NBA finals ồn ào đã kết thúc, NBA draft trôi qua cũng không yên ả hơn. Giờ đây, khi chuông đồng hồ báo 12h khuya ngày 01/07 đã điểm, mùa giải bóng rổ NBA 2017-2018 chính thức được bắt đầu.
Các cầu thủ hết hợp đồng thì chính thức trở thành cầu thủ tự do. Các cầu thủ còn 1 năm hợp đồng mà có “player option” hoặc các đội có “team option” thì có thêm 7 ngày suy nghĩ để quyết định kết thúc sớm hay tiếp tục. Ngày 07/07 (giờ Mỹ) sẽ là ngày các đội chính thức được phép ký các hợp đồng mới.
Mùa chuyển nhượng năm nay thực ra đã bắt đầu vô cùng sôi động từ trước cả ngày NBA draft. Năm nay cũng là năm có rất nhiều tên tuổi lớn đến thời điểm có thể kết thúc hợp đồng như Stephen Curry, Kyle Lowry, Paul George, Paul Millsaps...
Trước khi đến với những thương vụ đình đám tiếp theo, hãy cùng ôn lại kiến thức về các thuật ngữ NBA về vấn đề mua-bán này.
Cầu thủ tự do được gọi là các free agency (FA). Khi hợp đồng của cầu thủ hết hạn, nếu anh ta và đội bóng không thỏa thuận được 1 hợp đồng gia hạn mới thì anh ta sẽ trở thành free agency. Nói nôm na hơn là anh ta chính thức thất nghiệp, chờ việc mới.
Có 2 dạng free agent đó là restricted và unrestricted (RFA và UFA).
- Restricted có thể được dịch là bị giới hạn. Các cầu thủ kết thúc bản hợp đồng đầu tiên của mình sẽ trở thành RFA. Họ sẽ bị ràng buộc để cho đội bóng chủ quản được quyền từ chối và chọn đội mới (trong những đội đưa ra lời mời) cho cầu thủ này.
Nếu đội bóng chủ quản có thể trả được mức lương bằng mức cao nhất mà các đội đề nghị thì họ được quyền giữ lại. Nếu không thì họ có thể đến đội trả tiền cao nhất.
Ví dụ cụ thể là Otto Porter hiện là RFA của Washington Wizards. Anh này mới được Sacramento Kings đề nghị mức lương max cho mùa giải tới, ước tính khoảng 100 triệu đô cho 4 năm.
Lúc viết bài này thì anh hiện vẫn chưa ký và tiếp tục đi gặp Nets. Nếu Nets đề nghị mức lương không hấp dẫn bằng thì có thể anh sẽ quay lại đồng ý với Kings.
Nếu điều đó xảy ra, Wizards sẽ có 2 ngày để quyết định có ký hợp đồng tương đương (matching offer) với Kings hay không để giữ chân cầu thủ này. Nếu họ không làm được thì Porter sẽ thuộc về Kings.
- Unrestricted free agent thì không bị giới hạn này. UFA có thể ký với bất kỳ đội bóng nào mình thích. Ví dụ như Paul Milsap là UFA và anh có toàn quyền ký hợp đồng mới toanh trị giá 90 triệu đô trong 3 năm với Denver Nuggets.
Bạn chắc đã từng nghe nói đến hợp đồng kiểu tối đa (max contract) của các cầu thủ ngôi sao của đội. Thế nhưng cái tối đa này không phải ở ai cũng như nhau.
Max contract được tính theo phần trăm của quỹ lương (salary cap). Một cầu thủ càng có thâm niên ở giải bóng rổ NBA càng có thể có max contract chiếm số phần trăm quỹ lớn hơn.
0 – 6 năm kinh nghiệm: 25%
7 – 9 năm kinh nghiệm: 30%
Trên 10 năm kinh nghiệm: 35%
Mức lương sẽ được tăng lên 8% mỗi năm nếu cầu thủ ký hợp đồng với chính đội bóng chủ quản của mình, còn lại chỉ tăng lên 5% mỗi năm nếu ký với 1 đội bóng khác.
Điều này được đưa ra để đảm bảo công bằng trong cạnh tranh để các đội có ưu thế để giữ lại ngôi sao của mình (Bird Right). Một max contract trong khoảng thời gian tối đa có thể 5 năm, mỗi năm tăng 8% sẽ thực sự hấp dẫn so với bản hợp đồng tối đa của đội mới chỉ có thể ký 4 năm, mỗi năm tăng 5%. Sự chênh lệch này đôi khi có thể lên tới hơn 50 triệu đô.
Ví dụ như cầu thủ Gordon Hayward rất có khả năng sẽ rời Utath Jazz mùa hè này nhưng điều đó đồng nghĩa với việc anh phải từ bỏ 1 khoản tiền rất lớn.
Hayward đang ở năm thứ 7 của mình ở NBA. Nếu ở lại Utah Jazz, anh có thể ký được max contract trong 5 năm với khởi đầu là 30% quỹ lương tương đương 29,7 triệu đô.
Hợp đồng này sẽ có trị giá 174 triệu đô. Nếu anh rời đi đâu đó khác, họ chỉ có thể ký cho anh hợp đồng tối đa 128 triệu đô trong 4 năm.
Khoản tiền chênh lệch 46 triệu đô sẽ là cái giá anh phải trả nếu muốn tìm đến 1 đội bóng mạnh ở một nơi nào đó để theo đuổi chức vô địch.
Hãy thử tưởng tượng bạn đem con số này nói với vợ thì khả năng lớn là bạn sẽ bị trói lại ở trong nhà tắm để giữ 46 triệu đô. Nhưng đến cuối mùa giải sau đội bóng của bạn sẽ bị Golden State Warriors - đội mạnh nhất NBA mùa trước đá văng ra khỏi Playoff không thương tiếc… một lần nữa.
Nhưng anh ta có cách khác để nói với vợ như thế này: “Nếu ký hợp đồng mới với ít năm hơn thì anh sẽ sớm quay lại thành UFA 10 năm kinh nghiệm và ký gia hạn 1 bản hợp đồng 5 năm với 35% quỹ lương, mỗi năm tăng 8% giá trị và tèn ten…”. Vợ anh ta sẽ đi tìm vali giúp chồng chuyển đội ngay lập tức.
Cái này có thể hiểu nôm na như kiểu bạn giỏi đặc biệt thì bạn có thể nhận lương cao hơn đồng nghiệp của mình (hoặc thấp hơn nếu ngược lại).
Các cầu thủ của giải bóng rổ NBA cũng vậy. Một cầu thủ sẽ được gọi là designated player nếu anh ta ký hợp đồng với chính đội bóng chủ quản của mình kèm theo 1 trong 3 điều kiện sau:
Designated player có quyền ký 5 năm (hoặc 6 năm nếu tính cả hợp đồng hiện tại nếu gia hạn trước khi hết hợp đồng cũ) với hợp đồng chiếm tới 35% quỹ lương.
Steph Curry là người duy nhất lúc này có thể ký được hợp đồng super max đó. Nó được ước tính có giá trị khoảng hơn 200 triệu đô cho 5 năm. Qua 0 giờ ngày 01/07, Westbrook trở thành người thứ 2 có được điều đấy với Oklahoma City Thunder.
Đây là một hợp đồng nhỏ nhất dành cho các lão tướng (veteran) ở NBA. Thường người ta chỉ gọi 1 người là lão tướng khi anh ta thi đấu ở NBA trên 10 năm nhưng thực ra là lão tướng hay không không quan trọng lắm.
Minimum contract với mỗi 1 số năm kinh nghiệm lại khác nhau chứ không chỉ dành riêng cho các lão tướng. Ví dụ như minimum contract năm nay cho 1 cầu thủ trên 10 năm kinh nghiệm là 2,3 triệu đô còn nếu anh ta mới chơi năm đầu tiên ở NBA thì lương tối thiểu chỉ là 0,8 triệu đô.
Khái niệm veteran's minimum là để chỉ những lão tướng tìm đến 1 đội bóng mạnh nào đó để theo đuổi những danh hiệu mà cụ thể là cúp vô địch vì thực tế trường hợp này xảy ra phổ biến hơn là những cầu thủ trẻ chịu nhận lương thấp, họ phải lo kiếm đủ đã rồi mới mơ mộng được.
Ở những đội bóng mạnh, quỹ lương của họ rất hạn hẹp nên các lão tướng thường chỉ nhận được mức lương tối thiểu mà thôi. Nhưng với các lão tướng thì tiền với họ đôi khi không còn quan trọng nữa rồi.
Ví dụ điển hình cho việc theo đuổi danh hiệu này là David West. Anh vốn là một ngôi sao ở New Orleans và Indiana. Anh đã từng được tham gia All-Star game và còn phong độ khá tốt.
Thế nhưng khi gia hạn hợp đồng, anh từ chối bản hợp đồng 12 triệu đô của Pacers để đi đến Spurs với veteran minimum contract trị giá có 1,4 triệu đô.
Đến năm nay, khi hết hợp đồng cũ, thay vì đi tới nơi nào đó khác để nhận lương cao hơn thì anh vẫn chọn ở lại Golden State Warriors và chơi cho đến khi nghỉ hưu.
Nhưng nếu David West có làm ngược lại cũng chẳng ai trách được, lúc anh đạt được ước nguyện của mình thì tính chuyện ra đi để nhận một mức lương nào đó cao hơn, đúng với khả năng của mình.
Điều đó cũng hợp lý thôi, khi các giá trị về tinh thần đã đạt được thì người ta sẽ chú tâm vào làm kinh tế hơn.
(Còn tiếp)