Khi thế giới đang chìm đắm trong Facebook, Twitter hay Instagram thì chính những trang mạng xã hội này cũng đã trở thành... người đại diện thứ 2 của cầu thủ.
Từ trước đến nay các vụ chuyển nhượng vẫn diễn ra đơn giản theo một quy trình chuẩn mực: CLB đưa ra đề nghị hỏi mua, đề nghị được bên bán chấp nhận, cầu thủ thỏa thuận xong với CLB mua rồi đến kiểm tra y tế và chốt hợp đồng. Vậy là xong.
Nhưng bây giờ quy trình trên, trong không ít thương vụ lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều, với những bước nghe có vẻ... nhảm nhí nhưng lại gần như bắt buộc phải thực hiện, ví như việc sử dụng mạng xã hội trong quá trình đàm phán thương thảo chuyển nhượng.
Rất nhiều cầu thủ hiện không chỉ sử dụng Facebook, Twitter hay Instagram để tán gẫu, khoe chiến tích cho vui. Họ có thể tác động tới vụ chuyển nhượng của chính bản thân - và từ đó gián tiếp tác động đến thị trường chuyển nhượng (TTCN) - thông qua những bức ảnh vu vơ hay các dòng status đầy ẩn ý trên tài khoản mạng xã hội cá nhân.
Tiêu biểu, mùa Hè này Paul Pogba có thể coi như ông Vua của các chiêu trò trên “thế giới ảo”. Truyền thông xứ sương mù phát cuồng với từng bức ảnh mà anh nhả ra sau mỗi một tụ điểm nghỉ mát, tập luyện cá nhân. Có thể kể ra việc Pogba "tự sướng" với ảnh chụp nghỉ mát cùng tay đại diện lắm chiêu trò Mino Raiola. Thông điệp này có thể hiểu thế nào? Xin thưa, nếu Man Utd hoặc Juventus không thanh toán khoản phí lót tay trị giá 20% tổng giá trị chuyển nhượng Pogba thì tiền vệ này sẽ chẳng đi đâu cả.
Rốt cuộc thì Man Utd đã phải bấm bụng trả số tiền lên tới hơn 18 triệu bảng hoa hồng cho Raiola. Chưa hết, với việc nhấn vào hai tông màu Đỏ-đen của Man Utd, Raiola cũng ngầm bắn tín hiệu cho cả thế giới rằng anh sắp thành người của "Quỷ đỏ". Đó cũng là lý do vì sao Real Madrid chấp nhận làm kẻ ngoài cuộc, dù họ không thiếu tiền và rất muốn có Pogba.
Không kém cạnh Pogba, Diego Costa cũng "đầy tiểu xảo" trên mạng xã hội - chẳng khác những trò khiêu khích đối thủ, xấu chơi mà tiền đạo này không ít lần thể hiện trên sân. Hồi tháng 7 vừa qua Costa đăng bức ảnh chụp cùng các đồng đội Chelsea trong phòng thay đồ, kèm theo dòng status “Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều!!!”.
Sau đó anh đổi ảnh đại diện từ tấm hình mình mặc áo Chelsea sang một tấm khác chung chung liên quan đến bóng đá. Đó là thời điểm rộ lên tin đồn Atletico Madrid muốn kéo Costa trở lại TBN. Nhưng rốt cuộc vụ chuyển nhượng trên không xảy ra và ở đây người ta đã thấy hành động mạnh tay của Chelsea khi họ công khai chỉ trích việc Atletico "lén lút" lôi kéo Costa. Chính phản ứng này cũng khiến tiền đạo người TBN chột dạ.
Còn nhiều "chiêu trò" khác có thể liệt kê ra, ví như nếu không công khai những bức ảnh hay dòng tít trạng thái "nhạy cảm" thì cầu thủ cũng biết dùng "bài" khác trên MXH để lăng-xê vụ chuyển nhượng của mình. Điển hình là trường hợp hậu vệ cánh Marcos Alonso, khi anh theo dõi tài khoản Twitter của Chelsea và đã chuyển tới sân Stamford Bridge vào ngày cuối cùng của kỳ CN Hè.
Rõ ràng, việc các cầu thủ biến mạng xã hội thành "phát ngôn viên" hay kiểu như "người đại diện thứ 2" quả thực đã khiến những người đại diện thật sự của họ phải thay đổi chiến thuật.
Mino Raiola, Jorge Mendes, Pere Guardiola... đang là những “siêu cò” mà tiếng nói rất có trọng lượng. Nhưng còn số đông còn lại, những người đại diện khác luôn thốt ra những điều na ná giống nhau và dường như kém giá trị hơn hẳn so với những tuyên bố úp mở trên MXH từ chính thân chủ của họ.
Bây giờ, điệp khúc quen thuộc của nhiều người đại diện vẫn là: “Anh ấy có thể tới bất kỳ giải đấu nào", hay "Chẳng ai có thể nói được tương lai cậu ấy sẽ chơi tại Premier League, Serie A hay La Liga”, hoặc “Thân chủ của tôi đang hạnh phúc, nhưng đang có rất nhiều lời đề nghị và chúng tôi phải cân nhắc kỹ càng”....
Một ví dụ tiêu biểu, Dimitri Seluk, người đại diện của Yaya Toure, thông báo cho cả thế giới biết tiền vệ người Bờ Biền Nga sẽ rời Man City từ tháng 4: “Cậu ấy chắc chắn sẽ ra đi, tôi có thể khẳng định điều ấy”. Nhưng giờ Yaya Toure vẫn mắc kẹt ở sân Etihad.
Trong một chừng mực nào đó, đôi khi người đại diện còn khó làm "nhiễu sóng chuyển nhượng" tốt như người thân ruột thịt của cầu thủ .Roger, bố của Romelu Lukaku, quá nổi tiếng trong cộng đồng fan Everton. Mỗi khi có dịp ông lại rêu rao rằng con trai mình phải đá ở một CLB đẳng cấp, rằng Lukaku sẽ tới Bayern và Man Utd. Hôm khác Roger úp mở về sự quan tâm từ Atletico, Juventus và Chelsea dành cho cậu con trai.
Sau cùng, với mạng xã hội, ngay cả... CĐV thậm chí cũng có thể làm dậy sóng một vụ chuyển nhượng. Lấy ví dụ như một CĐV Arsenal đã thuyết phục được mọi người tin rằng Riyad Mahrez - Cầu thủ xuất sắc nhất Premier League mùa trước - sẽ tới sân Emirates, thông qua... một bức ảnh anh chàng này mặc chiếc áo "Pháo thủ" với tên Mahrez in phía sau.
Cộng đồng fan của “Pháo thủ” đã háo hức và chỉ vỡ mộng cho đến khi Mahrez gia hạn hợp đồng với Leciester. Hàng loạt chiếc áo đấu số 26 in tên Mahrez của “Pháo thủ” đã phải vào shop từ thiện.
Và sau khi mong muốn ra đi của cầu thủ được thực hiện, mạng xã hội một lần nữa giúp ích anh ta. Thông quá phản ứng của fan trên trang chủ của CLB, họ sẽ biết được mình được chào đón và kỳ vọng nhiều thế nào ở bến đỗ mới.
Chiều ngược lại, để xoa dịu đội bóng cũ, những dòng status ướt át giải thích lý do ra đi và kèm với lời nhắn nhủ yêu thương thường được các cầu thủ gửi lại fan của CLB cũ. 2 năm gần đây xu hướng này ngày càng gia tăng đặc biệt ở các vụ chuyển nhượng đình đám, như Adam Lallana sang Liverpool, Petr Cech rời Chelsea tới kình địch Arsenal hay mới đây là “tâm thư” của nhà vô địch N'Golo Kante để lại cho NHM Leicester.
Ai mà biết đó là tâm sự thật, hay lại ảo như chính cuộc sống ảo trên MXH!