Cầu thủ NBA và “ma trận” thuế

thứ hai 17-7-2017 14:10:27 +07:00 0 bình luận
Nếu không có sự hỗ trợ của các tay môi giới, cầu thủ ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ rất dễ chịu thiệt thòi hoặc váng đầu khi cân nhắc đặt bút ký hợp đồng.

Nếu không có sự hỗ trợ của các tay môi giới, cầu thủ ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ rất dễ chịu thiệt thòi hoặc váng đầu khi cân nhắc đặt bút ký hợp đồng.

Đơn cử như Hè 2017, giải bóng rổ NBA chẳng thiếu hợp đồng đình đám như Stephen Curry nhận 201 triệu đô từ Golden State Warriors - đội mạnh nhất NBA mùa qua, Blake Griffin hưởng 175 triệu đô từ Los Angeles Clippers hoặc James Harden bỏ túi 228 triệu đô do được Houston Rockets gia hạn hợp đồng.

Nhưng nếu xét thật lãnh thì khoảng cách thu nhập giữa Stephen Curry và Blake Griffin càng kém xa James Harden. Bởi lẽ, Californialà bang bắt đóng thuế thu nhập cao nhất nước Mỹ với tỷ lệ 13,3%.

Do đó, Stephen Curry nhận 201 triệu đô thì phải đóng thuế mất 26,7 triệu đô, chẳng được như “Râu rậm thần thánh” đút túi toàn bộ số tiền trong hợp đồng do Texas là bang không bắt đóng thuế thu nhập.

Stephen Curry thiệt mất 26,7 triệu đô vì thuế trong hợp đồng kỷ lục NBA
Stephen Curry thiệt mất 26,7 triệu đô vì thuế trong hợp đồng kỷ lục NBA

Vì thế, khác biệt về thuế giữa các bang chắc chắn là một trong những điều quan trọng mà giới cầu thủ NBA cần xem xét trước lúc ký hợp đồng, cho dù đây chưa hẳn là yếu tố mang tính sống còn nhất.

Khác biệt về thuế đồng thời cũng khiến những vụ giành giật cầu thủ càng thêm thú vị do không phải cứ hễ đội bóng mời chào khoản lương lớn nhất đều là kẻ chiến thắng.

Robert Raiola – một đại diện có nhiều khách hàng là vận động viên nhà nghề giải thích: “Các cầu thủ cần nhớ rằng hợp đồng có mức lương tốt nhất chưa hẳn là hợp đồng đem lại thu nhập nhiều nhất”.

Trường hợp Gordon Hayward – tiền phong của Utah Jazz vừa đầu quân cho Boston Celtics có thể xem như ví dụ cụ thể. Vào thời điểm Gordon Hayward còn đang phân vân, cả Boston Celtics lẫn Miami Heat đều mời chào bản hợp đồng có giá trị như nhau.

Nếu đến Miami, Gordon Hayward sẽ bỏ túi nhiều hơn do khác biệt về thuế giữa các bang Florida với Massachusetts. Rốt cuộc, Gordon Hayward đã ký hợp đồng 4 năm trị giá khoảng 128 triệu đô với Boston Celtics. Theo tính toán của Robert Raiola thì sau khi trừ thuế, tiền phong này thật ra chỉ nhận 69,4 triệu đô. Cũng với hợp đồng đó nhưng nếu chuyển sang Miami Heat, Gordon Hayward sẽ có 71,4 triệu đô.

Còn trong trường hợp ở lại Utah Jazz, Gordon Hayward có thể ký hợp đồng 5 năm với tổng giá trị là 172 triệu đô. Lúc đó, anh thật lãnh tới 91,3 triệu đô sau khi trừ hết các khoản thuế.

Tại giải bóng rổ NBA, những trường hợp phải cân nhắc thiệt hơn đủ thứ giống Gordon Hayward thật ra không hiếm. Một chuyên gia về thuế cho biết ở mùa trước, một thân chủ của ông từng phải lựa chọn từ mời chào của 3 đội.

Trong số đó, đội bóng đến từ bang không đóng thuế thu nhập đã đưa ra đề nghị thấp nhất, song giải thích được với mục tiêu của họ rằng đấy thật ra lại là hợp đồng ngon nhất sau khi trừ thuế.

Đây chính là một lợi khí mà các đội ở những bang không đóng thuế thu nhập tại Mỹ ưa dùng. Riêng ở giải bóng rổ NBA, đó là các đội Miami Heat, Houston Rockets, Orlando Magic, San Antonio Spurs, Dallas Mavericks và Memphis Grizzlies.

Cụ thể hơn trong vụ của Gordon Hayward thì Massachusetts áp thuế thu nhập 5,1% còn Florida không tính gì. Dù vậy, các chuyên gia về thuế ở Mỹ cho biết việc Gordon Hayward lẽ ra phải đến Miami thay vì Boston không hề đơn giản như vậy.

Nguyên nhân là do nhiều bang ở Mỹ còn có thứ thuế gọi là “thuế thu nhập bất thường” nhằm vào những người nổi tiếng từ nơi khác tới, đặc biệt là các vận động viên nhà nghề.

Ví dụ Texas không áp thuế thu nhập cho người trong bang, nhưng các cầu thủ của Dallas Mavericks, Houston Rockets và San Antonio Spurs đều phải nộp thuế cho mỗi ngày tập luyện hoặc thi đấu ở các bang khác khi đội bóng phải đánh trên sân đối phương.

Gordon Hayward chịu thuế nặng khi tới Boston Celtics
Gordon Hayward chịu thuế nặng khi tới Boston Celtics

Đơn cử như trường hợp Gordon Hayward: Nếu không chọn Boston Celtics thuộc bang Massachusetts thì mỗi khi đội bóng của anh đến sân của Celtics để tập luyện hoặc thi đấu, anh đều phải nộp thuế cho bang này.

Thực trạng này sáng tỏ tại sao đôi khi có cầu thủ chọn hợp đồng giá trị thấp hơn. Dù vậy trong giới thể thao, chẳng phải lúc nào thu nhập và thuế cũng quyết định tương lai của cầu thủ.

“Tất cả phụ thuộc vào cầu thủ đó muốn gì nhất”, Josh Horowitz – đồng sáng lập công ty kế toán WithumSmith+Brown hoạt động trong lĩnh vực thể thao và giải trí phân tích: “Một cầu thủ muốn ở New York để tận hưởng phong cách sống tại đấy có thể sẵn sàng trả thêm tiền thuế thay vì chuyển đến Miami hay Texas.

Tất cả tùy thuộc vào điều họ đang cần. Nếu cần săn nhẫn vô địch NBA, họ nên tới thẳng Golden State Warriors và chấp nhận trả thuế cao hơn. Tất cả tùy vào mục tiêu của từng người là vì vậy”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm