Dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV): Xây nhà từ móng

thứ năm 10-9-2015 15:24:40 +07:00 0 bình luận
Đi đầu trong phát triển bóng đá phong trào ở Việt Nam, đặc biệt là chú trọng phát triển bóng đá trong trường học, dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV) đã tạo nên sân chơi bổ ích cho học sinh và hy vọng trở thành nơi ươm mầm những tài năng “nhí”.

Nam nữ bình quyền

Năm 2001, thông qua cuộc họp giữa LĐBĐ Na Uy và LĐBĐ Việt Nam, phía Na Uy ngỏ ý hỗ trợ phát triển bóng đá phong trào ở Việt Nam. Trong năm này, dự án triển khai thí điểm tại Hà Nội và 3 năm sau, chính thức đi vào hoạt động tại Huế.

Xây nhà từ móng
Thái tử và Công nương Nauy viếng thăm dự án FFAV vào năm 2014.

Mục tiêu của FFAV là phát triển bóng đá phong trào không cạnh tranh dành cho trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường học và các trung tâm bảo trợ xã hội, xem đây là sân chơi bổ ích cho các em tham gia tập luyện thể thao thường xuyên.

Với mô hình và giáo án lấy từ Na Uy, FFAV thấm nhuần triết lí phát triển bóng đá đúng hướng, rèn luyện kỹ thuật, tạo nên môi trường vui vẻ và theo chiến lược xây nhà từ móng. Theo đó, 3 tiêu chí quan trọng được đặt lên hàng đầu: Cường độ tập luyện, tính liên tục và chất lượng HLV.

Dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV): Xây nhà từ móng
FFAV đề cao vấn đề nam – nữ bình quyền.

Mỗi trường là một CLB và hiện tại có 172 CLB được thành lập tại các trường THCS và Tiểu học trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Đồ Sơn (Hải Phòng) với gần 17.000 học sinh tham gia, tập luyện ít nhất 2 buổi/1 tuần.

Mỗi CLB tự tổ chức, đứng ra tuyển chọn ở mọi lứa tuổi đáp ứng điều kiện đam mê và có nhu cầu tham gia.

Mỗi CLB gồm 80-100 em được chia thành 8-10 đội, phân loại để tăng cường giao lưu tập luyện. Với mục đích cho các em tương tác càng nhiều với bóng càng tốt, FFAV chú trọng đầu tư trang thiết bị tập luyện.

Học sinh tiểu học sẽ được tập các bài tập dành cho 3 người trong khi THCS tập sân 5 và 7. Các em sẽ được tập chung chứ không khu biệt khả năng của từng người để đảm bảo tính hòa đồng, tạo động lực cho các em tham gia. Tuy nhiên, vẫn có những bài tập khó để những em có triển vọng phát huy tài năng của mình.

Các bài tập chủ yếu tập trung vào các kĩ năng, trò chơi với bóng, kiểm soát bóng, vừa đá bóng vừa tạo cảm giác hứng thú với bóng, giúp các em không có cảm giác chán nản với bóng đá.

Đặc biệt, FFAV chú trọng đào tạo chất lượng đội ngũ HLV, bao gồm cán bộ phát triển cầu thủ, thường là giáo viên các trường và cán bộ phát triển CLB. Họ được tập huấn thường xuyên để đảm bảo cập nhật những bài tập mới, được cung cấp kho tài liệu trực tuyến với cấu trúc rõ ràng.

Hằng năm, các CLB tổ chức các giải bóng đá, tuyển chọn cầu thủ để tham dự Ngày hội bóng đá vui thu hút số lượng đông đảo các thành viên và các địa phương trên toàn quốc.

Không chỉ các em học sinh trong trường học tham gia, FFAV còn khuyến khích và tổ chức sinh hoạt cho các em ở các trung tâm bảo trợ xã hội trên toàn tỉnh. Ngoài hoạt động với bóng, các em được rèn luyện thêm kĩ năng sống và học nhân cách làm người.

Như “luật bất thành văn”, mỗi CLB thành lập phải đảm bảo cân đối 50% nam – 50% nữ để tạo điều kiện cho bóng đá nữ phát triển. Các em nữ sẽ được tập luyện, tham gia các giải đấu bình đẳng như các em nam.

Hiệu quả thiết thực

Vì dự án chỉ dành cho học sinh Tiểu học và THCS nên sau khi lên cấp 3, các em nữ ít có sân chơi. Bởi thế, FFAV cùng LĐBĐ Thừa Thiên Huế thành lập CLB bóng đá nữ Huế với thành phần là các em sinh viên, học sinh, công nhân trên địa bàn tỉnh.

Dự án “Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam” (FFAV): Xây nhà từ móng
Đỗ Ngọc Châm trong một lần đi thăm dự án FFAV.
FFAV đang ngỏ lời mời Quả bóng Vàng 2008 vào cương vị đại sứ hình ảnh của dự án.

“Hè rồi, em hủy chuyến đi du lịch vào Nam để tham gia chương trình Ngày hội bóng đá vui. Việc sinh hoạt và tham gia các hoạt động do FFAV tổ chức đối với chúng em rất bổ ích, nhất là với học sinh nông thôn vốn có rất ít sân chơi. Qua đây, chúng em có môi trường lành mạnh để vui chơi và kết bạn bốn phương”, em Nguyễn Đào Minh Giang, học sinh lớp 7/2 trường THCS Đặng Tất (huyện Quảng Điền) chia sẻ.

Cũng từ sinh hoạt đều đặn ở môi trường bóng đá học đường, nhiều em học sinh đã được Học viện HA.GL Arsenal JMG và lò PVF tuyển chọn. Tháng 7 vừa rồi, VFF chọn 13 em nữ tham gia đào tạo tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ QG. Trước đó 1 tháng, FFAV cùng VFF và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhân rộng mô hình Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam ra toàn quốc.

“FFAV có tác động lớn đến phong trào bóng đá Huế, tạo sự sôi nổi, thu hút số lượng lớn người tham gia bóng đá, phát triển cơ sở vật chất tại các trường học và nguồn để tuyển chọn, phát hiện nhân tài. Rất nhiều cầu thủ ở các lứa U của Huế từng sinh hoạt và tham gia bóng đá phong trào này”, ông Lê Ngọc Tư, TTK LĐBĐ Huế đánh giá.

“Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án này là học sinh khi các em có sân chơi bổ ích. Thông qua các hoạt động do FFAV tổ chức, ngành giáo dục đánh giá một cách khách quan về các phong trào TDTT diễn ra trong các trường học và bóng đá cũng là công cụ để các em phát triển các kĩ năng sống như giao tiếp, tính đoàn kết, phòng chống bom mìn, an toàn giao thông,… Ngoài ra, trên cơ sở các em tham gia sinh hoạt ở FFAV, ngành giáo dục còn tuyển chọn đội ngũ cầu thủ có chất lượng để tham gia các kì Hội khỏe Phù Đổng”, thầy Nguyễn Văn Viết Vũ, chuyên viên phụ trách giáo dục thể chất, Sở Giáo dục & Đào tạo Thừa Thiên Huế cho biết.

Trần Khánh

Dự án gặp khó khăn khi tiếp cận với các trường học ở vùng sâu vùng xa, khi đại bộ phận phụ huynh ít quan tâm đến sân chơi riêng dành cho trẻ em. Thế nên thật khó để phát triển đồng bộ giữa các trường trên toàn tỉnh”. – Anders Krystad – Giám đốc dự án FFAV.

“Tất cả học viện và đội bóng ở Thái Lan đều chú trọng bóng đá phong trào. Cuối tuần, họ mở các CLB tại trường học để thu hút học sinh tham gia. Họ đã làm điều này cách đây 20 năm và phát triển rộng khắp trên cả nước. Các em 13 tuổi trở lên được tách biệt thành các đội năng khiếu nhưng vẫn giữ môi trường để hòa đồng với các em khác. Trong khi đó, bóng đá phong trào ở Việt Nam mới chỉ phát triển ở Thừa Thiên Huế và chúng tôi cũng không thực sự đặt nặng vấn đề chuyên môn mà nhiệm vụ trọng tâm là tạo không gian vui chơi cho các em học sinh”. – Ông Lê Đình Chung -Trưởng bộ phận Chuyên môn so sánh giữa bóng đá phong trào tại Việt Nam và Thái Lan

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm