Với mục tiêu tối thượng là lấy lại niềm tin và sự trong sạch của “làng chạy” thế giới sau scandal doping gây chấn động của điền kinh Nga, ông Coe dự đinh sẽ tăng ngân quỹ phòng chống doping lên 8 triệu USD/năm.
Ở thượng tầng, ông Coe tuyên bố sẽ tái cấu trúc lại bộ máy của IAAF. Bắt đầu từ việc bổ nhiệm vị giám đốc điều hành mới vào giữa năm 2016. Sau đó, một Ủy ban đạo đức riêng rẽ để giám sát các vấn đề như doping, tham nhũng, cá cược… sẽ được thành lập và hoạt động trước tháng 8, thời điểm Olympic Rio khởi tranh. Ngoài ra, IAAF dự kiến sẽ tăng số lượng VĐV phải kiểm tra doping từ 600 – 700 VĐV lên ít nhất 1.000 VĐV mỗi năm.
Chủ tịch IAAF, Sebastian Coe phát biểu mạnh mẽ: “Các kế hoạch này không phải nói ra cho vui. Tôi là chủ tịch đương nhiệm của một liên đoàn quốc tế đang bị điều tra gắt gao, và sẽ làm tất cả những có thể để lấy lại hình ảnh của tổ chức”.
“Mục tiêu của tôi là tạo ra môi trường thể thao mà mọi người có thể tin cậy. Ở đó, những VĐV, NHM, nhà tài trợ, truyền thông và mỗi cá nhân trong cộng đồng đều cảm thấy tin tưởng và an tâm những nỗ lực của mình sẽ được ghi nhận, tưởng thưởng công bằng”.
Hiện tại, Cơ quan chống doping thế giới (WADA) cùng cảnh sát đang tiếp tục phối hợp điều tra để đưa ra ánh sáng các quan chức của IAAF có dính dáng đến vụ bê bối của điền kinh Nga.
Trong khi cựu chủ tịch IAAF Lamine Diack vẫn là tâm điểm về những cáo buộc nhận hối lộ thì giám đốc văn phòng chủ tịch, cánh tay phải hiện nay của ông Coe, Nick Davies cũng liên tục phải trình diện cảnh sát để thực hiện các cuộc thẩm vấn về việc che dấu thông tin sử dụng chất cấm của Liên đoàn điền kinh Nga từ năm 2013.