Trên diễn đàn chạy, người tập có tên Phan Minh Hiếu đặt câu hỏi: “Lần đầu chạy 21km pace 6:30 chân phải vị trí này bị đau kinh khủng. Nghỉ 1 tuần, hôm thứ 4 tuần này chạy lại 13km pace 6:45, lại bị đau. Hôm nay chạy thật chậm 8km pace 8:30 lại đau tiếp. Các anh chị tư vấn dùm cách chữa trị. Chân thành cảm ơn”.
Triệu chứng đau của anh Hiếu cũng xuất hiện ở nhiều người và người cùng cảnh ngộ vào tư vấn. Anh Kính Huyên ở Phú Nhuận (TP.HCM) nói: “Viêm cân gan bàn chân nhé bác. Đi khám bác sĩ và nhờ bác sĩ tiêm luôn. Hơn nữa loại giày chạy cũng là nguyên nhân chính khiến chân bị như này, trước em đi đôi Skechers bị đau đi bộ không nổi, sau đổi sang Adidas Adizero là đỡ hơn nhiều. Vẫn khám bác sĩ và tiêm thuốc…”
Đó chỉ một trong số ít trường hợp các chân chạy dính chấn thương này. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh này, chúng ta bắt đầu từ những kiến thức sau:
Cân gan bàn chân là gì?
Cân gan chân là một dải gân cơ bám từ các chỏm xương bàn đến xương gót giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Cân gan bàn chân giúp giảm nhẹ trọng lực dồn xuống bàn chân khi vận động, giúp việc đi lại dễ dàng hơn, bảo vệ các khớp... Cân gan chân khi bị tổn thương sẽ gây đau nhức gót chân.
Cấu trúc cân gan bàn chân
Cân gan chân chia ra làm 3 phần riêng biệt: phần trong, phần trung tâm và phần ngoài. Phần trung tâm dày và rộng nhất, nằm giữa hai phần kia mỏng hơn và không lồi bằng.
Cân gan chân và gân gót có các chỗ bám khác nhau trên xương gót. Do đó, hai cấu trúc giải phẫu này không có tác động trực tiếp đến nhau. Tuy vậy, khi gấp các ngón về phía mu chân thì cũng sẽ gián tiếp làm cho gân gót căng duỗi, mối liên quan này sẽ được sử dụng vào quá trình điều trị vật lý viêm cân gan chân.
Khái niệm về bệnh viêm cân gan bàn chân
Bệnh viêm cân gan bàn chân gây đau nhói một vùng ở mặt dưới xương gót nơi cân gan chân bám vào xương gót, dẫn đến tình trạng người bệnh khó đi lại bằng chân trần trên nền cứng. Người bệnh thường đau nhiều về sáng và giảm nhẹ trong ngày, do bàn chân suốt đêm ở tư thế gấp về phía gan chân làm cho cân gan chân ngắn lại. Vào buổi sáng khi bước những bước đi đầu tiên, cân căng duỗi ra gây đau. Khi cân bắt đầu bớt căng thì mức độ đau sẽ giảm dần, nhưng cơn đau có thể trở lại sau khi vận động đi lại nhiều.
Nguyên nhân nào gây đau bàn chân khi chạy bộ
+ Giày hoặc tất không phù hợp
+ Dây buộc giày quá chặt
+ Khởi động chưa kỹ
+ Cơ bắp quá mệt mỏi
+ Đột nhiên tăng khoảng cách chạy
Những phần của bàn chân có thể bị ảnh hưởng
Cơn đau có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều phần của bàn chân cùng một lúc, gồm: Vòm và gót chân, ngón chân, móng chân, đầu bàn chân, mặt trước của bàn chân, mặt bên bàn chân, gan bàn chân…
Cách điều trị đau bàn chân khi chạy bộ
Khi gặp những triệu chứng trên, các bạn nên bình tình xử lý, hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà.
Nghỉ ngơi: Đây là động thái đầu tiên bạn nên làm khi đau chân. Đừng cố gắng tập cho đủ bài khi chân đã đau. Nghỉ hoàn toàn việc tập luyện, hạn chế đi lại, tránh tác động lên vùng đau.
Nâng cao chân: Nếu chân bạn bị sưng, hãy cố gắng giữ chúng ở cao hơn vùng chậu để tăng lưu lượng máu.
Chườm nước đá: Bước tiếp theo sau khi nâng cao chân là đặt túi nước đá lên khu vực bị ảnh hưởng. Bạn có thể quấn túi nước đá trong một chiếc khăn hoặc mang tất nếu quá lạnh. Điều này không chỉ giúp giảm đau nhức chân mà còn ngăn ngừa hoặc giảm sưng.
Ngâm chân: Ngâm chân ngay sau khi chạy hoặc bất cứ lúc nào bàn chân bị đau có thể hữu ích. Nhiệt độ của nước tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể muốn ngâm chân trong nước ấm và nóng để thư giãn cơ bắp hoặc trong bồn tắm lạnh giúp giảm đau và giảm áp lực giống như chườm nước đá. Bạn cũng có thể thêm muối và dầu để làm dịu da chân. Thời gian mỗi lần ngâm chân nên kéo dài ít nhất 10 phút để có kết quả tốt nhất.
Sử dụng con lăn chân: Hiện nay có khá nhiều dụng cụ lăn chân để điều trị đau gan bàn chân. Những ống tròn có gai đặt dưới gan bàn chân lăn đi lăn lại những lúc ngồi rảnh rỗi cũng là cách để làm mềm chỗ đau, tăng lưu lượng máu đến chân…
Phòng ngừa đau bàn chân khi chạy bộ
Bạn nhất định phải làm những việc này để tránh chấn thương, không làm quá trình tập luyện của mình bị ảnh hưởng:
+ Chọn giày và tất phù hợp: giày chạy nên được chọn to, dài hơn cỡ chân thông thường từ 1-2cm. Nên chọn tất ít chất liệu nilon để tránh cọ xát chân.
+ Buộc dây giày vừa phải.
+ Khởi động kỹ, đặc biệt là chân, gan bàn chân…
+ Nếu cơ thể có dấu hiệu đau, đặc biệt là vùng chân, hãy dừng việc tập.
+ Không tăng khoảng cách chạy lên đột ngột, luôn đảm bảo không quá 10%.