Chủ tịch khách mời, Tổng thư ký làm thêm
Vì nhiều lý do khác nhau, mà chung quy cũng không thể khác, vị trí Chủ tịch của trên 20 Liên đoàn Thể thao quốc gia đều được dành cho các khách mời. Đó có thể là lãnh đạo cơ quan nhà nước, địa phương hay doanh nghiệp. Cá biệt, một vài Liên đoàn do quan chức của ngành đương nhiệm, thậm chí đã nghỉ hưu đảm nhận luôn. Tiếng là VIP số 1, song các vị Chủ tịch gần như không tác nghiệp trực tiếp, mà chủ yếu giúp Liên đoàn bằng uy tín, mối quan hệ của mình. Do phụ thuộc vào cá nhân, nên hiệu quả thực tế nhìn chung rất hạn chế, đúng nghĩa được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Chủ tịch đã vậy, càng đáng giật mình với Tổng thư ký các Liên đoàn, ngoại trừ bóng đá, còn lại đều được kiêm nhiệm theo kiểu… làm thêm. Trong đó, phổ biến nhất là lãnh đạo Vụ Thể thao Thành tích cao và Trưởng bộ môn của ngành thể thao “ôm” luôn. Từ bóng chuyền, bóng bàn, điền kinh, tới thể thao dưới nước, đua thuyền, thể dục… Ở một vài Liên đoàn, chức danh Tổng thư ký còn “theo” chủ nhân của mình tới tận lúc đã nghỉ hưu nhiều năm, như bóng rổ, xe đạp.
Cái tính chất “cánh tay nối dài” và “nửa nắm nửa buông” trong mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các Liên đoàn được minh chứng rõ nhất qua các Tổng thư ký kiêm nhiệm kiểu làm thêm ấy.
Biệt phái không, chuyển hẳn càng không
Sở dĩ ông Trần Quốc Tuấn có thể sẵn sàng sang làm việc chuyên trách tại VFF theo diện biệt phái một phần bởi bóng đá có đặc thù, đòi hỏi rất riêng. Quan trọng hơn, VFF hội đủ các điều kiện cần thiết cho một cán bộ có thể yên tâm hoạt động, kể cả về thu nhập.
Trong khi đó các cán bộ của ngành thể thao đang kiêm nhiệm Tổng thư ký các Liên đoàn khác có “mời”, “thách” hay “ép” chắc chắn cũng không ai chịu đưa mình vào diện biệt phái, chứ chưa nói đến chuyển hẳn sang. Họ chẳng dại gì đánh đổi hay mạo hiểm vị thế, quyền lợi của mình ở một Liên đoàn mà trụ sở, kinh phí, cơ chế chính sách, nhân viên thừa hành gần như không có. Chưa kể, họ còn phải đối mặt với nguy cơ “đứt gánh giữa đường” nếu lỡ mất tín nhiệm qua các kỳ Đại hội Liên đoàn.
Vì thế, chuyện kiêm nhiệm kiểu làm thêm suy cho cùng cũng khó tránh, và phần nào đó có thể thông cảm. Tuy nhiên, điều đáng buồn ở đây chính là nếp quen, đến mức ăn vào cách nghĩ cách làm giống như một sự mặc định: Kiểu gì cũng phải “ôm” bằng được, người của ngành mới yên tâm.
Rốt cuộc, chỉ Liên đoàn lãnh đủ khi bao nhiêu năm vẫn vất vưởng, tụt hậu trong cảnh lệ thuộc vào cơ quan quản lý Nhà nước. Không phải ngẫu nhiên, việc phân cấp, chuyển giao quyền tác nghiệp, sự tự chủ cho các Liên đoàn bao năm vẫn chỉ nằm trên giấy. Nếu ngành thể thao chịu làm, chịu thay đổi, dù đơn giản nhất là thí điểm ở một số Liên đoàn, tình thế đã hoàn toàn khác.
Sỹ Minh
Đỉnh điểm của câu chuyện kiêm nhiệm kiểu làm thêm chính là ở Liên đoàn Tennis Việt Nam. Ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Quốc Kỳ hiện tại hồi đầu nhiệm kỳ chỉ tham gia Liên đoàn với chức danh Phó Chủ tịch, tất nhiên chỉ dạng kiêm nhiệm bên cạnh việc chính của một doanh nhân. Cách đây 3 năm, ông Phó Chủ tịch còn phải gánh thêm chức danh Tổng thư ký khi ông Tổng cũ Trần Ngọc Lịnh bất ngờ xin nghỉ. Cũng tưởng chỉ đảm trách một thời gian ngắn để tìm người mới, cái sự kiêm nhiệm tới 2 lần của ông Kỳ kéo dài tới tận bây giờ.