Việc số lượng vé theo dõi các trận đấu của tuyển Việt Nam bán ra bị hạn chế, bên cạnh nhu cầu của khán giả tăng cao sẽ khiến tình trạng vé giả xuất hiện tràn lan.
"Trong thời gian tổ chức việc bán vé trực tiếp cho người hâm mộ tại sân Mỹ Đình, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chưa thấy xuất hiện hiện tượng vé giả", Phó tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu khẳng định.
Những tấm vé cuối cùng theo dõi trận đấu giữa tuyển Việt Nam gặp tuyển Malaysia vào tối 16/11 đã được VFF tiêu thụ trong ngày 11/11, khép lại quá trình bán trực tiếp tại sân Mỹ Đình.
Nhưng tiếc rằng nhu cầu đến từ khán giả quá lớn, nên có những người dù rất hâm mộ đội tuyển Quốc gia, vẫn phải "ngậm cay nuốt đắng" trắng tay đi về. Bởi chỉ có 9.000 vé được những người đứng đầu bóng đá Việt Nam phát hành tại quầy. Còn lại khoảng 15.000 vé được bán theo đường công văn và online.
Điều này vô tình tạo kẻ hở lớn cho những kẻ lợi dụng lòng tin của người hâm mộ để bán vé giả. "Những nguời mua vé cần phải cần lưu ý nguồn gốc và xuất xứ của nó. Làm sao để có thể mua được vé từ BTC và tránh được tình trạng vé giả", ông Châu nói thêm.
Nhu cầu theo dõi tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 rất cao.
Để nhận biết đâu là vé thật và vé giả, VFF đã "vạch" sẵn bản kế hoạch khá chi tiết. "Khi kiểm soát vé cho khán giả vào sân, ngoài việc kiểm tra bằng cách xé vé, chúng tôi còn sử dụng máy scan để quét mã vạch trên đó. Những người mua vé do BTC phát hành mới được vào sân", ông Châu giải thích.
Bên cạnh việc bán vé trực tiếp, điều gây khó khăn nhất với VFF trong việc phát hành vé xem tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 là phát hành tận tay những khán giả đặt qua online thành công. Với quỹ thời gian rất ngắn, thì công tác trả vé như thế nào?
Trả lời vấn đề này, phó thư ký VFF nói: "Đó là điều mà chúng tôi đã lường tính từ trước. VFF sẽ ngồi với những người cung cấp dịch vụ để tìm ra giải pháp khắc phục. Những quyết định này sẽ được VFF công bố trong thời gian tới để người hâm mộ có vé đúng hẹn".