Top 5 bộ phim chuyển thể từ game thất bại nhất

Thành Hưng
thứ hai 15-11-2021 18:30:00 +07:00 0 bình luận
Thực tế cho thấy, các sản phẩm thành phim thường không nhận được đánh giá cao từ các khán giả, đặc biệt là từ chính các game thủ.

Nguyên tác của các trò chơi rất tuyệt vời, game thủ cùng các khán giả vô cùng háo hức thưởng thức các nhân vật mình hóa thân trên màn ảnh nhưng tất cả những gì họ nhận lại thường là nỗi thất vọng không hơn không kém.

Không ít các tựa game bom tấn đem về thành công về mặt doanh thu, nhưng hầu hết các bộ phim chuyển thể từ game đều không được giới phê bình đánh giá cao, nếu không nói là vô cùng tệ hại, thậm chí từ chính cộng đồng game thủ. 

Hãy cùng tìm hiểu về 5 bộ phim thất bại nhất khi cố gắng chuyển thể từ game:

Assassin's Creed 

Assassin’s Creed xoay quanh nhân vật Callum Lynch do tài tử Michael Fassbender thủ vai đang đứng trước ranh giới sống và chết khi bị tuyên án tử bởi hình thức tiêm thuốc độc. Tuy nhiên với sự thao túng của nhà khoa học Sophia Rikkin (Marion Cotillard) đã giúp Lynch đi vào tiềm thức và kết nối với tổ tiên dòng họ cách đây 500 năm vốn là một sát thủ đối đầu trực tiếp với thế lực Hiệp sĩ Đền thánh dành cho được những miếng nhỏ của Trái táo địa đàng (Apple of Eden) - được cho là cất giữ hạt giống bất tuân đầu tiên của loài người.

Assassin's Creed khai thác nhiều vào tâm lý thay vì tập trung vào yếu tố hành động

Bất chấp những kỳ vọng to lớn về dàn diễn viên và đạo diễn chất lượng cùng ngân sách khổng lồ, Assassin’s Creed đón nhận những ý kiến chỉ trích tiêu cực và thất bại thảm hại tại các phòng vé, đẩy kế hoạch phát triển phần tiếp theo vào bóng tối. Kỹ xảo hoành tráng, diễn xuất chân thực, nhập vai xuất sắc cùng một vài pha hành động mãn nhãn không thể xóa nhòa những lỗ hổng trong kịch bản, cũng như thế giới trong phim.

Assassin's Creed hoàn toàn không thể nắm bắt tâm lý của những game thủ - đối tượng chính của bộ phim. Nó cũng thiếu đi cá tính riêng cần thiết khi nhà sản xuất quá đặt kỳ vọng vào 1 tiếng rưỡi đồng hồ ngắn ngủi mà thiếu đi sự chăm chút cần thiết, những lỗ hổng trong cốt truyện cũng chẳng hề được giải đáp một cách cặn kẽ cho người xem, từ đó tạo ra những cảnh quay kỳ quặc, thứ mà chắc chỉ có những người chơi game mới hiểu nổi.

Chia sẻ về thất bại của Assassin's Creed, nam diễn viên chính Michael Fassbender đã nói luôn tiếng lòng của người hâm mộ: 

"Chắc chắn rồi, nó không hề lý tưởng. Nếu là tôi, tôi sẽ làm cho nó thêm phần giải trí, đó thực sự là điểm lưu ý chính. Cảm giác về bộ phim, tôi nghĩ rằng nó đã diễn ra theo một cách quá nghiêm túc và tôi sẽ đẩy nhanh cách tình huống hành động hơn. Tôi nghĩ rằng việc có đến 3 điểm bắt đầu cho bộ phim là một sự sai lầm."

Monster Hunter

Điểm ấn tượng và cũng chính là thứ hút khách nhất của Monster Hunter chính là sự xuất hiện của những con quái vật khổng lồ trong phim. Mỗi loại quái thú đều có những đặc tính riêng khiến khán giả vô cùng thích thú và đắm chìm vào cuộc phiêu lưu của các nhân vật chính để chinh phục lũ quái vật. Nếu như không có những con thú khổng lồ này, Monster Hunter sẽ vô cùng nhàm chán và thậm chí có thể là một bom xịt đáng quên của năm 2020.

Monster Hunter: Bom xịt của điện ảnh năm 2020

Monster Hunter có after credit để mở màn cho những nhân vật khác xuất hiện ở phần phim tiếp theo nhưng với nhiều lỗ hổng hiện có trong kịch bản, cách dựng phim và phát triển nhân vật yếu kém của phần phim hiện tại, khó có thể kỳ vọng về chất lượng của phim cũng như sự ủng hộ của khán giả với phần 2 của tựa phim quái vật này. 

Yếu tố hành động được mong chờ nhất nhưng thường bị lặp lại và độ kịch tính không cao. Cách giải quyết tình huống trong phim cũng khá khiên cưỡng, thiếu hợp lý và không tạo được sự thỏa mãn cho người xem. Đây khó có thể xem là một bộ phim chuyển thể từ game thành công mà chỉ đơn thuần mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh kỹ xảo mà lâu nay khán giả chưa được thưởng thức vì đại dịch.

Hitman

Tựa game Hitman rất nổi tiếng được cộng đồng Game thủ biết đến của hãng IO Interactive dành cho các dòng máy chơi game Xbox, PlayStation 2, GameCube, Xbox 360 và PlayStation 3. Năm 2007, lần đầu tiên hình ảnh của gã sát thủ đầu trọc được dựng thành phim bởi nam diễn viên Timothy Olyphant. Nội dung phim xoay quanh nhân vật Hitman với mã số 47 của Olyphant là một sát thủ được đào tạo bởi tổ chức bí ẩn “The Organization”. Sau một phi vụ liên quan tới chính trị, anh phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của cả Interpol lẫn tình báo Nga...

Hitman "mất chất" khi được chuyển thể thành phim

Gameplay là một trong những yếu tố làm nên thành công của các phiên bản game Hitman. Thế nhưng, khi những yếu tố gameplay, khiến người chơi phải vắt óc suy nghĩ cách ám sát tối ưu nhất bị loại bỏ, đặc vụ 47 trên màn ảnh rộng chỉ là 1 tay súng chẳng khác gì các nhân vật bình thường trong các bộ phim hành động rẻ tiền.

Nếu như trong game, toàn bộ câu chuyện về Agent 47 sẽ được khám phá qua cốt truyện của phần chơi campaign với những nhiệm vụ nối tiếp nhau thì bộ phim chuyển thể này lại là một sự chắp vá với những tình tiết dùng lại từ các bộ phim hành động khác, tạo nên một mớ hỗn độn mà nhiều người nhận xét rằng chúng được lai tạp giữa The Bourne Identity và Resident Evil.

Nói về chất lượng của bộ phim, một bình luận tiêu biểu trên Cinemablend thẳng thắn chia sẻ: "...Tôi sẽ không dùng nhiều lời lẽ hoa mĩ và sẽ đi thẳng vào vấn đề chính, đó là: các bạn đừng nên đi xem Hitman: Agent 47. Đừng xem một trailer hay clip nào hay lò dò ra rạp xem chỉ vì chút tò mò về nội dung của phim. Đây là một sản phẩm tệ, không đáng để bạn tiêu tốn thời gian vào nó một chút nào."

Tomb Raider (2018)

Angelina Jolie từng hóa thân thánh nàng Lara Croft trong bộ phim chuyển thể Lara Croft: Tomb Raider (2001) và Lara Croft: Tomb Raider – The Cradle of Life (2003). Đáng tiếc, trước thất bại phòng vé thảm hại của phần 2, các dự án điện ảnh tiếp theo về nàng tiểu thư giỏi võ, yêu thích thám hiểm này bị "đắp chiếu" vô thời hạn. 15 năm sau, thương hiệu Tomb Raider được khởi động lại dựa trên phiên bản game đình đám cùng tên phát hành vào 2013.

Tomb Raider (2018) bị đánh giá là quá nhàm chán, đặc biệt là với yếu tố giải đố

Nữ diễn viên chính Alicia Vikander đã không làm khán giả thất vọng khi mang lại một trong những hình tượng đả nữ cứng cỏi nhưng cũng đầy tình cảm, một hình ảnh khác so với tạo hình gợi cảm mà người ta hay gán cho Lara Croft. Tuy nhiên, phiên bản Tomb Raider 2018 vẫn gây thất vọng lớn với phần nội dung bám theo mô típ anh hùng giải cứu thế giới cũ kỹ, nhàm chán. 

Thiếu cao trào, các nhân vật xuất hiện không đóng góp quá nhiều vào diễn biến, sự thay đổi chóng vánh của nữ chính là những điểm trừ chết người khiến Tomb Raider bị đánh giá thấp trong mắt những ai trọng về kịch bản. Những khán giả trông chờ khía cạnh phiêu lưu, giải đố cảm thấy vô cùng thất vọng khi các hệ thống câu đố, cạm bẫy quá đơn giản, chưa đủ độ khó để thách thức Lara Croft. Trận đối đầu đáng mong chờ giữa Lara với quái vật Oni và nữ hoàng Himiko cũng hoàn toàn vắng mặt khỏi phiên bản điện ảnh.

Silent Hill: Revelution

Phiên bản Silent Hill 2006 là sự kết hợp của hai quốc gia Canada và Pháp dựa theo nội dung của một trong những trò chơi “rợn tóc gáy” nhất trong lịch sử. Hành trình đi tìm lại cô con gái Sharon của người phụ nữ mang tên Rose trong Silent Hill được khán giả ủng hộ với doanh thu lên tới gần 100 triệu USD. Sáu năm sau, Silent Hill có thêm một phần nữa mang tên Revelation nhưng thua kém phần đầu cả về chất lượng lẫn doanh thu.

Silent Hill: Revelution là thất bại triệt để so với người tiền nhiệm

Silent Hill: Revelution (còn được biết đến với tựa đề Ngọn Đồi Câm Lặng: Chìa Khóa Của Quỷ) kề về nhân vật Heather Mason. Trong nhiều năm qua cô và cha mình đã phải trốn chạy "thế lực nguy hiểm mà cô không tài nào hiểu nổi". Cô bị những cơn ác mộng kinh khủng ám ảnh, thôi thúc cô tìm đến thị trấn địa ngục tại Silent Hill để khám phá ra bí mật về bản thân mình. 

Khởi chiếu đúng dịp Halloween nhưng xem ra khán giả Bắc Mỹ chẳng mấy mặn mà với bộ phim chuyển thể từ trò chơi kinh dị cùng tên này. Silent Hill: Revelution là trường hợp tiêu biểu của việc một cốt truyện dài chẳng kém gì những series phim truyền hình bị buộc phải rút gọn xuống trong vỏn vẹn 2 giờ đồng hồ, khiến cho nhịp phim quá nhanh, không đủ sâu sắc và vội vàng vàng đi đến những cái kết khiến khán giả không thể thỏa mãn.

Phiên bản Silent Game 2012 lồng ghép nhiều yếu tố của phần 3 và phần 4, nhưng nhà sản xuất đã biến nó thành một nồi lẩu thập cẩm mà người xem khó lòng có thể chấp nhận. Các mối quan hệ giữa các nhân vật không để lại chân thực, trong khi những nhân vật phản diện gần như không để lại ấn tượng nào rõ rệt. Cái kết khiên cưỡng và có phần khó hiểu của bộ phim cũng không được nhà làm phim giải thích rõ rệt, để lại một mớ hỗn độn cho các khán giả, đặc biệt là những người chưa từng trải nghiệm tựa game này.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm