Rạng sáng 27/6, người hâm mộ chứng kiến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Và nhân vật chính sau những giọt nước mắt tức tưởi hay niềm vui vỡ òa là trọng tài, VAR hay đúng hơn là FIFA.
VAR không đổi trắng thay đen nhưng trọng tài sau khi tham khảo VAR đã gật gật và lắc lắc từ cái phần người mà ai cũng nói rằng đó là từ cấp trên, từ FIFA định dạng trong cuộc chơi lớn vốn cần những "người lớn".
FIFA đang hứng chịu nhiều "gạch đá" sau khi trọng tài được cho là đã cứu Messi và Argentina. Điều mà trước đó nhiều người cũng thấy rất rõ Ronaldo đã được "cứu" khỏi một chiếc thẻ đỏ như thế nào.
FIFA điều hành tổng thể cả một cuộc chơi lớn trong đó có nhiều khách hàng và ở đó FIFA cần những show diễn lớn. Tất nhiên trong những show lớn đấy họ cần những tên tuổi "ăn khách" hơn gắn với những đội bóng lớn nếu phải so với những cái tên "nhỏ" hơn. Nigeria hay Iceland (đội bóng) là một điển hình của những cái tên nhỏ so với cái tên lớn như Argentina có Messi và có nhiều fan, nhiều "khách hàng".
Nigeria đã thi đấu rất tốt khi giữ chân Argentina 1-1 và thậm chí có cơ hội chiến thắng ở phút 75 khi bóng chạm tay trung vệ Rojo trong vòng cấm. Lúc này thì chắc chắn VAR nói có nhưng trọng tài Cuneyt Cakir của Thổ Nhĩ Kỳ thì vẫn lắc đầu cứ như VAR bảo thế (!?).
Trọng tài Cakir sau khi tham khảo VAR vẫn giữ quyết định không cho Nigeria được hưởng penalty.
Không biết FIFA hay gần hơn là ông trọng tài người Thổ có thấy được những giọt nước mắt lăn dài trên làn da đen bóng nhầy nhụa mồ hôi của các cầu thủ Nigeria hay không?
Khái niệm về cuộc chơi công bằng để đưa VAR vào sử dụng khác rất xa với sàn diễn cần có những cầu thủ lớn để show bóng đá đã lớn càng lớn hơn. Điều mà trước đó trong trận Bồ Đào Nha – Iran, trọng tài Enrique Caceres (Paraguay) đã xem tình huống đánh nguội của Ronaldo thật kỹ rồi cũng nghĩ thật lâu và chắc chắn cũng nghe thật nhiều (qua tai nghe liên kết với phòng điều hành) để rồi đưa ra quyết định nhẹ nhàng (thẻ vàng) nhằm cứu Ronaldo.
Những "con gà đẻ trứng vàng" đã được ưu ái rất nhiều để giúp show World Cup có nhiều sao hơn và nhiều niềm hy vọng hơn.
VAR hay nói cách khác là FIFA đã "cứu" Ronaldo?
FIFA xét cho cùng cũng là người. Cũng có thể xem FIFA như một công ty lớn làm một sự kiện giải trí mang tính toàn cầu nên chuyện "lớn", "nhỏ" và "lợi nhiều" với "lợi ít" chắc chắn cũng phải được đặt lên bàn cân. Riêng tôi vẫn có một suy nghĩ World Cup ở vòng knock-out có thể thiếu Ronaldo hay không có Messi và các đồng đội thì vẫn không giảm đi sự sung sướng của người xem. Xa hơn là nghĩ đến một World Cup mở rộng với châu Á có thêm 3 suất và một ngày nào đó Việt Nam cũng chen vào cuộc chơi lớn đấy và bị xử như Nigeria, như Iran thì hụt hẫng biết chừng nào.
Tản mạn chuyện FIFA cũng là người hay FIFA giống như một công ty giải trí làm sự kiện toàn cầu lại nhớ đến một lần tôi được mời chấm thi cho một sự kiện chọn fan sang Anh xem bóng đá. Cuộc thi có tiêu chí hẳn hoi nhưng giờ chót nhà tài trợ lại muốn chị B đi suất của anh A vì chị này đi thì có lợi cho chương trình quảng bá của nhà tài trợ. Sau khi tôi xác định với nhà tài trợ mình sẽ giữ nguyên thang điểm không thay đổi thì hai giám khảo còn lại là hai nghệ sĩ tên tuổi đã được thuyết phục sửa điểm để có lợi cho nhà tài trợ.
Phút công bố, tôi không dám nhìn mặt thí sinh đúng ra phải đoạt giải trong chuyến đi Anh đấy và đó cũng là lần cuối cùng tôi ngồi ghế nóng.
Đúng là khó có chuyện đòi công bằng khi phần chủ thể là con người lại cứ muốn "lệch" cho những cái lợi riêng.