Olympic mở cửa cho người chuyển giới

chủ nhật 24-1-2016 22:24:10 +07:00 0 bình luận
Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, Thế vận hội mùa Hè năm nay ở Rio de Janeiro, Brazil có thể chứng kiến sự góp mặt của những VĐV chuyển giới mà không cần phải trải qua phẫu thuật nhằm xác định chính xác giới tính thật của mình.

Sửa đổi Đồng thuận Stockholm

Thực tế thì việc Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) đang chờ thông qua chính sách mới nhằm rộng cửa cho các VĐV chuyển giới chỉ là vấn đề thời gian sau khi tháng 11 năm ngoái, IOC nhận được những đề xuất đưa ra tại “Hội nghị đồng thuận về xác định lại giới tính và hội chứng Hyperandrogenism (nữ giới có hàm lượng hormone nam cao quá mức). Điều đáng nói là mặc dù các quan chức IOC chưa khẳng định về các quy định mới vốn đã được một số tổ chức thể thao khác chấp thuận, chính sách này cũng đã xuất hiện trên website của IOC.

Trong trường hợp phê chuẩn, IOC sẽ theo chân Hiệp hội thể thao trường đại học quốc gia (NCAA) của Mỹ là cho phép các VĐV chuyển giới, nam sang nữ và nữ sang nam, được phép thi đấu mà không cần phẫu thuật xác định lại giới tính thật.

Nên nói thêm là hiện nay, IOC cũng quy định quyền được thi đấu của các VĐV chuyển giới nhưng dựa trên những điều khoản đặc biệt theo Đồng thuận Stockholm được phê chuẩn vào năm 2004. Những chính sách mới được thông qua trước Olympic Athens 2004 cho biết, các VĐV chuyển giới phải phẫu thuật xác định lại giới tính thật và cung cấp giấy tờ công nhận giới tính cũ lúc họ sinh ra. Ngoài ra, họ cũng phải trải qua ít nhất là 2 năm điều trị bằng hormone thay thế sau khi phẫu thuật.

Để so sánh, những hướng dẫn mới vừa đề xuất sẽ cho phép các VĐV chuyển giới được thi đấu chỉ sau 1 năm điều trị bằng hormone thay thế và không cần yêu cầu phẫu thuật.

Rõ ràng, các quy định mới đã được nới lỏng rất nhiều nhằm tạo điều kiện cho người chuyển giới được đối xử bình đẳng như người bình thường. Trong cuộc vận động này, người có tiếng nói quan trọng trong “Hội nghị đồng thuận về xác định lại giới tính và hội chứng Hyperandrogenism” là Joanna Harper, một nhà vật lí y học, chuyên gia về ung thư học tại Trung tâm y tế Providence Portland. Theo bà Harper, các hướng dẫn về chuyển giới mới của IOC đã giải quyết gần như mọi thiếu sót từ những quy định cũ và bà hi vọng nhiều tổ chức thể thao sẽ áp dụng hướng dẫn mới này và thay thế những chính sách cũ về chuyển giới. “Giai đoạn chờ đợi cho phụ nữ chuyển giới từ 2 năm sau phẫu thuật đã được rút xuống còn 1 năm sau khi bắt đầu điều trị bằng hormone thay thế”, bà Harper cho biết. “Điều này cũng giống như quy định của NCAA. Giai đoạn chờ đợi có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất của chúng tôi và 1 năm là một thỏa thuận hợp lí”.

Cơ hội cho VĐV chuyển giới

Cho đến bây giờ, lịch sử Olympic chưa có bất cứ VĐV nào được thi đấu theo giới tính không phải là giới tính như khi họ sinh ra. Chính xác thì tại Olympic 1976, VĐV Bruce Jenner đã giành HCV ở nội dung 10 môn phối hợp nhưng sau này, ông mới chuyển giới thành bà Caitlyn Jenner. Tương tự như vậy, Balian Buschbaum giành vị trí thứ 6 ở nội dung nhảy sào tại Olympic 2000 và sau đó, anh mới chuyển giới thành cô Yvonne Buschbaum.

Còn hiện nay, thể thao chuyên nghiệp cũng có nhiều VĐV chuyển giới, trong đó đáng chú ý có các VĐV đua xe đạp Natalie van Gogh của Hà Lan và Michelle Dumaresq của Canada, VĐV hai môn phối hợp (chạy và đạp xe) của Mỹ là Chris Mosier. Trong khi Mosier được xác định là nam giới nhưng chưa phẫu thuật xác định lại giới tính thật, Van Gogh và Dumaresq đã lên bàn mổ.

Vì thế, nếu những hướng dẫn mới về chuyển giới được IOC thông qua thì một VĐV như Mosier có thể thi đấu với các VĐV nam mà không cần phẫu thuật xác định lại giới tính thật nếu như anh đáp ứng quy định về điều trị hormone thay thế.

Hiện không rõ Liên đoàn ba môn phối hợp quốc tế (ITU), cơ quan giám sát các giải hai môn phối hợp và ba môn phối hợp, có chấp nhận những hướng dẫn mới hay không để Mosier kịp tham dự các giải thế giới và Olympic.

Trên tất cả, những hướng dẫn mới được đưa ra cũng nhằm giúp Olympic “bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong thể thao và thúc đẩy những nguyên tắc cạnh tranh công bằng” sau thắng lợi của VĐV chạy nước rút người Ấn Độ là Dutee Chand tại Tòa án thể thao (CAS) hồi tháng 7 năm ngoái. Khi đó, CAS cho phép các VĐV nữ có lượng testosterone tăng cao bất thường được thi đấu nhưng trước đấy, Chand đã bị cấm vì có lượng testosterone quá cao.

Câu chuyện của Chand cũng giống với VĐV chạy 800m của Nam Phi là Caster Semenya, người luôn bị nghi ngờ về giới tính sau khi cô giành danh hiệu thế giới vào năm 2009. Semenya đã bị cấm thi đấu trong hơn 1 năm trước lúc cô giành HCB tại Olympic London 2012.

Và như đã nói ở trên, cách đây 40 năm, Caitlyn Jenner giành HCV tại Olympic Montreal trong nội dung 10 môn phối hợp dưới cái tên Bruce Jenner. Nếu bà thi đấu ở thời điểm hiện tại - nếu bà trải qua 1 năm điều trị hormone thay thế - bà có thể thi đấu ở nội dung của nữ. 

Những VĐV chuyển giới đáng chú ý

Renee Richards: Cây vợt đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới vào năm 1975. Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) từng cấm bà tham dự US Open năm 1976 nhưng năm 1977, Tòa án tối cao New York đã xử bà thắng kiện. Richards từng huấn luyện cho Martina Navratilova hai lần vô địch Wimbledon.

Jaiyah Saeula: Cầu thủ của Samoa. Cô là cầu thủ chuyển giới đầu tiên trên thế giới thi đấu ở vòng loại World Cup của nam vào năm 2011.

Mianne Bagger: Golf thủ người Đan Mạch đã phẫu thuật chuyển giới vào năm 1995 và trở thành người phụ nữ chuyển giới thứ hai trên thế giới được chấp thuận thi đấu chuyên nghiệp, sau Renee Richards.

Fallon Fox: Năm 2013, sau nhiều trận đấu thành công, Fallon Fox buộc phải công khai giới tính sau khi một phóng viên cho biết cô là người chuyển giới.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm