“Những gì cũ kỹ lạc hậu khiến nhàm chán tẻ nhạt sẽ phải thay đổi nếu không muốn bị đào thải. Chắc chắn vậy. VMM100 cũng vậy. Nếu thay đổi, tôi sẽ nghĩ lại”. Đó là lời tâm sự của anh Tô Hiếu Trung khi vừa mới chuyển đổi công việc từ lái xe taxi truyền thống sang lái xe Grab.
>> Phái đẹp chạy bộ: Điều quan trọng là không bỏ cuộc
>> Những phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới từng chạy marathon
>> Nữ VĐV nghiệp dư duy nhất giải Việt dã: "Anh cứ đi bên lề đời em đi"
>> Tiểu Phương: "Bông hồng thép" mê chạy bộ
Nếu bạn là dân lái xe như anh Trung hay đơn giản chỉ là dân ngoại đạo với chạy bộ đường dài thì sẽ không hiểu VMM100 là cái gì. VMM100 là tên viết tắt của giải chạy gian khổ nhất Việt Nam với quãng đường rất dài 100km Vietnam Mountain Marathon. Thử thách "siêu khủng" này rất có thể là mục tiêu của anh trong năm tới.
“Trung niên lái taxi”, như anh Trung tự nhận, vừa hoàn thành 70km vượt núi Sa Pa với tổng thời gian...19 giờ 52 phút, khi đồng hồ báo chuẩn bị bước sang ngày mới. Không hề quá lời khi nói rằng anh Trung là tài xế taxi (Grab) chạy siêu nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Sau giải chạy 42km ở Tam Đảo hồi tháng 5, anh Trung đã quyết định đăng ký chạy 70km VMM. Do chỉ có 2 tháng chuẩn bị và không tập luyện được đầy đủ nên quá trình chạy của anh là một cuộc đua gay cấn với thời gian đúng nghĩa để hoàn thành. Anh chỉ có mặt tại check point (điểm kiểm tra) cuối cùng vừa kịp sát giờ trước khi leo ngọn núi cao cuối cùng, thử thách mà ai cũng ngán khi sức lực đã kiệt quệ.
Ông bố có 2 con này nằm trong nhóm 5 người về đích cuối cùng khi đa số các VĐV đã về...ngủ, nghỉ sau một ngày dài. Những người về chót như anh đã có một cuộc hành xác ròng rã trong suốt gần 1 ngày trời, bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng.
“Có lúc, tôi vừa đi trên đường vừa buồn ngủ. Vượt qua cơn buồn ngủ để chạy tiếp không dễ dàng. Đây là lần đầu tiên tôi chạy giải VMM nên không thông thuộc địa hình. Mãi đến hơn 8 giờ tối tôi mới bắt đầu leo đỉnh núi cuối cùng Silverstone, khi cách đích hơn 7km. Tôi chứng kiến một số VĐV phải đi giật lùi hay chạy theo phương ngang để đỡ đau khi đổ dốc”, anh nhớ lại.
“Tôi thích chơi các môn thể thao cá nhân như môn chạy bộ. Thử thách này nói riêng và chạy bộ nói chung rèn luyện ý chí tốt hơn, giúp tôi vượt qua những khó khăn trong công việc và cuộc sống”, anh chia sẻ.
Anh Trung có thâm niên 16 năm lái xe, đã từng lăn lộn qua 2 hãng taxi trước khi đậu "bến mới" Grab. “Taxi truyền thống dần lạc hậu so với Grab hay Uber. Khi nhận thấy, hãng không có sự thay đổi nào để tài xế có thu nhập tốt hơn, tôi quyết định chuyển sang Grab. Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”.
Vốn là người ham vui, tài xế 37 tuổi này còn có nhiều sở thích, đam mê: đạp xe, chụp ảnh, chơi SUP (ván lướt sóng có mái chèo), trekking…và chạy bộ là một trong số những môn thể thao anh gắn bó và thấy thích thú nhất.
Cách đây 3 năm, sau khi “đua đòi” tham gia chạy bộ với bạn bè trong hội xe đạp, anh đã hoàn thành 1 vòng hồ Tây (gần 15km) ngay trong hôm đầu tiên nhập môn.
Bí quyết của anh thật đơn giản. Mang theo máy ảnh vừa chụp vừ... đi bộ, kết hợp một công đôi việc. Hơn 1 tháng sau, anh Trung đã có thể chạy được 20 vòng công viên Bách Thảo (khoảng 20km). “Người ta làm được thì mình làm được”, anh tự nhủ. Sau 4 tháng, cơ thể anh cũng “ngót” đi được 6kg.
“Thời gian đầu tôi nghĩ chạy bộ chỉ là chơi cho vui thôi nên không tham gia giải nào. Sau đó nghĩ lại, mình vừa chơi vừa thúc đẩy phong trào. Quan trọng là kéo thêm được người thân gia đình chơi thể thao lành mạnh. Con cái được giải trí sau giờ học, tập luyện bồi bổ sức khỏe. Chúng có điều kiện tránh xa tivi, ipad trong thời gian rảnh”.
Không chỉ chạy bộ, ông bố ham vui này còn hay lôi theo cả 2 đứa nhỏ đi theo những chuyến dã ngoại để chúng thêm yêu thiên nhiên, hòa mình với cộng đồng và học các kĩ năng sống. Anh là người đầu trò ở Hội những người thích chạy đường dài LDR hay Hội cho trẻ ra ngoài chơi. “Nếu tụi trẻ không bận học, tôi sẽ đăng ký cho cả 3 bố con tham gia các giải chạy dù với vai trò runner hay với vai trò tình nguyện viên của giải”.
Anh Trung hiện đang ấp ủ kế hoạch xây dựng gói dịch vụ camping family chỉ dành riêng cho 1 gia đình nhỏ, giúp bố mẹ và con cái có thời gian gần nhau hơn qua 1 buổi picnic đúng nghĩa, hướng dẫn cho trẻ biết tự thao tác dùng đồ khi dã ngoại.
Cho đến nay, bố con anh Trung đã góp mặt ở nhiều giải chạy: Tamdao Mountain Trail (Tam Đảo), giải LUT chạy xuyên đêm tại Đồng Đò (Sóc Sơn), Song Hong Half Marathon, LDR Half Marathon (Công viên Yên Sở), Longbien Marathon...
Có một kỷ niệm khi tham gia chạy bộ mà anh và con trai Tô Hiếu Phong chắc khó quên. Tại sự kiện Chạy với tôi - Run 2gether 2016 ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), ba bố con đều tham gia chạy giao lưu cùng với những người khiếm thị để chia sẻ những khó khăn của người khiếm thị cũng như giúp họ hòa nhập với cộng đồng.
Mỗi người sáng mắt sẽ chạy kèm một người khiếm thị. Hai người kết nối với nhau thông qua một sợi dây vải buộc vào tay. Anh Trung và một bạn khiếm thị chạy về đích sớm nhất. Ở lễ trao giải, con trai anh khi nhận nhiệm vụ xướng tên người lên lĩnh giải lúng túng mời bố “chú Hiếu Trung” lên nhận giải.
Ngay cả lúc lái xe chở khách, anh Trung cũng đôi lần gặp những vị khách thú vị. “Có lần, tôi chở một khách Sài Gòn ra sân bay Nội Bài. Tôi và cô ấy mắc bệnh nghề nghiệp cùng để ý vào cổ tay đầu tiên. Cả hai đều đang đeo chiếc đồng hồ Garmin FR220. Chỉ có thể là runner mới đeo chiếc đồng hồ như vậy. Chúng tôi kể với nhau về chạy bộ, về những cung đường, những giải chạy khiến quãng đường đi lên sân bay trở nên ngắn lại”, anh kể.
“Ngay trong hôm đầu tiên lái xe Grab mới đây thôi, tôi cũng gặp một vị khách khá đặc biệt. Tôi chở 1 VĐV khoác áo CLB bóng rổ Thăng Long Warrior đang chơi ở VBA. Anh ấy nhận ra tôi đeo chiếc đồng hồ Garmin Fenix 3. Mà những người biết rành rẽ về đồng hồ chạy bộ chỉ có thể là dân yêu chạy bộ. Tôi lại thao thao bất tuyệt về chuyện chạy bộ, về sở thích chơi bóng đá và bóng rổ của con tôi. Khi biết được cháu nhỏ nhà tôi đam mê bóng rổ, anh ấy hẹn con tôi đến sân tập để hướng dẫn. Thật tuyệt khi tôi được gặp nhiều con người thú vị như vậy nhờ chạy bộ”.
Sau một thời gian cùng chơi, ba bố con anh Trung giờ đây đã có bộ sưu tập huy chương khá đồ sộ. Lúc nào rảnh, anh và các con lại lôi những chiếc huy chương chạy bộ ra ngồi ngắm nghía, tỉ mẩn lau chùi & chỉnh sửa, cùng nhau tán chuyện về những kỉ niệm. “Rồi bố con tôi đặt ra mục tiêu cho những giải tới nếu có tham gia. Kể cũng thú”.
Sắp tới, anh Trung và các con sẽ tiếp tục tham gia giải Longbien Marathon (29/10) và xa hơn nữa là sự kiện Chạy với tôi - Run 2gether (3/12) không chỉ vì những tấm huy chương mà còn vì mong muốn được giúp đỡ những người khiếm thị có động lực vươn lên trong cuộc sống.