"Lionel Messi, Lionel Messi, Lionel Messi" - Hơn một thập kỷ qua, đây là câu thần chú mỗi khi Argentina bước vào một giải đấu quốc tế. Và sau đó, khi giải đấu kết thúc siêu sao Barca lại trở thành cái bia để hàng chục triệu mũi tên từ quê nhà nhắm vào để xả bức xúc.
Một lần nữa, tình trạng đó đang tái hiện trên đất Nga. Messi trước khi bước vào kỳ World Cup 2018 lại gánh trên vai hàng tấn kỳ vọng, và cũng là áp lực. Sau trận hòa Iceland với một quả penalty không thành công và thất bại ê chề trước Croatia, Messi lại bị đem lên "đoạn đầu đài".
Lý do cũ rích tiếp tục được phía chỉ trích Messi đưa ra, rằng anh chỉ phát tiết hết tinh hoa của mình ở Barca, nơi anh mới thực sự coi là quê hương dù anh sinh ra ở Rosario.
Sampaoli nằm trong số ít bênh vực cậu học trò. "Messi không thể giúp Argentina chiến thắng vì cả đội như đám mây che phủ tài năng cậu ấy. Đóng góp của Leo bị hạn chế vì đội bóng không thể kết dính cậu ấy theo cách cần thiết. Chúng tôi nỗ lực có bóng cho Leo nhưng đối thủ đã tìm mọi cách không cho cậu ấy tiếp cận bóng".
Hơn một thập kỷ qua, Messi trở thành con tin của một nền bóng đá đang mục ruỗng
Dù chỉ trích hay bênh vực với lý do được Sampaoli viện ra, người Argentina đang biến Messi thành con tin cho nền bóng đá mà như cựu tuyển thủ Jorge Valdano, trong một bài viết cho Guardian phải thốt lên đầy ngán ngẩm rằng "đã hỏng đến mức chúng ta không biết hỏng chỗ nào".
"Sự thật là chúng ta đang dần xa rời trái bóng, thứ chúng ta từng yêu đến điên cuồng. Chúng ta đang rời xa hơn thứ bóng đá từng kéo chúng ta đến sân, nơi chúng ta hét "Ole!" đầy phấn khích mỗi khi chứng kiến một pha rê dắt, đập nhả nhanh như điện hay đánh lừa, thậm chí cả trò tiểu xảo với đối phương. Đó từng là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta từng sở hữu những tài năng đẳng cấp thế giới, chúng ta từng sở hữu nhiều cầu thủ ưu tú nhất, và từng tạo ra những khoảnh khắc thiên tài trong một thời gian.
"Bóng đá từng đóng vai trò quan trọng đối với chúng ta; cho phép chúng ta cảm thấy vẫn nằm trong số các quốc gia giỏi nhất ở một lĩnh vực phổ biến. Nhờ bóng đá, chúng ta từng nghĩ sẽ lấy lại quyền sở hữu Malvinas (quần đảo tranh chấp với Anh) năm 1986 nhờ Diego Maradona, trở thành anh hùng dân tộc kể từ thời điểm đó. Vì vậy thảm họa của ĐTQG khiến chúng ta cảm thấy trống rỗng và thờ ơ không thể giải thích nổi. Chúng ta làm sao biết phải làm gì với nền bóng đá khi chúng ta còn không biết phải làm gì với Lionel Messi?"
Messi luôn bị cái bóng Maradona đè nặng...
Với Valdano, nền bóng đá của Argentina đang như một cái cây mục ruỗng: "Văn hóa bóng đá đường phố, nơi trở thành lò bóng đá sản sinh ra nhiều tài năng cho bóng đá Argentina thực tế đã chết và trong nhiều thập kỷ gần đây, không một ai biết khôi phục ngôi trường này thế nào. Argentina đang thiếu tiền, thiếu khả năng tổ chức, tầm nhìn. "Nhưng trong sự ngạo mạn, sự tự tin thái quá, chúng ta vẫn cứ tin Argentina đang là một đế chế mạnh của bóng đá thế giới".
Valdano nói không quá. Messi dù có là "người ngoài hành tinh khác" cũng không bù đắp nổi những thiếu hụt của một nền bóng đá đang sống quá vãng; lấy anh làm con tin và đẩy anh vào cái vòng xoay cũ rích bao năm qua: Yêu rồi ghét, rồi lại yêu; hy vọng rồi tuyệt vọng móc nhiếc, rồi lại chờ đợi… Của một quốc gia với HLV đội tuyển thể hiện khả năng của mình bằng việc đặt niềm tin vào một cá nhân, tuyên bố thẳng bố trí đội hình chỉ để phục vụ cho cá nhân ấy.
Bởi vậy, nếu như Messi tỏa sáng và đưa Argentina lách qua khe cửa hẹp trước Nigeria, chắc chắn một điều là cái vòng kim cô mà hơn 40 triệu đồng hương chụp vào đầu anh vẫn sẽ nằm ở đó, chực chờ thít lại ở bất kỳ thời điểm nào…