Trường đua quốc tế Buriram International Circuit (BRICs) sẽ tổ chức một chặng MotoGP kể từ năm 2018. Theo ước tính của Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan ước tính, chặng đua tại BRICs trong năm 2018 có thể mang về doanh thu lên tới gần 2 tỷ baht, tương đương khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó, riêng tỉnh Buriram sẽ thu về khoản lợi nhuận từ 400 đến 500 triệu baht.
Việc Thái Lan kéo được một chặng đua MotoGP về Buriram thực sự là thành công vang dội, nhất là trong bối cảnh các tay đua MotoGP không ngừng than phiền về lịch thi đấu dày đặc như hiện nay.
Ngoài những tiêu chuẩn cần có của một đường đua F1, BRICs chính là ví dụ điển hình cho cách làm thể thao của Chính phủ cũng như các đơn vị có liên quan của xứ Chùa vàng, với mục tiêu nâng tầm môn thể thao tốc độ nói chung và vị thế của Thái Lan nói riêng trên bản đồ thể thao thế giới.
Trong suốt 3 năm qua, BRICs liên tục đăng cai những giải đua xe danh tiếng như Asian Road Racing Championship, Asian LeMans Series hay Touring Car Asia. Ngoài việc đăng cai các giải đấu, nơi đây cũng có dịch vụ cho thuê đường đua, thậm chí cả các đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật, các khóa huấn luyện hay có thể thuê cả HLV.
Bên cạnh đó, BRICs không ngừng vận động đăng cai một chặng của giải F1 hoặc MotoGP. Kế hoạch này nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Chính phủ Thái Lan với nguồn hỗ trợ lên tới 300 triệu baht để có được giấy phép tổ chức một chặng đua MotoGP. "Quả ngọt" đã đến khi họ thành công trong việc ký hợp đồng với DORNA, qua đó đăng cai một chặng MotoGP, bắt đầu từ năm 2018, nâng tổng số chặng đua của giải này lên con số 19.
BRICs đang dần trở thành điểm đến ưa thích của các tay đua Việt Nam. Trước khi BRICs ra đời, một trường đua khác cũng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dân mê tốc độ Việt Nam là Sepang (Malaysia), trường đua được đánh giá là lâu đời và có bề dày thành tích số 1 tại Đông Nam Á.
Báo chí Anh từng đồn thổi, Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất có thể giành quyền đăng cai tổ chức một chặng đua F1 sau sự sụp đổ cả Sepang. Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ đơn giản là tiền.
Dù sở hữu sức chứa khoảng 130.000 khán giả, trường đua Sepang chỉ chào đón khoảng 80.000 người trong những năm gần đây. Thậm chí, có thời điểm chặng đua Sepang giảm giá vé tới 50%, rẻ nhất trong số các sự kiện F1 trên toàn thế giới. Thế nhưng, chặng đua F1 tổ chức tại đây vẫn phải đóng cửa sau năm 2017 vì thua lỗ, lượng khán giả đến xem sụt giảm nghiêm trọng.
"Bao giờ Việt Nam mới tổ chức được một chặng đua F1 hay MotoGP?", đây là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu. Trên thực tế, khi còn là chủ giải đua F1, tỷ phú Bernie Ecclestone từng cân nhắc việc đưa chặng đua F1 tới Việt Nam. Thậm chí, các nhà tổ chức tại Việt Nam sẵn sàng bỏ khoảng 41 triệu USD/năm để có quyền tổ chức các cuộc đua.
Tuy nhiên, tất cả đã đổ bể vào phút chót, bởi theo ông Ecclestone việc để Việt Nam tổ chức một chặng đua không khác nào canh bạc. “Việt Nam chưa có lịch sử đua xe nào cả. Vì vậy, tôi không muốn tổ chức một cuộc đua trong cùng một khu vực mà chúng tôi đã có những cuộc đua rất tốt rồi”, ông Ecclestone khẳng định.
Những thất bại từ các chặng đua ở Baku hay Azerbaijan chính là bài học quá khứ, khiến cho vị tỷ phú người Anh thận trọng hơn khi nghĩ tới Việt Nam. Thậm chí, người tiếp quản chiếc ghế của ông Ecclestone sau này, ông trùm kinh doanh người Mỹ Chase Carey cũng cảm thấy may mắn khi F1 không nhắm vào dải đất hình chữ S làm nơi để "chọn mặt gửi vàng".
“Chúng tôi đã cho dừng các cuộc đua ở Baku, Azerbaijan, nơi những người tổ chức đã cho chúng tôi đua miễn phí nhưng họ không làm gì để xây dựng thương hiệu lâu dài và giúp đỡ doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của chúng tôi là có những đối tác trả nhiều tiền cho chúng tôi nhưng cũng giúp chúng tôi xây dựng thương hiệu. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi để mang lại những cuộc đua hay nhất”, Giám đốc điều hành công ty Liberty Media, công ty đã mua F1 vào tháng 1 năm nay, Greg Maffei cho biết.
Những con số ấn tượng của trường đua Buriram International Circuit (BRICs):
- BRICs có sức chứa 50.000 khán giả, diện tích trên 1,9 triệu m2.
- Trường đua có chiều dài 4,554 km, bao gồm 12 khúc cua, với 7 cua phải và 5 cua trái.
- Đây là đường đua đầu tiên ở Thái Lan đạt tiêu chuẩn “Grade 1” của FIA (đủ tiêu chuẩn để đua xe F1) và chuẩn “Grade A” của FIM (đủ tiêu chuẩn để đua MotoGP)
- BRICs được xây dựng trong 422 ngày - một kỷ lục của ngành xây dựng đường đua trên thế giới.
- BRICs là trường đua đạt tiêu chuẩn để đua F1 thứ 27 trên thế giới
- Newin Chidchob là chủ của dự án trường đua BRICs đồng thời là Chủ tịch CLB bóng đá Buriram United. Chidchob và một số người bạn trong giới kinh doanh đầu tư 2 tỷ baht (gần 1.400 tỷ đồng) xây dựng BRICs
Để tổ chức một chặng đua F1, nước chủ nhà phải đáp ứng các điều kiện rất khắt khe của công ty sở hữu cuộc đua F1, sau đó mới được ký hợp đồng đăng cai tổ chức. Đầu tiên, tất nhiên phải đáp ứng được kinh phí tổ chức. Bên cạnh đó, phải có một đường đua đủ tiêu chuẩn theo quy định của Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA). Đó là chưa kể tới một loạt cơ sở vật chất đi kèm gồm hệ thống khách sạn, nhà hàng... đẳng cấp 5 sao trở lên. Ngoài ra, nước chủ nhà còn phải chứng minh khả năng tổ chức chuyên nghiệp, đáp ứng mọi tiêu chí của cuộc đua.