Khi còn là một vũ công dance sport và đi dạy, Shelly May quen với việc mình được chú ý như thế nào. Ánh đèn sân khấu, những bộ trang phục rực rỡ, hình ảnh các học viên dõi theo từng bước dậm nhảy và lắc hông. Hay nói một cách ví von, một số học viên lớn tuổi trong lớp cô dạy “không thể nhớ những bước nhảy chỉ bởi vì họ muốn được nhảy với một cô gái trẻ 20 tuổi trong chiếc váy ngắn.”
Thế nhưng, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, ánh đèn bắt đầu mờ dần và nhạc không còn sôi động như trước, sức khỏe của cô xấu đi một cách đáng báo động.
Ở tuổi 19, May đã được chẩn đoán bị lupus ban đỏ hệ thống, một bệnh tự miễn của mô liên kết khiến hệ miễn dịch tấn công mô . Mặc dù triệu chứng của nó thường nhẹ và có thể dễ xử lý, sức khỏe của cô ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Đến đầu 20 tuổi, chứng viêm khớp và các vết loét bắt đầu xuất hiện khắp cơ thể cô. Da, tóc, khớp xương và phổi đều bị ảnh hưởng. Cô nằm liệt giường trong một thời gian và chỉ có thể thở. Có những lúc cô rất đau đớn khi hóa trị liệu nhằm cứu lại quả thận. "Tôi ở trong bệnh viện một thời gian dài và tôi nghĩ tôi sắp chết không biết bao nhiêu lần," May tiết lộ.
Những lúc lo lắng và trầm cảm xuất hiện sau đó, khiến cô mất dần sự tự tin và trở nên cáu gắt với những người thân, thậm chí ngay cả khi tình trạng sức khỏe của cô cải thiện.
Giờ ở tuổi 32, May sống một mình trong một căn hộ thuộc sở hữu của Friendship Shelter, một quỹ từ thiện có trụ sở tại Laguna Beach, California. Cô vẫn chưa làm được gì bởi vì căn bệnh thường xuyên hạn chế cô vận động. Ít nhất thì cô giờ có thể đối mặt với căn bệnh của mình nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và các nhân viên xã hội.
Tuy nhiên, điều đáng nói là May đang theo đuổi một phương pháp điều trị có tác dụng giúp cô vượt qua cơn đau - liệu pháp tâm lý có sự giúp đỡ của ngựa (EAP).
Công dụng chữa trị của ngựa
Hai lần mỗi tháng, May tham dự các buổi chữa trị của Otra Mas tại Trung tâm cưỡi ngựa Ortega ở San Juan Capistrano, gần Los Angeles. Chương trình EAP thuộc sở hữu và điều hành bởi chủ tịch công ty là bà Katherine Holman.
Tất cả những con ngựa ở đây đều được tặng cho Otra Mas, như Holman giải thích. Phần lớn chúng là những con ngựa đua bị chấn thương hoặc sẽ bị bắn khi quá già. Mặc dù vậy, bất chấp tuổi tác, những con ngựa này vẫn sống có ích và là bạn đồng hành lý tưởng trong các buổi chữa trị, theo như Carol Caddes, một bác sĩ trị liệu cho biết.
Vốn là động vật bầy đàn, ngựa thường tìm kiếm sợi dây liên lạc và các mối quan hệ, Caddes giải thích. Con người cũng vậy khi họ cần hòa nhập trong môi trường của họ. "Một số khách hàng có vấn đề về hòa nhập," Caddes nói. "Họ không biết hòa nhập với một nhóm hay làm quen với người khác như thế nào. Hay có thể họ làm quen nhưng theo cách hai chiều."Khi những con ngựa phản ứng với một người, nó có thể giúp một bệnh nhân nhận biết và đối mặt với những vấn đề này, Caddes giải thích. Nó cũng có thể giúp các bác sĩ trị liệu giám sát từ bên ngoài và cho họ một cái nhìn chính xác về tình trạng cảm xúc của bệnh nhân.
Mọi quan sát sẽ được ghi lại và phỏng vấn sau đó. Đối với những người quá nhút nhát và không cởi mở, liệu pháp EAP có thể giúp họ có được một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Xây dựng mối quan hệ
Sử dụng động vật trong những buổi trị bệnh cho con người không phải là ý tưởng mới. Nhà phân tâm học Sigmund Freud tin rằng chó đã giúp bệnh nhân thư giãn, trong khi cá heo được sử dụng để chữa trị cho những người gặp rối loạn tâm thần tại Liên Xô cũ trước đây.
Trong những năm gần đây, chương trình EAP đã xuất hiện tại Colorado, Utah, Minnesota và nhiều nơi khác trên toàn nước Mỹ. Ở Anh, những dự án tương tự cũng đã được tổ chức để điều trị cho những người rối loạn tăng động giảm chú ý, lo lắng, và đau mạn tính, trong khi tại Đức, một trung tâm nghiên cứu được thành lập năm 2011 nhằm chứng minh những lợi ích mà phương pháp chữa trị bằng ngựa mang lại cho con người.
Quay trở lại với May. Cô tin rằng những buổi trị bệnh như vậy đã giúp cô tìm lại cảm giác bình an. Được quan sát, chăm sóc và giao tiếp với những sinh vật nhạy cảm như ngựa đã giúp cô nhận biết về bản thân và những người xung quanh. Nhờ thế, May giờ muốn biết cuộc đời của cô sẽ như thế nào và làm sao cô có thể đạt được điều đó. "Giống như một tiếng gọi thức tỉnh cho tôi. Kiểu như 'Ôi, Chúa ơi, mọi người ở đây là mình.' Nhưng để có được sự thanh thản này, tôi phải làm một điều gì đó," May nói. "Chưa bao giờ tôi biết mình muốn gì cho đến khi tôi tiếp xúc với ngựa."
Thay đổi quyết định
Mặc dù May đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy liệu pháp EAP vẫn rất khiêm tốn so với các phương pháp điều trị tâm lý khác.
Một nghiên cứu năm 2012 công bố trên tập san Student Research phân tích liệu có bằng chứng nào cho thấy ngựa điều chỉnh nhịp tim của chúng với nhịp tim con người đang trong quá trình điều trị hay không. Mặc dù những phát hiện sau đó không ủng hộ cho giả thuyết này, người ta cũng nhìn nhận liệu pháp EAP không phải không mang lại lợi ích cho các bệnh nhân.
Không phải vô cớ mà tại Otra Mas đã có hơn 200 người tham dự chữa trị kể từ khi trung tâm được mở vào năm 2013, trong đó có những người bị chứng trầm cảm, các vấn đề về mất kiểm soát hay rối loạn stress sau sang chấn như May và một số VĐV thể thao khác.
"Tôi nghĩ chúng giúp tôi quên đi nỗi đau," May nói. "Mọi người đều thấy rõ là những chú ngựa phản ứng như thế nào với nhau và con người cũng vậy. Chúng không dò xét hay làm điều gì một cách cá nhân. Chúng dạy cho tôi cách xử sự với mọi người và không cảm thấy bực dọc. Chúng dạy cho tôi cách để mọi thứ trôi qua trong cuộc đời như thế nào."