần kinh của VĐV phát triển đáng kể mỗi khi họ tập luyện. Điều này sẽ giúp cho chất lượng các bài tập của VĐV được cải thiện một cách đáng kể.

Michael Tinsley sử dụng tai nghe của Halo Neuroscience khi tập luyện.
Michael Tinsley sử dụng tai nghe của Halo Neuroscience khi tập luyện.

Hiêp hội Trượt tuyết Hoa Kỳ là đơn vị đầu tiên kiểm tra chất lượng thiết bị tai nghe công nghệ cao này của Halo Neuroscience. Kết quả cho thấy, những VĐV đeo tai nghe trong khi tập luyện có lực nhảy tăng 70% và khả năng phối hợp tăng 80% so với những VĐV không đeo tai nghe.

Bên cạnh đó, Halo Neuroscience cũng từng làm một bài thí nghiệm với 10 VĐV lứa tuổi Đại học của Mỹ. Theo đó, chất lượng bài tập của những VĐV được truyền xung điện vào phần thân dưới tăng lên 12%, còn chất lượng bài tập của những VĐV không được truyền xung điện chỉ tăng lên 5,2% mà thôi.

Trong khi đó, sau khi sử dụng tai nghe của Halo Neuroscience trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần, VĐV chạy vượt rào Mikel Thomas đã có sự tiến bộ rõ rệt trong các bài tập thể lực như nâng tạ.

“Tôi luôn đeo chiếc tai nghe này trong suốt 20 phút tập khởi động. Lúc đầu tôi có cảm giác nhột nhột ở tai, sau đó mọi thứ trở nên dễ chịu hơn. Sau một thời gian sử dụng, cảm giác đó đã hoàn toàn biến mất”, Mikel Thomas cho biết.

Ngoài Mikel Thomas, có 4 VĐV điền kinh khác đến Rio 2016 với thiết bị tai nghe của Halo Neuroscience, gồm: Michael Tinsley (chạy vượt rào), Mike Rodgers (chạy nước rút), Hafsatu Kamara (chạy nước rút) và Samantha Achterberg (năm môn phối hợp). 

VĐV Mikel Thomas.
VĐV Mikel Thomas.

“Những kết quả trên cho thấy, chúng tôi hoàn toàn có thể giúp cho các VĐV đạt tới ngưỡng cao nhất khi tập luyện cũng như thi đấu”, ông Chao cho biết. 

Hiện tại, các nghiên cứu của Halo Neuroscience vẫn chỉ thực hiện ở một phạm vi đối tượng khá nhỏ và chưa được thẩm định bởi những chuyên gia cũng như các tạp chí khoa học danh tiếng. Do vậy, để được công nhận là một sản phẩm thực sự chất lượng, thiết bị tai nghe của Halo Neuroscience cần phải được nghiên cứu và thừa nhận bởi một phạm vi đối tượng lớn hơn nữa.

Về kế hoạch phát triển trong tương lai, ông Chao chia sẻ rằng, thiết bị tai nghe này sẽ không chỉ đến gần hơn các môn thể thao mà còn góp phần giúp cho các bệnh nhân bị đột quỵ có thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm