Thất bại là một đặc quyền của tuổi trẻ. Vì thế sẽ không cần thiết phải tỏ ra thất vọng hay oán trách đội U.19 Việt Nam vừa trắng tay trở về từ giải U.19 Châu Á…
Sâu xa trong câu chuyện này không phải là việc U.19 Việt Nam thiếu một trận thắng, thiếu một ông thầy giỏi mà là cái thiếu của cả một nền bóng đá: một bà đỡ có tầm như tỉ phú Vichai - người vừa tử nạn trong vụ máy bay rơi ở bên ngoài sân CLB Leicester.
Tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh một bạn gái lẻ loi ôm bó hoa đứng đợi các thành viên U.19 tại sân bay mà ống kính truyền hình lia tới. Nó khác hẳn cái không khí đầy phấn khích khi đội U.19 Việt Nam với lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường khi từ sân chơi này bước xuống. Mưa hoa và mưa tiền thưởng và trong cơn phấn khích ấy, người ta không quên một người: ông bầu Đoàn Nguyên Đức.
Thật tình mà nói, U.19 Việt Nam dưới dự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn dự giải lần này chịu áp lực quá lớn bởi cái bóng của những đội U.19, U.22 trước đó. Cái áp lực phải thắng và có cảm tưởng như những cầu thủ ấy phải mặc cái áo quá rộng.
HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trên một tờ báo rằng: "Lâu nay, chúng ta cứ mặc nhiên rằng cứ đi đá giải nào là phải thắng giải đó. Không phải thế, nhất là với bóng đá trẻ, mỗi lứa cầu thủ mỗi khác. Chúng ta dự World Cup U20, không phải là trình độ đã đạt đẳng cấp thế giới. Hay đội U.23 giành ngôi Á quân châu Á là mình đã tiệm cận trình độ châu lục".
Rõ là chúng ta đang tự tạo ra một ảo ảnh và bị chính thứ ảo ảnh đó nhấn chìm. Nhìn vào thực tế, kết quả phản ánh đúng sự chuẩn bị và đầu tư. Một đội bóng trước khi đá giải phải vật vã gom quân, nhiều cầu thủ trụ cột chấn thương. Sâu xa hơn nữa là câu chuyện đầu tư, chăm sóc ở cấp CLB. Đừng bao giờ hy vọng "ăn rau muống" mà đủ sức bơi ra biển lớn. Chế độ dinh dưỡng cho một cầu thủ trẻ, nói theo cách của ông Tuấn là chỉ khoảng 70.000 đồng/ngày, tương đương 2 bát phở mà đòi đủ thể lực chơi tốt trong một giải đấu khắc nghiệt là chuyện không tưởng.
Chế độ dinh dưỡng của U.19 Việt Nam chỉ tương đương 2 bát phở/ngày
U.19 Thái Lan chỉ đi xa hơn U.19 Việt Nam một bước chân, nghĩa là họ cũng dừng lại ở tứ kết và không thể góp mặt tại VCK U.20 thế giới vào năm sau, nhưng bước chân ấy lại là một đoạn khá dài.
Nó có sự tương hỗ của những người như ông Vichai Srivaddhanaprabha - Chủ tịch CLB CLB Leicester, vừa tử nạn hôm thứ Bảy.
Sự khác biệt ông ông Vichai là nói ít nhưng làm nhiều và theo báo chí Thái Lan, ông là người có rất nhiều đóng góp cho nền bóng đá xứ Chùa Vàng và tất cả đều diễn ra theo cách đầy thầm lặng. Đặc biệt là sau khi sở hữu Leicester, ông đã có hẳn một kế hoạch phát triển đào tạo trẻ của bóng đá Thái Lan. Trong đó, có cả kế hoạch đào tạo lứa trẻ cho các VCK World Cup 2022 và 2026.
Tỉ phú Vichai có cái nhìn dài hạn cho bóng đá Thái Lan
Một trang báo cho biết thêm: chính ông là người từng mở trung tâm đào tạo trẻ mang tên Siamese Foxes Academy, hoạt động theo mô hình đào tạo trẻ của CLB giàu truyền thống nhất nước Anh: Man United. Đó là nơi mà các lứa cầu thủ trẻ ở Thái Lan vẫn đang tập luyện hàng năm…
Đến đây thì có thể nhận ra phần nào đó sự tương đồng giữa bầu Đức với ông Vichai. Chỉ có điều, ông Đức nói hơi nhiều, lại hay… dỗi với lời đe dọa bỏ bóng đá ở cửa miệng. Đó không phải là một tư duy vì bóng đá, vì đại cục. Nói cách khác, những ông bầu của bóng đá Việt khác ông Vichai ở chỗ cũng có những tham vọng nhưng là những tham vọng nhỏ lẻ, hơi hướng phục vụ những lợi ích xung quanh ông bầu hơn là những chiến lược tầm vĩ mô.
Chính vì thế những kế hoạch cũng thiếu tầm. Nói một cách khác, gieo hạt nào thì sẽ gặt quá đó. Bóng đá Việt Nam từng có những thành công ở cấp độ U.19, U.22 nhưng đó là sự thành công mang tính mùa vụ, không phải cái thành công đến từ đẳng cấp của một nền bóng đá được nâng tầm.
Bóng đá Thái Lan mất đi một Vichai, nhưng chắc chắn họ sẽ không thiếu những tỉ phú khác sẵn sàng cho những khát vọng lớn của bóng đá Thái.
Bóng đá Việt sẽ vẫn chỉ là giấc mơ ao làng với cơn khát AFF Cup kéo dài 10 năm nếu không tìm được những Vichai người Việt cho chính mình.