Mặc dù đã phát triển bồng bột tại các nước láng giềng Đông Nam Á, nhưng MMA vẫn còn vướng phải không ít lực cản tại thị trường Việt Nam, mà vấn đề chính lại đến từ nhận thức của cộng đồng trong nước. Một trong những yếu tố khiến MMA chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều khán giả trong nước là do MMA vẫn thường bị gắn với cái mác "bạo lực", "thiếu thượng võ".
Cái sự "thiếu thượng võ" ấy, nhiều người bảo là "nó dã man quá", nào thì đấm gục, nào thì khóa siết, mà nhất là "sao thấy ngã xuống rồi vẫn đánh tiếp nhỉ". Bởi lẽ, với họ, cái tâm lý thượng võ sẽ luôn bao gồm việc "không đánh kẻ ngã ngựa", không dồn đối phương vào đường cùng, vào chỗ chết. Người ta đã bị đấm ngã xuống rồi, thế mà còn dồn lên đánh thêm, bạo lực quá còn gì!
Ấy nhưng MMA là một đấu trường rất khác so với những môn đánh đứng mà chúng ta đã quen thuộc như Boxing, Karate, Muay, Vovinam, Võ Cổ Truyền hay Tán thủ. Chuyện bị đánh ngã ở đấu trường MMA có thể mở màn cho một loạt kỹ - chiến thuật mới, với cái tên gọi chung là "ground fighting" - địa chiến.
Địa chiến trong MMA chủ yếu đang bao gồm các kỹ thuật quật - gạt - kéo ngã của vật, của Judo, kết hợp với các kỹ thuật kiểm soát và khóa siết của Brazilian Ju-jitsu (BJJ).
Dù là một môn võ còn rất mới trên bản đồ võ thuật thế giới - BJJ ra đời khá muộn vào giữa năm 1925, tuy nhiên nhờ sự hiệu quả và khả năng khắc chế rất nhiều đối thủ quen đánh đứng, Brazilian Ju-jitsu đã "phát dương quang đại" với một tốc độ không tưởng chỉ trong vài chục năm lịch sử và giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong các bộ giáo án dạy MMA.
Điểm đặc biệt khiến BJJ chiếm thế thượng phong trước các môn phái khác là việc họ đưa đối thủ về một môi trường không quen thuộc nhưng lại là nơi võ sĩ BJJ thỏa thích vùng vẫy - mặt đất.
"Ju-jitsu về cơ bản là một hệ thống dựa trên bốn yếu tố," HLV BJJ nổi tiếng thế giới John Danaher giải thích.
"Một, đưa đối thủ xuống đất. Họ càng bị kéo sát mặt đất bao nhiêu, họ càng khó có khả năng tung ra những đòn nặng bấy nhiêu. Điều này rất quan trọng - bạn thấy đấy, người ta dễ bị knockout bởi một cú đấm toàn lực hơn. Cũng một cú đấm đó, nhưng đã mất tốc độ, mất sự phát lực từ hông, nó sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Thế là bạn sẽ an toàn trước nguy cơ bị knockout ngay tắp lự."
"Hai, lùa đối thủ vào giữa hai chân. Một "tay chơi" Ju-jitsu có thừa điều kiện để xử lý bất cứ ai sau khi đã trói chặt họ bằng đôi chân của mình. Có thể khóa khớp arm lock, có thể khóa chân leg lock, có thể siết luôn và giành chiến thắng bằng khóa siết Submission. Thậm chí cả trong trường hợp một võ sĩ chẳng biết lắm về Ju-jitsu, anh ta cũng có thể gây bất ngờ với một cú đạp ngược lên trên (upkick)."
"Ba, dí chặt đối thủ dưới đất và mài bớt thể lực của họ. Chuyện ghim đối thủ dưới mặt đất là cả một nghệ thuật phức tạp, qua rất nhiều chiến thuật "đau não" khác nhau. Ngoài ra, đừng quên rằng bạn phải kết hợp được với khả năng ra đòn hiệu quả từ trên xuống."
"Và điều cuối cùng mới là những kỹ thuật khóa siết Submission, tấn công thẳng vào các khớp xương hoặc động mạch lớn - những điểm yếu trên cơ thể mà không cần tập trung quá nhiều sức lực - để "kết liễu" đối thủ."
Những lời khái quát trên của John Danaher, dù còn chưa thật sự chi tiết, nhưng đã đủ để thể hiện sự đáng sợ của Ground fighting - địa chiến. Hơn thế nữa, các võ sĩ BJJ có thể chủ động kéo đối phương xuống đất để bắt đầu một trận địa chiến với khả năng chiến thắng rất lớn. Nhưng ngược lại, các võ sĩ đánh đứng khó lòng “xốc nách” bắt các võ sĩ BJJ đứng lên để đấu bằng những đòn đấm đá được.
Thế nên riêng với MMA, rõ ràng chuyện đẩy, đấm ngã đối thủ xuống đất chưa chắc đã khiến người ta bước vào đường cùng. Thậm chí, với các võ sĩ thiên về Ju-jitsu, họ sẽ càng mừng khi được chuyển trận đấu xuống sàn là đằng khác!
Bởi vậy chuyện tiếp tục dồn sức đấm, giã đòn vào đối thủ bên dưới (Ground and Pound) trong MMA không nên được nhìn nhận là "thiếu võ đạo", và thực tế nó cũng hoàn toàn không phải là một hành vi thiếu võ đạo. Các trọng tài MMA cũng là những người có đủ kinh nghiệm và sự sắc sảo để quyết định dừng trận đấu khi có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào cho sức khỏe võ sĩ.