Tại Olympic Tokyo 2021, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ra tuyên bố không giao quyền điều hành nội dung Boxing cho Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (AIBA) vì "các vấn đề trong lĩnh vực tài chính, quản trị, đạo đức, trọng tài và giám khảo".
Thay vào đó, một “Ban chuyên trách” (taskforce) do IOC bố trí sẽ giám sát các nội dung thi đấu. Ngoài vấn đề từ ban tổ chức, môn Boxing ở Olympic Tokyo cũng sẽ có một số thay đổi chi tiết đáng chú ý khác, nếu so với 2 kỳ Thế vận hội gần nhất.
Từ trước Olympic London 2012, các giám định sẽ tính điểm dựa trên số đòn đánh trúng đích của mỗi võ sĩ.
Hệ thống tính điểm điện từ sẽ cộng cho võ sĩ 1 đòn chính xác khi có từ 3 giám định (trong tổng số 5 giám định) xác nhận võ sĩ đó đánh trúng, thông qua một bộ đếm điện tử trên các bàn giám định.
Tại Olympic Rio 2016, để tiến gần hơn với Boxing chuyên nghiệp. Hệ thống tính điểm 10 được AIBA đưa vào sử dụng cho Olympic. Công tác trọng tài Boxing ở Thế vận hội năm đó cũng do AIBA tham gia điều hành, dựa trên sự cho phép từ BTC chủ nhà Brazil.
Theo đó, mỗi võ sĩ thắng một hiệp đấu sẽ được chấm 10 điểm, trong khi võ sĩ còn lại nhận từ 7 tới 9 điểm tùy theo thế trận cụ thể. Điểm số được quyết định trong vòng 15 giây ngay sau hiệp đấu kết thúc.
Cuối trận đấu, 5 giám định sẽ cộng tổng điểm từng hiệp đấu. Tuy nhiên, hệ thống máy tính chỉ chọn ra ngẫu nhiên 3 bảng điểm giám định để xác định chiến thắng của võ sĩ.
Điều này đã gây tranh cãi lớn sau những trận đấu ở nội dung nam, ví dụ như trận đấu giữa Vasily Levit (Kazakhstan) trước Evgeny Tishchenko (Nga) hay Vladimir Nikitin (Nga) và Michael Conlan (Ireland).
Thậm chí khi đó vì những lùm xùm của môn Boxing tại Rio 2016 mà 6 trọng tài bị buộc thôi nhiệm vụ giữa chừng và về nước. Còn mới đây nhất hồi cuối tháng 4 vừa qua đích thân chủ tịch AIBA, Umar Kremlev đã thông báo mở cuộc điều tra về công tác trọng tài ở Rio 2016 và 36 trọng tài, giám định từng làm nhiệm vụ ở giải đó không được tham dự Olympic Tokyo năm nay.
Việc để máy tính lựa chọn ngẫu nhiên cũng đã bị chỉ trích. Bởi nếu tính tới trường hợp một võ sĩ nhẽ ra có kết quả thắng 3-2 nếu tính trên cả 5 trọng tài, hoàn toàn có thể bị xử thua 1-2 do máy tính lựa chọn ngẫu nhiên cả 2 bảng điểm bất lợi cho võ sỹ này.
Tại Olympic Tokyo 2021, sau vụ lùm xùm công tác trọng tài 5 năm trước, ở Olympic Tokyo năm Ban chuyên trách Boxing Olympic trực thuộc IOC đã trực tiếp lựa chọn các trọng tài (referee) và giám định (judge) làm nhiệm vụ cũng như điều hành lực lượng này tại Thế vận hội.
"Mục đích chính của hành động này nhằm đảm bảo môn Boxing ở Thế vận hội Tokyo sẽ diễn ra hoàn hảo với các võ sỹ làm trọng tâm và duy trì tốt sự minh bạch, chuẩn xác kết quả cũng như tinh thần Fair-play", trưởng Ban chuyên trách ông Moninari Watanabe phát biểu.
Ngoài việc sử dụng điểm số chấm từ đủ 5 vị giám định, một sự thay đổi đáng chú ý khác đó tại Boxing Olympic năm nay đó là sau mỗi hiệp đấu, điểm số cụ thể cho từng võ sĩ sẽ được công bố trực tiếp, thay vì giữ kín cho tới cuối trận.
Điều này được giải thích để các võ sĩ duy trì sự chủ động và tích cực thi đấu, tránh tình trạng phỏng đoán bản thân có thể dẫn điểm và thi đấu cầm chừng.