Cô gái liệt hoàn toàn hai chân từng là cô thợ may lao lực với mức thu nhập 50 nghìn đồng mỗi ngày, từng 2 năm tập luyện không công giờ đã tạo nên một sự thay đổi thần kỳ trên đường bơi xanh. Chính chị đã mang về cho bơi khuyết tật Việt Nam một tấm huy chương đầu tiên ở cấp độ quốc tế cao nhất, tấm HCB giải thế giới.
Năm 3 tuổi, một cú ngã rồi sau đó là một trận sốt đã khiến đôi chân của Như teo tóp rồi bại liệt, bất chấp gia đình đã tìm đủ mọi cách cứu chữa. Như đã sống suốt 23 năm trong sự buồn khổ, tuyệt vọng, cho đến khi có một quyết định mang tính bước ngoặt: Rời quê nhà Tiến Giang lên TP.HCM với hy vọng mong manh về một sự thay đổi.
Thời điểm ấy, cô gái 23 tuổi đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người thân, đơn giản vì Như chưa một lần ra khỏi xóm nhỏ của mình. Với mấy trăm ngàn đồng dắt lưng, Như một mình lặn lội bắt xe lên TP.HCM mà lúc đó cũng chưa biết tương lai sẽ ra sao. Còn khá may bởi ngay trên chuyến xe, một vị khách tốt bụng đã giới thiệu cho Như tìm đến Trung tâm Bảo trợ người tàn tật TP.HCM xin học may, để trước mắt có chỗ ăn ở.
Tại đây, kết thúc khóa học nghề may ngắn hạn, Bích Như bắt đầu bước vào một hành trình mưu sinh vô cùng cực nhọc, gian khổ mà mỗi ngày giống như một “ngày lao lực”. Ngoài khối lượng công việc vốn rất nặng trong định mức, cô thợ may còn nhận thêm đủ các thứ việc để làm thêm vào buổi tối, thậm chí thường xuyên phải thức đến 1h sáng.
Mức tiền công cho mỗi “ngày lao lực” ấy của Như “hẻo” đến mức khó tin: 50.000 đồng. Chị không nề hà gì về việc làm hay thu nhập mà chỉ buồn ở chỗ, cuộc sống quanh đi quẩn lại chỉ bó gọn trong Trung tâm. Một lần nữa cô gái liệt chân đầy chí ý và khát vọng lại cảm thấy rõ sự bế tắc.
Khi tinh thần của Như cũng phần nào càng bị lung lay khi nhiều “đồng đội” đã phải bỏ về quê an phận, chị được một người bạn rủ đến lớp bơi người khuyết tật học bơi. Lúc đầu Như cũng chỉ xác định học bơi cho khỏe và thử sức mình, song chỉ sau mấy buổi xuống nước, đặc biệt qua tiếp xúc với ông thầy được coi như một “ông tiên” của người khuyết tật - Đổng Quốc Cường, chị đã hiểu rằng đây là một cơ hội có một không hai cho mình. Và rồi, Như đã lao vào tập luyện “như điên”, cho dù mất tới mấy tháng đầu vì mặc cảm với đôi chân teo tóp nên chỉ bơi với bộ trang phục bơi là quần dài.
Có tới 2 năm liền, Như đã chấp nhận cảnh tập luyện không có một đồng hỗ trợ nào. Chị sẵn sàng dốc hết số tiền tích lũy lo cho nghiệp bơi, thậm chí còn thuê hẳn một phòng trọ ở gần hồ bơi để thuận lợi cho việc tập luyện.
Từ một cô gái liệt hoàn toàn 2 chi dưới lóng ngóng xuống nước trong trang phục quần dài. Nhưng chỉ cần một thời gian ngắn để chứng tỏ khả năng vượt khó và sự phù hợp đặc biệt với đường bơi xanh. Ngay cuộc đấu đầu tiên, giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2010, chưa đầy nửa năm bén duyên bơi, Như đã đoạt liền 1 HCV và 2 HCB. Cũng chỉ sau đó vài tháng, Như đã có HCV tại ASEAN Para Games 2011.
Qua 5 năm với những bước thăng tiến ngoạn mục, người phụ nữ can trường tuổi 30 đã đạt tới đẳng cấp hàng đầu châu lục nội dung SB5 (bại liệt, hai chân không cử động). Năm ngoái, Như chính là tuyển thủ đã “mở hàng” huy chương cho đoàn Việt Nam tại ASEAN Para Games khi xuất sắc về Nhì.
Tại giải vô địch thế giới 2016, Như đã làm nên lịch sử với tấm HCB đầu tiên của thể thao người khuyết tật Việt Nam ở cấp độ thế giới. Thông số 1 phút 57 giây 14 của Như không chỉ vượt xa chuẩn A (2 phút 04 giây 13) mà còn ngang ngửa mức HCB Paralympic.
Chỉ tiếc rằng, chị đã không thể tái lập được điều đó tại Paralympic Rio, để lỡ cơ hội giành một tấm huy chương. Với Bích Như, dù vô cùng đáng tiếc song đó không phải là một thất bại. Ngược lại, nó chỉ càng khiến chị thêm quyết tâm, động lực để vươn lên chinh phục các đỉnh cao phía trước.
Kình ngư Trịnh Bích Như là một trong những ứng viên của hạng mục "VĐV khuyết tật của năm" Cúp Chiến thắng 2016. Để bình chọn cho Bích Như, soạn tin nhắn với cú pháp BC 28 gửi 8579.