Tại sao các võ sĩ Boxing Việt Nam cần những "ông bầu" để tiến lên chuyên nghiệp?

Lâm Gia
thứ năm 24-8-2023 7:00:15 +07:00 0 bình luận
Không giống như các vận động viên thể thao thành tích cao, Boxing chuyên nghiệp không tồn tại những đội tuyển để đưa các võ sĩ thi đấu.

Boxing chuyên nghiệp hình thành hệ thống các tổ chức ghi nhận thành tích của các võ sĩ, bắt đầu bởi 4 ông lớn có lịch sử lâu đời nhất: WBA, WBC, IBF và WBO, sau đó là các tổ chức với quy mô nhỏ hơn. Về phương diện thông tin, BoxRec hiện đang là website cập nhật liên tục thành tích của những võ sĩ được công nhận đã thi đấu chuyên nghiệp. 

Nếu nhìn vào những thông tin trên, chắc hẳn chúng ta sẽ đặt ra một câu hỏi: Vậy các võ sĩ sẽ thi đấu ở đâu để được công nhận là chuyên nghiệp, được ghi nhận trên BoxRec? Các giải vô địch quốc gia có phải là giải đấu chuyên nghiệp?

Chắc chắn, các trận đấu tại những giải vô địch quốc gia, SEA Games, Asiad hay Olympic không nằm trong hệ thống chuyên nghiệp của các tổ chức nói trên. 

Các trận đấu ở những võ đài lớn như SEA Games, ASIAD, Olympic vẫn không được gọi là "chuyên nghiệp" (pro). 

Lúc này, vai trò của các công ty quảng bá (promotions) bắt đầu xuất hiện. Họ chính là đơn vị đứng ra tổ chức các sự kiện để võ sĩ thi đấu, đồng thời liên hệ với những tổ chức chuyên nghiệp ghi nhận thành tích của các võ sĩ. Các công ty quảng bá chính là cầu nối bắt buộc giữa những võ sĩ với các tổ chức chuyên nghiệp.

Một nhà quảng bá (promoter) cần có được chứng nhận của các tổ chức chuyên nghiệp để tiến hành tổ chức sự kiện Boxing chuyên nghiệp. 

Dĩ nhiên, câu chuyện "tổ chức sự kiện" không chỉ đơn giản là dựng lên một sàn đấu, chuẩn bị cơ sở vật chất hay thuê trọng tài. Một sự kiện Boxing chuyên nghiệp cần đảm bảo được vấn đề kinh tế - mỗi võ sĩ lên sàn đấu phải được trả tiền.

Đó là lúc khả năng kinh doanh của các nhà quảng bá được phát huy. Với mối quan hệ trên thương trường, họ có thể tìm kiếm các nhà tài trợ, phát sóng trận đấu trên truyền hình, đưa trận đấu tới những địa điểm có thể thu hút khán giả như khu du lịch, sòng bài,... Các hoạt động này chắc chắn người võ sĩ không thể, và cũng không nên tham gia, bởi họ cần chuyên tâm tập luyện để mang tới những trận đấu với chất lượng cao nhất.

Những võ sĩ Boxing chuyên nghiệp (pro boxer) cần các nhà quảng bá để tăng tính thương mại của trận đấu.

Tại Việt Nam, mô hình các công ty quảng bá đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 2015-2017. Tuy nhiên, chỉ tới giai đoạn sau năm 2019, các đơn vị quảng bá như VSP Promotions, Cocky Buffalo, Saigon Sports Club - Shadow Entertaiment, Trigger Boxing... mới thực sự có những bước đi rõ ràng trong việc phát triển thị trường Boxing chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Mối quan hệ ba bên giữa các tổ chức Boxing chuyên nghiệp - công ty quảng bá - võ sĩ sẽ hoạt động như một bộ máy kinh doanh để tạo ra lợi nhuận. Đó là lúc người võ sĩ mới thực sự bước vào ngành công nghiệp thể thao giải trí đang phát triển khắp thế giới. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm