Kể từ khi ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng MU, Solkjaer đã giúp “Quỷ đỏ” khôi phục lối chơi tấn công khi nã vào lưới đối thủ tổng cộng 36 bàn trong 16 trận. Tính ra, MU chỉ có 2 trận không ghi bàn khi đối đầu với những đội bóng có hàng thủ tốt nhất Châu Âu vào thời điểm hiện tại là PSG và Liverpool.
Hình ảnh MU chơi tấn công để trút “cơn mưa gôn” vào lưới đối thủ đã dần biến mất từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ và càng khó nhìn thấy hơn nữa khi đội bóng được dẫn dắt bởi một HLV có triết lý bóng đá phòng ngự thực dụng như Jose Mourinho.
Ngoài ra, MU dưới thời Solskjaer cũng rất linh hoạt trong việc thay đổi chiến thuật và thích nghi với hoàn cảnh khó khăn với minh chứng tiêu biểu là việc cầm chân Liverpool khi mất 3 trụ cột chỉ sau 40 phút thi đấu và chiến thắng 2 trận gần nhất với sự hồi sinh của Romelu Lukaku.
Trong quá khứ, Sir Alex vẫn nổi tiếng với tài liệu cơm gắp mắm và sắp xếp nhân sự, chiến thuật phù hợp để giành chiến thắng trước những đối thủ có chất lượng đội hình tốt hơn hẳn. Triết lý bóng đá này khác hoàn toàn so với phương pháp kiểm soát trận đấu bằng cách sở hữu bóng nhiều hơn và chuyền nhiều hơn của Pep Guardiola, hay Maurizio Sarri.
Dưới thời Sir Alex Ferguson trong quá khứ, hay Ole Gunnar Solskjaer ở hiện tại, MU rất khó đoán vì họ có thể tiếp cận trận đấu theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào các đối thủ phải chạm trán. Từ tấn công trực tiếp, phòng ngự phản công, hay ru ngủ đối phương bằng lối chơi kiểm soát bóng, đội bóng của Solskjaer đều có thể làm tốt.
Chẳng hạn, khi chỉ phải gặp những đối thủ chiếu dưới như Burnley, Bournemouth, Huddersfield hay Brighton, MU sẽ chủ động giành quyền kiểm soát bóng và từ từ áp đặt lối chơi lên đối thủ nhờ chất lượng đội hình vượt trội.
Nhưng khi gặp các đối thủ đang vùng vẫy để trụ hạng trên sân khách như Cardiff, hay Fulham, MU sẽ chơi phòng ngự, phản công nhiều hơn.
Một trong những sự điều chỉnh chiến thuật đáng chú ý đầu tiên của Solskjaer là việc bố trí hàng tiền vệ kim cương với Rashford và Martial đá tiền đạo cánh để khai thác những khoảng trống sau lưng các hậu vệ cánh có xu hướng dâng cao của Tottenham. Pha lập công duy nhất của Rashford giúp MU giành chiến thắng trước Tottenham đã xảy ra trong một tình huống phản công như vậy.
Khi chạm trán Arsenal tại FA Cup, HLV Solskjaer cũng bố trí một hàng tiền vệ kim cương và lối chơi tương tự để thu về cùng một kết quả chiến thắng. Trong cả 2 trận đấu này, MU đều tiếp cận với phong cách phòng ngự phản công và có tỷ lệ kiểm soát bóng không quá 43%.
Nhưng khi gặp một ông lớn khác là Chelsea, HLV Solskjaer vẫn sử dụng hàng tiền vệ kim cương, nhưng không tập trung tấn công ở hai cánh mà lại khuyến khích Ander Herrera và Paul Pogba tiếp cận khu vực cấm địa để sút nhiều hơn và ghi bàn.
Mạo hiểm để thành công
Khi quyết định mang lối chơi tấn công trở lại MU, HLV Solskjaer đã chọn cách làm ngược lại với những người tiền nhiệm vốn đề cao sự an toàn lên hàng đầu. Từ David Moyes, Louis van Gaal hay Jose Mourinho đều muốn phòng ngự chắc chắn trước khi nghĩ đến chuyện ghi bàn.
Lấy ví dụ dưới thời HLV Mourinho, các cầu thủ chạy cánh sẽ không được khuyến khích dâng cao nhằm duy trì sự vững chắc của hàng phòng ngự. Chính vì vậy, Pogba đã phải tham gia phòng ngự, Rashford cũng phải lùi về hỗ trợ nhiều hơn và các hậu vệ cánh thường không được chạy qua phần sân đối phương để hỗ trợ tấn công.
Solskjaer thì ngược lại, ngay cả khi MU đang dẫn trước Crystal Palace 1 bàn thì chiến lược gia người Na Uy vẫn khuyến khích các học trò lao lên phía trước để ghi thêm bàn thắng, thay vì co cụm phòng ngự để bảo toàn lợi thế mong manh.
Thực tế, Ashley Young đã ghi bàn chấm dứt mọi hy vọng có điểm của Crystal Palace, nhưng nếu người ngồi trên băng ghế huấn luyện là Jose Mourinho, có thể Young sẽ được yêu cầu ở lại sân nhà để giữ vững thế trận phòng ngự.
Nói cách khác, HLV Ole Gunnar Solskjaer đã khôi phục lại bản sắc tấn công của MU dưới thời Sir Alex Ferguson và đây có thể là vũ khí giúp MU lội ngược dòng trước PSG vào đêm nay trong hoàn cảnh đang bị dẫn trước 2 bàn.