Những bộ môn đồng đội như bóng đá, futsal hay bóng rổ đều đòi hỏi thể lực tốt để thi đấu một cách tốt nhất. Các con số thống kê cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa cảm giác mệt mỏi về cuối trận và sự giảm sút phong độ cũng như số lần phạm lỗi gia tăng. Trong một trận đấu, việc cầu thủ liên tục phải thay đổi nhịp độ và chuyển hướng liên tục khiến nhu cầu hoạt động của cơ thể chắc chắn sẽ cao hơn.
Vì thế, một chế độ dinh dưỡng thể thao hợp lý có thể cải thiện phong độ thi đấu của các cầu thủ. Năng lượng và các chất dinh dưỡng phù hợp sẽ là chìa khóa để phần nào giảm tải sự mệt mỏi, tăng thêm sức mạnh khi thi đấu.
Có 3 nhóm chất dinh dưỡng cần tập trung hơn trong ngày thi đấu, đó là:
TẦM QUAN TRỌNG CỦA NĂNG LƯỢNG VÀ TINH BỘT
Cơ thể chúng ta cần năng lượng, có thể ví như chiếc xe cần xăng dầu để làm nhiên liệu. Nếu như lượng nhiên liệu có thể ảnh hưởng tới khả năng vận hành của chiếc xe hơi, cơ thể người cũng vận hành gần như tương tự.
Cơ thể hình thành năng lượng thông qua nhiều con đường khác nhau. Tuy nhiên, carbohydrate là con đường nhanh và dễ dàng nhất, do đó, cơ thể luôn ưu tiên chuyển hóa carbohydrate, đặc biệt ở những buổi tập có cường độ cao.
Khi nạp carbohydrate vào cơ thể, chúng sẽ được hình thành và dự trữ trong cơ bắp và gan dưới cái tên “glycogen”. Sau đó, glycogen sẽ phân giải thành glucose làm năng lượng trực tiếp cho cơ.
Tuy nhiên, khi tập luyện hoặc thi đấu ở cường độ cao, lượng glycogen này sẽ hết dần sau 1 – 2 giờ đồng hồ và khi đó, cơ thể sẽ “từ chối” tham gia những hoạt động ở cường độ cao.
Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự mệt mỏi, giảm phong độ mỗi khi tới cuối trận đấu. Sự thật là như vậy, nhưng khoa học thể thao hiện đại đã chứng minh rằng carbohydrate có thể cải thiện vấn đề này.
Cách tốt nhất và đơn giản nhất là tối đa hóa lượng glycogen tích trữ trong cơ bắp bằng một bữa ăn giàu carbohydrate, cụ thể là 140 – 330g carbohydrate, tương ứng với khoảng 3 bát cơm/mỳ ý và một trái chuối.
Trước giờ thi đấu từ 30 đến 60 phút, cầu thủ có thể nạp nhanh khoảng 30 – 40g carbohydrate, tương ứng với 1 túi gel năng lượng và 1 chai nước thể thao chứa đường.
TẠI SAO CẦN DUY TRÌ CƠ THỂ ĐỦ NƯỚC VÀ ĐIỆN GIẢI?
Chất điện giải là các khoáng chất có vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt là cân bằng dịch cơ thể. Những chất điện giải quan trọng gồm có sodium (natri), potassium (kali), magie và canxi. Cơ thể cần những chất điện giải này để giữ và bù nước, bù lại lượng mồ hôi đã mất qua tập luyện, đảm bảo các hoạt động co cơ và điều hòa huyết áp.
THỰC PHẨM GIÀU PROTEIN – “VẬT LIỆU” KHÔNG THỂ THIẾU ĐỂ “XÂY” CƠ CHẮC CHẮC
Việc luyện tập hay thi đấu ở cường độ cao sẽ khiến các mô cơ tổn thương, do đó protein trong chế độ ăn sẽ được phân giải thành amino acid để tạo điều kiện cho việc hồi phục và xây dựng lại sợi cơ sau khi tập luyện.
Khác với carbohydrate, protein không thể dự trữ trong cơ thể giống như glycogen. Vì vậy, để tối ưu hóa khả năng tổng hợp protein và hồi phục cơ bắp, các cầu thủ cần bổ sung và kết hợp protein trong mỗi bữa ăn trong ngày.
Đó là lý do tại sao những thực phẩm giàu protein như whey protein, sữa, các loại đạm động vật đều được khuyến nghị cho cầu thủ trong quá trình tập luyện. Protein là “vật liệu” nền tảng để góp phần sửa chữa, phục hồi tổn thương cơ bắp gây ra do tập luyện và thúc đẩy sự thích nghi của cơ để đáp ứng với tập luyện.
MÓN ĂN “ĐẶC TRƯNG” TRONG THỂ THAO TRƯỚC TRẬN ĐẤU: CHUỐI!
Chuối là thực phẩm có chứa hàm lượng carbohydrate cao, và nhờ có carbohydrate, ăn chuối trước những buổi tập là sự lựa chọn rất hoàn hảo. Đó là cách tối ưu cung cấp năng lượng cho cơ thể và có đủ sức mạnh để thực hiện một buổi tập thông thường.
Bên cạnh đó, chuối giúp các cầu thủ ít có cảm giác quá no, nặng nề hoặc khó chịu trong dạ dày sau khi ăn và khi bắt đầu tập, do chuối không chứa quá nhiều năng lượng như các loại thực phẩm khác. Một thực phẩm giàu carbohydrate và ít chất béo luôn thích hợp cho các cầu thủ trong quá trình tập luyện.
Chuối đồng thời là một “thanh dinh dưỡng” (energy bar) tự nhiên, có thể sử dụng trong khi tập luyện và giờ giải lao giữa hiệp, đặc biệt với những buổi tập nặng kéo dài. Với lượng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, các cầu thủ vẫn có thể kịp ăn tối thiểu nửa quả chuối để nạp năng lượng và quay lại buổi tập. Các cầu thủ hay VĐV chuyên nghiệp thường sử dụng chuối để nạp năng lượng ngay khi các trận thi đấu đang diễn ra.
Một đặc điểm nữa giải thích lý do tại sao loại trái cây này lại luôn được khuyến nghị sử dụng trong thể thao là hàm lượng kali khá cao. Loại khoáng chất này giúp ích cho các cầu thủ bởi kali có nhiều tác dụng.
Nó tạo ra các xung thần kinh và là một khoáng chất cơ bản trong quá trình co cơ. Nếu thiếu kali, các cầu thủ sẽ khó có khả năng di chuyển một cách dễ dàng và nhanh nhẹn cần thiết, cơ thể sẽ thấy cứng nhắc. Cảm giác này thường xuất hiện khi tập một bài tập cụ thể trong một thời gian dài.
Kali giúp đề phòng hiện tượng chuột rút. Đây là một trong những lợi ích ít được biết đến của chuối nói chung, đặc biệt là kali. Một trong những nguyên nhân gây chuột rút là cơ thể thiếu nước và điện giải, trong đó có thể tính đến kali. Do đó, các cầu thủ nên ăn những thực phẩm giàu kali, và chuối là một trong những thực phẩm có lượng kali dồi dào.
Ngoài những lợi ích về dinh dưỡng kể trên, chuối còn có vị ngon và ngọt, luôn dễ tìm kiếm và tiện lợi, dễ mang đi và không mất thời gian chuẩn bị. Tại PVF, chuối là thực phẩm không thể thiếu trong các buổi tập ngoài sân, luôn sẵn sàng cho các cầu thủ trong phòng thay đồ và trên sân tập.