Xét thành tích cụ thể, Nguyễn Công Phượng khiêm tốn nhất trong 3 ứng viên vì chỉ có 1 tấm HCĐ cùng U.23 Việt Nam ở một kỳ SEA Games bất thành. Dù vậy, cầu thủ này vẫn có một ưu thế rất lớn gắn với sức lan tỏa hiếm có từ một làn gió mới, sức bật mới của bóng đá Việt Nam đến từ một lứa cầu thủ trẻ tài năng khác biệt mà anh làm “đầu tàu”.
Xét về chuyên môn thuần túy, kình ngư 14 tuổi Nguyễn Diệp Phương Trâm có phần nổi bật hơn cả với tư cách là một trong số ít tài năng trẻ tiến bộ nhất năm 2015. Tại giải VĐQG, thiếu nữ người TP.HCM 2 lần đánh bại Ánh Viên trên các đường bơi 50m tự do và 50m bướm, đều với thông số phá kỷ lục quốc gia.
Đáng nói hơn, Trâm còn đoạt tới 9 HCV giải Trẻ Đông Nam Á, giành 1 HCV giải Trẻ châu lục. Kình ngư được ví là “Tiểu Ánh Viên” này còn có ưu thế riêng của một môn thể thao Olympic cơ bản.
Dù vậy, kỳ thủ 8 tuổi Nguyễn Lê Cẩm Hiền lại đang hội tụ đầy đủ, ở mức đỉnh cao cả hai mặt thành tích chuyên môn và hiệu ứng thể thao - xã hội. Dù chỉ là lứa tuổi trẻ song Cẩm Hiền chính là tuyển thủ Việt Nam duy nhất trong năm giành HCV ở một giải đấu thế giới chính thức. Hiền cũng mới là nhà Quán quân thứ 7 của cờ vua Việt trong 22 năm.
Trong khi đó, việc Cẩm Hiền nhận được số lượt bình chọn kỷ lục, gần gấp đôi so với cả Công Phượng và Phương Trâm cũng chứng minh một cách thuyết phục về sức ảnh hưởng tuyệt vời đối với làng thể thao cùng NHM.
Rất có thể Cẩm Hiền sẽ cho Công Phương “hít khói”, cho dù vẫn phải tính đến sức nặng chuyên môn của Phương Trâm.
Thành tích nổi bật
- Nguyễn Lê Cẩm Hiền (sinh năm 2007): Giành HCV lứa tuổi U.8 giải cờ vua Trẻ thế giới, HCB U.8 giải Trẻ châu Á.
- Nguyễn Diệp Phương Trâm (sinh năm 2001): Giành 9 HCV giải Trẻ Đông Nam Á, 1 HCV giải Trẻ châu Á.
- Nguyễn Công Phượng (sinh 1995): Giành HCĐ SEA Games 28 cùng ĐT U.23 VN.