Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018: Hạnh phúc!

Nhà báo Hữu Bình
thứ hai 27-8-2018 21:41:59 +07:00 0 bình luận
Vâng, đấy ắt hẳn không phải tâm trạng của riêng tôi, mà của bất kỳ phóng viên Việt Nam nào đang tác nghiệp tại Jakarta trong những ngày này, càng đặc biệt hơn với những người buộc phải chọn 1 trong 2 (tứ kết bóng đá hay điền kinh?) trong một buổi tối oi ả trên đất bạn.

Vâng, đấy ắt hẳn không phải tâm trạng của riêng tôi, mà của bất kỳ phóng viên Việt Nam nào đang tác nghiệp tại Jakarta trong những ngày này, càng đặc biệt hơn với những người buộc phải chọn 1 trong 2 (tứ kết bóng đá hay điền kinh?) trong một buổi tối oi ả trên đất bạn. 

Mong tấm HCV thứ hai "vàng mắt" rồi, tôi chọn chờ niềm hy vọng Thu Thảo. Và rồi, sau 6 lượt nhảy đầy căng thẳng, niềm vui vỡ oà!

1. Không biết bạn từng nghe câu chuyện về Thảo "bò vàng" (biệt danh liên quan tới miền quê "Ba Vi co con bo vang" của cô), một cô thôn nữ chính hiệu sinh ra trong một gia đình đầy khó khăn ở miền đất Ba Vì đất đỏ. 14 tuổi đã phải đóng gạch phụ giúp bố mẹ đóng gạch để bớt phần nào kinh tế nhọc nhằn. 

Gian khổ, vất vả thế, nhưng có lẽ chính hoàn cảnh đặc biệt ấy đã đào luyện nên một ý chí thép, tinh thần thép, để rồi khi đến với điền kinh (thông qua sự phát hiện của thầy Nguyễn Trọng Hổ - Phó đoàn TTVN tại Asiad này), Thảo đã dốc sức nhằm vươn lên với khao khát thành công cháy bỏng.

Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018: Hạnh phúc! - Ảnh 1.

VĐV Bùi Thu Thảo chia vui cùng BHL và lãnh đội đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: Quang Trần

Thua Londa (Indonesia) liên tiếp tại ASIAD 17 năm 2014 và SEA Games 28 năm 2015 để rồi chỉ nhận HCB, nhưng Thảo đã không hề nhụt chí. Cô tiếp tục tập luyện chăm chỉ dưới sự chỉ bảo của các thầy Nguyễn Trọng Hổ và Nguyễn Mạnh Hiếu, để rồi xuất sắc thắng lại "đại kình địch" tại SEA Games 29 với thông số cao nhất trong sự nghiệp: 6m68!

Chính điều ấy đã giúp lãnh đạo đoàn TTVN cũng như ban huấn luyện đội tuyển điền kinh đặt hết niềm tin vào Thảo, cô gái đã chiến thắng hoàn cảnh của bản thân, chiến thắng cả thử thách to lớn để vươn lên trở thành "số 1" ở nội dung nhảy xa nữ châu lục trong năm 2017, đồng thời trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho tấm HCV tại Asiad 18. Cơ sở để Tổng cục TDTT hướng tới mục tiêu tối thiểu 1 tấm HCV ở các nội dung Olympic cũng căn cứ vào đây…

Tối 27/8, cả 2 ông thầy từng theo sát những bước trưởng thành của Thảo: Phó đoàn TTVN Nguyễn Trọng Hổ và HLV Nguyễn Mạnh Hiếu đều có mặt trên khán đài, chọn cho mình vị trí gần nhất với hố nhảy để có thể động viên và chỉ đạo cô học trò.

Tôi hiểu rằng sau thất bại của Tú Chinh và một số VĐV trọng điểm khác, thì hy vọng đặt vào Thảo càng lớn thêm, đồng nghĩa với áp lực khó có thể hình dung được. Nhưng Thảo đã rất chính xác khi vừa quyết tâm, vừa đầy cẩn trọng với cú nhảy đầu tiên: 6m55, vừa đủ để vượt lên trước các đối thủ trong cuộc đua đầy gay cấn, đồng thời tạo áp lực không nhỏ cho các địch thủ mạnh đến từ Trung Quốc và Ấn Độ (Maria Londa, đương kim vô địch Asiad cũng tham dự, nhưng không còn phong độ như trước nữa). 

Sau khi đạt 6m55, Thảo đã mạo hiểm hơn với 2 cú nhảy sau đó (chủ đích dậm nhảy sâu hơn) với hy vọng có thể tạo đột phá thành tích, bởi vậy mà cũng liên tiếp phạm quy. Nhưng các đối thủ của cô cũng hoặc phạm quy, hoặc không thể vượt qua được cái ngưỡng 6m55 mà cô đã sớm xác lập.

Chiến thắng vỡ oà từ trước lượt nhảy cuối cùng. Thầy trò họ ôm chầm lấy nhau. Quốc kỳ được khoác lên đôi vai gầy của Thảo "bò vàng". Trưởng bộ môn điền kinh, ông Dương Đức Thủy thì chạy xuống, phấn khích rút tiền túi 500 USD thưởng nóng.

2. Bạn hẳn còn chưa quên câu chuyện về hoàn cảnh đặc biệt của 4 cô gái đội tuyển Rowing đã giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn tại Đại hội này. Và bây giờ, lại thêm một tấm gương vượt khó tuyệt vời khác – Bùi Thị Thu Thảo. 

Cả 2 tấm HCV tới thời điểm này đều ở các môn Olympic! Tới đây có lẽ cần nói thêm về 2 tấm huy chương điền kinh khác có được trong cùng buổi tối 27/8: HCB của Quách Thị Lan ở cự ly 400m rào, cô chỉ thua VĐV nhập tịch người Bahrain đến từ Phi châu (cũng là ĐKVĐ) và tự phá kỷ lục cá nhân; tấm HCĐ của Nguyễn Thị Oanh ở cự ly 3.000m cũng thế, phá rất sâu kỷ lục của chính mình, đồng thời vượt qua cả chuẩn Olympic!

Hạnh phúc ngập đầy trong trái tim chúng tôi khi được nghe quốc ca vang lên trên SVĐQG Gelora Bung Karno trong lễ trao giải sau đó. Xúc động lắm chứ, vì đây chính là một tấm HCV mang ý nghĩa lịch sử: Lần đầu tiên chúng ta có "vàng" điền kinh tại đấu trường Asiad. Tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo đồng nghĩa với việc đoàn TTVN chỉ cần thêm tối thiểu 1 HCV để hoàn thành chỉ tiêu trước lúc lên đường. Mà nếu ngày 29/8 tới, các võ sĩ Pencak Silat làm được điều ấy (giành được tối thiểu 1 HCV trong 5 trận chung kết thi đấu đối kháng), thì còn gì tuyệt vời hơn nữa?!

Hãy cùng mong đợi, và tin tưởng vào một cái kết có hậu (sau biết bao thử thách và trông chờ) và  cho đoàn Thể thao Việt Nam tại Asiad kỳ này!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm