San Antonio Spurs vượt qua Houston Rockets để vào chung kết miền Tây mùa này rõ ràng có công không nhỏ của Manu Ginobili, tác giả cú block kinh điển ở cuối Game 5 vòng 2 NBA Play-off.
Ở tuổi 39, Manu Ginobili vẫn tiếp tục sắm vai trò quan trọng trong thành công của San Antonio Spurs, điều mà cách nay 18 năm, ít ai ngờ tới lúc anh còn là một hậu vệ vô danh từ Ý tới Mỹ để trở thành siêu dự bị nổi tiếng và hứa hẹn bước vào Nhà lưu danh bóng rổ Mỹ với 4 ngôi địch NBA cùng Spurs.
Hành trình của Ginobili cùng Spurs thậm chí xứng đáng được xem như một trong những câu chuyện thú vị nhất tại giải bóng rổ NBA trong gần 2 thập niên qua.
Video: Diễn biến chính của trận đấu giữa San Antonio Spurs và Houston Rockets 110-107
Vì thoạt đầu, Ginobili không có ý định chơi cho Spurs mà chọn giải chuyên nghiệp Ý sau khi được chọn như pick 57 tại NBA Draft 1999. Anh giành MVP của giải vô địch Ý mùa 2001-2002.
Ngược lại, khi nhận nhiệm vụ tìm kiếm tài năng tại giải U22 VĐTG tại Australia năm 1997, R.C. Buford – giám đốc điều hành của Spurs chưa từng nghe chút gì về Ginobili.
Kết quả là khi Ginobili quyết định thi đấu tại giải bóng rổ NBA mùa 2002-2003, hầu như chẳng ai nắm rõ cầu thủ này. HLV Gregg Popovich là một ngoại lệ hiếm hoi khi liên tục nhắc nhở siêu sao Tim Duncan về việc đội nhà sắp có một tân binh rất ấn tượng.
HLV Gregg Popovich từng nói về việc đó: “Tôi đã bảo với Timmy (Duncan) rằng: ‘Chàng trai ấy sắp tới đây mà chẳng ai ở Mỹ biết cậu ta giỏi tới mức nào đâu’”. Duncan cũng xác nhận: “Tôi đã nghe Pop nói về anh chàng này trước những người khác và bảo: ‘Hãy chờ xem’”.
Nhưng rõ ràng Ginobili đã tiến bộ rất nhiều và tạo được lối chơi riêng nhờ kinh nghiệm đá bóng và trải nghiệm đặc biệt do từng có một HLV ở Argentina đã cho anh tập nhồi bóng trong cảnh “mù lòa” hồi 4 tuổi bằng cách đeo kính râm.
Thể hiện của Ginobili ngay từ đầu đã ấn tượng tới mức trong 1 trận đấu, huyền thoại Kobe Bryant từng hỏi tiền phong Bruce Bowen của Spurs về anh chàng quốc tịch kép Argentina – Ý này: “Hãy kể cho tôi về chàng trai da trắng này nhé”. Lúc đó, Bowen đã đáp: “Rồi cậu sẽ biết thôi. Hắn không phải gã da trắng, hắn hội tụ nhiều thứ lắm”.
Để hình dung rõ hơn câu nói của Bowen, có thể lấy một mẩu chuyện nổi tiếng về Ginobili khi lao theo một pha “loose ball” (bóng mất kiểm soát), đoạt bóng rồi ném cho đồng đội lên rổ.
Ngay lập tức, HLV Popovich cho ngừng thi đấu và hỏi toàn đội giải thích tình huống đó có ý nghĩa gì. Ginobili đáp rằng anh cảm thấy Spurs cần chơi “nhiệt” như vậy mọi lúc, mọi nơi để giành lại vinh quang năm 2007. Popovich tán thành.
Điều duy nhất mà Ginobili khiến Popovich bực bội là lối chơi ngẫu hứng. HLV lừng danh này từng thú nhận: “Tôi không nghĩ là mình quản được cậu ta”.
Dù vậy, Popovich vẫn trọng dụng Ginobili vì bất chấp những pha mất bóng hay ném ẩu, cầu thủ này vẫn thể hiện quá tốt ngay cả khi không chịu chơi theo chỉ đạo của ban huấn luyện.
Bằng chứng là trong một buổi họp mổ xẻ lối chơi, Popovich cảnh cáo Ginobili không được thực hiện những đường chuyền phản công mạo hiểm, nhưng đến trận kế tiếp, Ginobili đã mắc lỗi tương tự.
Anh nhận bóng, làm động tác giả nhưng bị đối phương đoạt mất bóng. Thế là anh nhìn về phía Popovich rồi nháy mắt trong lúc đồng đội trên băng ghế dự bị đang cười nghiêng ngả.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của Ginobili đến khi Popovich hỏi anh có muốn sắm vai dự bị hay không, và nếu từ chối thì ông sẽ vẫn để anh đánh chính.
Lúc đó dù đã là một All-Star, Ginobili gây bất ngờ khi chấp nhận làm dự bị do hiểu rằng Spurs cần cân đối đội hình bằng cách xoay tua.
Hiệu quả của việc hy sinh của Ginobili được R.C. Buford phân tích xác đáng: “Cậu ấy có vai trò quan trọng như Tim Duncan trong quá trình xây dựng lực lượng của chúng tôi nên khi chứng kiến Manu Ginobili từ băng ghế dự bị vào sân, đối thủ ắt hẳn khó tưởng tượng nổi tại sao lại không xếp một cầu thủ như vậy đánh chính”.
Thống kê càng phản ảnh rõ thành công của điều chỉnh này khi ở mùa 2007-2008 ấy, Ginobili đoạt danh hiệu Dự bị hay nhất năm với bình quân 19 điểm, 4,8 rebounds, 4,5 assists cùng hiệu suất ném 3 đạt 40% qua 74 trận.
Càng ấn tượng hơn khi cựu cầu thủ Raja Bell từng thừa nhận: “Khi người ta hỏi tôi xem ai là đối thủ khó kèm nhất, tôi thường bảo là Kobe do biết tất cả đều thích nghe điều đó. Nhưng thật ra, khó chơi nhất phải là Manu… Tôi hầu như không đeo bám được anh ta”.
Trong khi ấy, cựu tiền phong Matt Bonner của Spurs khoái cách chuyền bóng tinh quái của Ginobili, còn Duncan lại có sở thích ngồi xem Ginobili thi đấu.
Nguyên nhân chủ yếu do Ginobili nổi tiếng nhất về những đường chuyền sáng tạo như đưa bóng qua giữa hai chân đối thủ hoặc chuyền không cần nhìn…
Sau khi Tim Duncan giải nghệ và Kawhi Leonard trở thành thủ lĩnh mới của Spurs, Ginobili vẫn là “6th man” của đội nhà và được nhắc rất nhiều khi thực hiện cú block như phim trước James Harden ở Game 5 vòng 2 NBA Play-off 2017 giúp Spurs bứt lên 3-2 trước lúc thắng 4-2 ở bán kết miền Tây.
Được biết đến Hè 2017, Ginobili sẽ trở thành cầu thủ tự do và hiện vẫn chưa rõ anh định giải nghệ hay tiếp tục chơi bóng. Thế nhưng, có một điều chắc chắn là 15 năm hoành tráng vừa qua của Spurs với 4 ngôi vô địch và 1 lần đánh chung kết giải bóng rổ NBA chưa hẳn xảy ra nếu không có Ginobili.