Thành phố Cleveland đang hưởng lợi không ngờ từ LeBron James khi chỉ sự có mặt của siêu sao 32 tuổi cũng đủ giúp tỷ lệ thất nghiệp tại đây giảm bớt phần nào.
Khi đưa ra phương án cần 140 triệu USD để nâng cấp nhà thi đấu Quicken Loans Arena, Cleveland Cavaliers hy vọng là không chỉ họ mà cả lãnh đạo thành phố và cộng đồng cùng góp vốn cho dự án này.
Kế hoạch này sẽ giúp những ông chủ Cavaliers giảm bớt gánh nặng chi phí cải tạo một trong những sân đấu lâu đời nhất NBA. Còn về phía thành phố Cleveland, họ cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào đội bóng đang là đương kim vô địch giải bóng rổ nhà nghề Mỹ cùng sức hút và tầm ảnh hưởng lớn của một siêu sao, đó là LeBron James.
Theo báo cáo mới nhất của viện American Enterprise Institute (AEI – trung tâm nghiên cứu uy tín và hàng đầu của Mỹ), LeBron chơi cho thành phố nào sẽ giúp cải thiện kinh tế của địa phương đó, với bằng chứng là khoảng thời gian anh thi đấu cho Miami Heat và hiện tại là Cavaliers.
AEI đánh giá LeBron có ảnh hưởng tích cực về phương diện thống kê và kinh tế khi số lượng nhà hàng hoặc dịch vụ ăn uống gần sân vận động mà tiền phong này thi đấu đều tăng. Điều này cũng giúp nhiều người kiếm được việc làm hơn.
Cụ thể trong bán kính khoảng 1,5 km từ nhà thi đấu Quicken Loans Arena, ước tính số cửa hàng buôn bán và tỷ lệ người có việc làm lần lượt tăng thêm 13% và 23,5% nhờ sự xuất hiện của LeBron. AEI cũng cho biết sự ảnh hưởng này chủ yếu mang tính cục bộ, nghĩa là càng xa sân đấu thì nó càng giảm.
Đây là sự biến chuyển so với một nghiên cứu khác của AEI năm 2008 với nhận định trong thể thao chuyên nghiệp, gương mặt đại diện cho đội bóng không tác động nhiều tới vấn đề phát triển kinh tế, thu nhập gia tăng hay tạo thêm việc làm cho địa phương đó.
Quan điểm trên bị xem xét lại sau năm 2010 khi AEI phát hiện thấy “số lượng nhà hàng ở Cleveland giảm đi còn chỉ số tương tự tại Miami lại tăng lên”, trùng thời điểm LeBron rời Cavaliers để sang Heat.
Đến tháng 7/2014 khi LeBron trở lại Cavaliers, báo cáo chỉ ra rằng lượng cửa hàng ăn uống gần sân Quicken Loans Arena tăng rất nhanh, trong khi nhiều nhà hàng cách sân American Airlines Arena của Miami Heat khoảng 1,5 km liên tục đóng cửa.
Không thể phủ nhận Cavaliers giai đoạn 2010-14 vốn đã gặp khủng hoảng với nhiều quyết sách không chính sách của ban lãnh đạo trong nỗ lực tìm giải pháp thay thế King James. Ví dụ như việc chọn những cầu thủ không chất lượng như Antawn Jamison và Jamario Moon cho đội chính mùa 2010-11, đặt niềm tin sai chỗ vào Andrew Bynum hoặc pick 1 Anthony Bennett ở kỳ NBA draft 2013.
Tuy nhiên, những nguyên nhân trên chưa đủ tạo ra mức ảnh hưởng khiến tình hình kinh doanh bên ngoài sân đấu của Cavaliers thay đổi nhiều và nhanh chóng đến vậy. Với sự có mặt của LeBron, mọi thứ xoay chuyển gần như ngay lập tức và có thể nhìn rõ sự khác biệt.
Đây cũng là chuyện dễ hiểu khi LeBron James là cầu thủ hay nhất NBA và chắc chắn sẽ luôn được nói đến như một trong những người vĩ đại nhất trong lịch sử bóng rổ. Giống như 30 câu lạc bộ tại NBA, người hâm mộ cũng tự tìm cho mình những gương mặt thu hút và yêu mến, đủ sức kéo họ đến sân thưởng thức trận đấu hoặc chi tiêu cho các món đồ quanh nhà thi đấu.
Tỷ lệ 23% người có việc làm tăng lên là con số không hề nhỏ. Xét ở khía cạnh nào đó của xã hội, chính quyền thành phố Cleveland hoàn toàn có lý khi đầu tư vào Cavaliers, vào LeBron để tạo ra môi trường sống tốt hơn cho người dân. Không ai có thể phủ nhận sự ảnh hưởng mà LeBron tạo ra cả trong lẫn ngoài sân đấu.
AEI cũng khẳng định không phải cứ siêu sao hay xa hơn là sự kiện thể thao lớn là có thể tác động, thu hút sự đầu tư hoặc giúp kinh tế vùng đó hưởng lợi. Nghiên cứu này chỉ đơn giản cho thấy LeBron thật sự là trường hợp đặc biệt hiếm có.