Vụ việc cổ động viên bóng đá Việt Nam bị hooligan Malaysia đánh đập trở thành tiếng chuông báo động thực sự. Phải làm gì để bạn không trở thành nạn nhân kế tiếp?
AFF Cup 2018: Hướng dẫn CĐV Việt Nam tránh hooligan khi đến SVĐ Bukit Jalil
Đừng "thể hiện" không đúng chỗ
Hooligan phần lớn sinh sự vì "ghen ăn tức ở" với người hâm mộ các đội bóng đá khác. Nếu bạn không cho họ một lý do để kiếm chuyện, chính bạn cũng an toàn.
Dĩ nhiên không thể nào để chiếc áo đỏ sao vàng lại trong hành lý khi đi ra sân vận động, nhưng ít nhất hãy hạn chế điều đó ở những nơi không cần thiết như sân bay, khi tranh thủ đi mua sắm ngoài giờ thi đấu của đội nhà.
Không phải ai cũng thân thiện chào đón bạn ở sân bay hay khu chợ đâu! Nên hạn chế dùng các biểu tượng mang tính tôn giáo, chính trị, sắc tộc ở nơi công cộng,
Luôn đi đông người
Bản chất Hooligan cũng chỉ là bọn bắt nạt, và họ cũng tuân thủ các "quy tắc" chọn mục tiêu của kẻ bắt nạt: không bao giờ dại dột đụng vào các đối thủ to khỏe hay áp đảo số lượng.
Sử dụng vũ lực ở xứ người không bao giờ là lựa chọn hay. Ngoài hàng đống rắc rối về mặt pháp lý, bạn cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm người giúp đỡ hay nghiêm trọng hơn là khi bạn phải nằm viện sau cuộc ẩu đả.
Vậy nên, lựa chọn hàng đầu để tự vệ là hãy cố gắng trở thành một mục tiêu "khó nuốt" và ít bị đưa vào tầm ngắm của kẻ bắt nạt.
Bọn bắt nạt luôn chỉ chọn những mục tiêu vừa sức. Đi đông người là cách tốt nhất để thành một mục tiêu khó nhai trong mắt hooligan.
Nên nhớ yếu tố "người nước ngoài"
Hãy nhớ một điều: ở bất cứ quốc gia nào, các vụ án liên quan đếu người nước ngoài đều được ưu tiên xử lý nghiêm. Đi du lịch xem bóng đá, bản thân bạn là người nước ngoài và sẽ được lực lượng an ninh quốc gia đó bảo vệ. Thực tế không chỉ có mỗi người hâm mộ bóng đá lo ngại về vấn đề hooligan mà cảnh sát ở các nước cũng đau đầu với tránh nhiệm bảo vệ an toàn cho khách du lịch.
Bảo vệ sự an toàn cho cổ động viên - khách du lịch người nước ngoài là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của các lực lượng an ninh vì các thiệt hại về nhân mạng luôn dễ dẫn đến rắc rối ngoại giao. Đây là một lợi thế mà bạn cần ý thức và tận dụng khi ở nước ngoài.
Nên chú ý các hướng dẫn an toàn dành cho khách du lịch, theo dõi các biện pháp an ninh mà mỗi quốc gia sắp xếp khi có sự kiện thể thao lớn (đồng nghĩa với việc có rất nhiều "nạn nhân tiềm năng" người nước ngoài xuất hiện).
Trong trường hợp nghiêm trọng nhất là bạn đã trở thành mục tiêu và không thể bỏ chạy hay kháng cự, hãy cố tự vệ bằng cách che chắn cơ thể (ôm đầu, co chân và dùng đầu gối che chắn vùng bụng...) để giữ bản thân trong trạng thái tỉnh táo và chịu ít tổn thương nhất có thể. Khi đó, bạn có thể bình tĩnh ghi nhớ lại nhận dạng của những kẻ hành hung và giúp ích rất nhiều cho lực lượng an ninh địa phương cũng như chính bạn.
Luôn giữ tỉnh táo trong cuộc ẩu đả để giữ bản thân an toàn.
Luôn chuẩn bị đồ sơ cứu trong hành lý
Chẳng ai muốn biến chuyến du lịch - xem bóng đá của mình thành một chuyến đi quá nghiêm trọng và phải lo nghĩ nhiều cả. Nhưng nếu đã xác định đến với những đất nước có "truyền thống" hooligan, cẩn thận vẫn hơn.
Một túi cứu thương nhỏ không tốn quá nhiều chỗ trong hành lý, nhưng nếu không có sẵn nó thì bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc và kỷ niệm tồi tệ cho chuyến đi.
Kể cả khi bạn không bị cuốn vào những cuộc ẩu đả, bạn vẫn có thể gặp rất nhiều chấn thương từ các mảnh vỡ, té ngã khi dòng người xô đẩy... Vậy nên mang theo ít đồ sơ cứu cơ bản (hoặc mua ở các hiệu thuốc tại sân bay) là điều cần thiết để tự vệ cho một mùa bóng an toàn.