Khoa học chứng minh: Áp lực bị đe doạ trên sân khiến trọng tài mắc sai lầm nhiều hơn

Q.T.
thứ tư 15-5-2019 13:25:00 +07:00 0 bình luận
Hầu hết những NHM môn thể thao Vua đều từng chứng kiến hoặc nhìn thấy cảnh một trọng tài bị miệt thị hay tấn công ngay trên sân sau tiếng còi được cho là không chuẩn xác. 

Mới đây nhất là hình ảnh tiền đạo Diego Costa có những lời lẽ xúc phạm trọng tài Jesus Gil Manzano trong thất bại 0-2 của Atletico Madrid trước Barcelona. Hậu quả của hành vi này là án phạt cấm thi đấu 8 trận dành cho tiền đạo người Tây Ban Nha. 

Trong khi đó, Hiệp hội Hỗ trợ Trọng tài của Vương Quốc Anh cay đắng cho biết, hàng nghìn trọng tài nghiệp dư đang bị tấn công và đe dọa bởi các cầu thủ và bố mẹ của cầu thủ. Hình thức đe dọa cũng rất "đa dạng và phong phú", từ đánh đập, đốt xe, trù dập gia đình và thậm chí cả hiếp dâm với các nữ trọng tài.

Trong một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học đến từ ĐH Karlstad với 107 trọng tài quốc tế, 64% vị "Vua áo đen" thừa nhận từng bị cầu thủ miệt thị bằng lời nói, tiếp theo là dọa giết (36%). Đáng ngại hơn, 15% trọng tài từng bị "ăn đòn" ngay trong lúc làm nhiệm vụ. Hình ảnh trọng tài Daniel Sweeney bị đánh vỡ hàm sau khi điều khiển trận đấu tại CH Ireland đã không còn là điều hiếm gặp trong bóng đá hiện đại.

Khoa học chứng minh: Áp lực bị đe doạ trên sân khiến trọng tài mắc sai lầm nhiều hơn
Trọng tài Daniel Sweeney từng bị đánh thừa sống thiếu chết vì tiếng còi tranh cãi.

Thực tế cho thấy, hành vi xúc phạm, miệt thị gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới màn thể hiện của trọng tài trong một trận đấu. Rất nhiều trọng tài chia sẻ về việc họ bị mất tập trung sau khi bị chỉ trích bởi các cầu thủ và khán giả có mặt tại sân.

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Ase Marie và các cộng sự được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tâm - Thể (Journal of Psychosomatic Research), lăng mạ, miệt thị chính là nguyên nhân dẫn tới rất nhiều hậu quả về mặt tâm lý cho các nạn nhân, trong đó có tính trạng lo lắng và căng thẳng quá độ.

Hiệp hội các trọng tài chuyên nghiệp Anh từng phân tích, các trọng tài thực hiện khoảng 245 quyết định trong một trận, tức là gấp hơn 3 lần so với số lần chạm bóng trung bình của một cầu thủ trong 90 phút. Điều đó có nghĩa là "Vua áo đen" chỉ có đúng... 22 giây để đưa ra một quyết định. Chưa bàn tới việc bị lăng mạ hay "ăn đòn", bản thân diễn biến của một trận đấu đã là màn tra tấn thần kinh đối với các trọng tài.

Khoa học chứng minh: Áp lực bị đe doạ trên sân khiến trọng tài mắc sai lầm nhiều hơn
Những "Ông Vua áo đen" trở thành "bao cát" cho cầu thủ và CĐV.

Những lời lăng mạ đang dần khiến cho các trọng tài không còn mặn mà với cái mác "Vua áo đen". Điều này dẫn tới việc số lượng trọng tài có chất lượng và chuyên môn có xu hướng giảm dần theo thời gian. Ông Simon Newport, người phụ trách việc phân công công việc cho các trọng tài tại Welsh Alliance Football League cho biết: "Nếu như ở mùa trước, 95% trận đấu đều có trọng tài làm nhiệm vụ thì con số đó chỉ còn lại khoảng 20% đến 25% ở mùa này. Rất nhiều trọng tài đã chuyển đi giải đấu khác, giải nghệ hoặc cảm thấy mệt mỏi vì bị lăng mạ. Điều này khiến cho nhiều trận mùa này phải hủy vì không có người điều khiển".

Năm 2016, LĐBĐ Anh (FA) từng thừa nhận có tới hơn 111 trường hợp trọng tài bị lặng mạ hoặc tấn công trên khắp các sân cỏ Vương quốc Anh. Mới đây, Tổ chức bóng đá cao nhất nước Anh vừa mừng rỡ tuyên bố số trọng tài bị lăng mạ giảm tới 45% trong 2 mùa giải gần nhất. Thế nhưng, những nghi ngờ về sự lấp liếm và "tẩy trắng" số liệu đang ngày một nhiều hơn.

"Đường dây nóng 24/24 của chúng tôi là địa chỉ đầu tiên và duy nhất hỗ trợ trọng tài khi họ gặp phải những hành vi lặng mạ và bạo lực. Rất nhiều trọng tài không trình báo với FA vì họ không tin vào cách làm việc của tổ chức này. Đó là lý do vì sao tỷ lệ trọng tài bị lăng mạ và hành hung giảm xuống trong báo cáo của FA", ông Janie Frampton, chủ tịch Hiệp hội Hỗ trợ Trọng tài của Vương Quốc Anh khẳng định.

Khoa học chứng minh: Áp lực bị đe doạ trên sân khiến trọng tài mắc sai lầm nhiều hơn
Chuyện vác súng vào "xử" trọng tài cũng không phải là chuyện hiếm.

Điều đáng ngại hơn cả, việc "bình thường hóa" những lời lăng mạ, coi đó như là câu chuyện cơm bữa có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý thi đấu của các cầu thủ trẻ. Theo nhiều nhà tâm lý học, những cầu thủ trẻ có xu hướng bắt chước cầu thủ thần tượng từ kỹ năng đi bóng, vẻ bề ngoài và cả cách hành xử trên sân cỏ. Do vậy, sẽ là rất nguy hiểm nếu như các "măng non" này nhìn thấy cầu thủ thần tượng hét to vào mặt trọng tài vì đã đưa ra quyết định bất lợi.

"Chúng tôi bị lặng mạ ở mọi trận đấu. Những lời lăng mạ nhắm tới gia đình và... chiếc đầu hói của tôi. Có những lúc tôi quyết định không điều khiển trận đấu để bảo toàn tính mạng. Tất cả các trọng tài đều được trả lương, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng tôi phải chấp nhận những lời lăng mạ", ông Gareth Webb chia sẻ sau khi quyết định từ bỏ nghề trọng tài tại xứ Wales.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm