Chạy cùng người khiếm thị: Xóa nhòa khoảng cách

thứ sáu 2-12-2016 18:40:05 +07:00 0 bình luận
Khoảng cách giữa người khiếm thị và người sáng mắt “bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một nắm tay” khi họ chạy cùng nhau tại giải "Chạy với tôi" sáng thứ 7 (3/12).

Khoảng 500 bạn trẻ sẽ cùng tham dự cuộc thi chạy bộ 2GETHER - “Chạy với tôi” vào cuối tuần này (thứ 7 ngày 3/12) tại Hồ Hoàn Kiếm. Đây là cuộc thi chạy cùng người khiếm thị do Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật hoà nhập cộng đồng Việt Nam và những người bạn (Vietnam And Friends /VAF) tổ chức. 

Đến với cuộc thi, người tham gia sẽ cùng người khiếm thị nắm tay nhau chạy ở 2 cự li: 1,7km hoặc 3,4 km (tương đương 2 vòng) quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuộc thi chạy nhằm nâng cao nhận thức về thế giới của người khiếm thị cũng như chia sẻ với cách người khiếm thị cảm nhận cuộc sống. Khoảng cách giữa người khiếm thị và người tham gia “bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một cái nắm tay”, qua đó tạo cơ hội cho hai bên đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau.

Các TNV được hướng dẫn cách cầm dây dẫn dắt VĐV khiếm thị chạy
Các TNV được hướng dẫn cách cầm dây dẫn dắt VĐV khiếm thị chạy

Trước ngày diễn ra cuộc thi, các tình nguyện viên (TNV) đã được hướng dẫn học cách chạy cùng với người khiếm thị thế nào. Một số thành viên vốn đã chạy lâu năm vẫn không khỏi có đôi chút bỡ ngỡ khi lần đầu thử dẫn dắt người khiếm thị. 

Chị Trần Đức Lâm: ''Tôi mới chạy thử với người sáng mắt đóng vai các bạn khiếm thị nên chưa cảm nhận hết''
Chị Trần Đức Lâm: "Tôi mới chạy thử với người sáng mắt đóng vai các bạn khiếm thị nên chưa cảm nhận hết"

Chị Trần Đức Lâm, thành viên Hội những người thích chạy đường dài, là một trong những TNV chia sẻ: "Tôi mới chạy thử với người sáng mắt đóng vai các bạn khiếm thị nên chưa cảm nhận hết. Tay kết hợp không khó nhưng chân hơi khó để phối hợp. Hai người ngược chân nhau nhưng chạy một đoạn thì lại cùng chân. Khi chạy, mình không đánh tay nhiều nên chân khó kết hợp cùng. Tóm lại, hai người phải vừa chạy vừa điều chỉnh".

Chị Lâm cùng như nhiều bạn bè trong hội yêu thích chạy bộ ở Hà Nội đăng ký tham gia chương trình này vì muốn giúp đỡ những người khiếm thị có cơ hội được chạy như những người sáng mắt.

Anh Vũ Đăng Hùng (phải) tập chạy thử cùng người khiếm thị
Anh Vũ Đăng Hùng (phải) tập chạy thử cùng người khiếm thị

Trái ngược với chị Đức Lâm, hai bố con anh Vũ Đăng Hùng lại cảm thấy việc chạy phối hợp với các VĐV khiếm thị không quá khó khăn: "Chạy cùng với họ khá dễ, chỉ cần đều nhịp chân là đều nhịp tay được. Chúng tôi vừa chạy vừa trao đổi với nhau để giảm hay tăng tốc độ cho phù hợp với bạn chạy. Con gái tôi chỉ nghĩ đơn giản là chạy bộ với người mù rất hay và rồi hai bố con tôi đăng ký tham gia buổi chạy hôm thứ 7 tuần này".

Bé An (trái), con gái anh Hùng: ''chạy với người mù rất thú vị''
Bé Vũ Đặng Thảo An (trái): "chạy với người mù rất hay"

Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng 34 năm “Ngày Quốc tế người khuyết tật” (3/12/1982 – 3/12/2016). Bên cạnh hoạt động chạy, tại sự kiện 2GETHER, các bạn còn có cơ hội tham gia những trải nghiệm độc đáo nhằm tìm hiểu, khám phá cách người khiếm thị cảm nhận cuộc sống như:

* Góc Trải nghiệm: không gian trải nghiệm thực tế về cách người khiếm thị thích nghi với cuộc sống như cách thức người khiếm thị sử dụng gậy để định hướng và di chuyển; cách người khiếm thị đọc và viết ...

* Góc Âm nhạc: Không gian nghệ thuật do chính người khiếm thị xây dựng với những bản nhạc, ca khúc do chính họ sáng tác và thể hiện.

* Góc Cờ vua: Không gian nơi bạn có thể tham gia vào những ván cờ “độc đáo” với người khiếm thị và qua đó hiểu rõ hơn về kỹ năng cùng năng lực định hướng của người khiếm thị.

Video hướng dẫn chạy cùng người khiếm thị:

Thông tin chi tiết về sự kiện:

https://www.facebook.com/events/322060924819340/

Về thực trạng người khiếm thị tại Việt Nam:

Theo số liệu của Báo cáo dự thảo Kế hoạch Quốc gia phòng chống mù loà năm 2013, Việt Nam hiện có 2 triệu người khiếm thị và có thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo, thiếu cơ hội tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Đặc biệt, số trường chuyên biệt cho học sinh khiếm thị trên cả nước rất ít, chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Số lượng học sinh được theo học ở các trường này rất nhỏ so với con số cả trăm nghìn người khiếm thị đang ở độ tuổi đi học. Vì vậy các dự án giúp tiếp cận gần hơn với các dịch vụ công, y tế, giáo dục cho người khiếm thị đặc biệt là trẻ đang trong độ tuổi đến trường là vô cùng cần thiết.

  

Về Vietnam and Friends – VAF

Tổ chức Việt Nam và những người bạn VAF (Vietnam and Friends) là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam nhằm kêu gọi và nâng cao nhận thức về các vấn đề xoay quanh người khuyết tật. Tổ chức VAF cung cấp những cơ hội để tiếp cận gần hơn với giáo dục qua các dự án như : Sách nói cho người khiếm thị, nâng cao ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh cho học sinh khiếm thị từ cấp tiểu học, cải thiện khả năng định hướng khi di chuyển cho học sinh tại trường Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội. VAF cũng đóng góp tích cực vào việc kêu gọi các tình nguyện viên trong nước và quốc tế tham gia các dự án hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam và quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường.

Trang web của tổ chức, vui lòng đăng nhập website: www.vietnamandfriends.org

  

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm