Chiến công tại AFF Suzuki Cup 2018 không chỉ là một "Happy Ending" cho thế hệ vàng mới của HLV Park Hang Seo mà đấy còn mở ra một chương mới cho BĐVN nói chung, ĐTVN nói riêng. Khi đội tuyển được tập trung trở lại vào hôm nay, thì cũng là lúc thầy trò họ chính thức chuẩn bị cho một khởi đầu mới...
HLV Park Hang Seo tiết lộ câu nói giúp ĐT Việt Nam thắng ĐT Malaysia tại chung kết AFF Cup 2018
Một thoáng lịch sử, và niềm hy vọng mới
VCK Asian Cup là nơi hội tụ những "tinh hoa" của bóng đá châu lục, nơi các đội tuyển gần như chắc chắn sẽ đem tới lực lượng mạnh nhất có thể. Theo tính chất ấy, các đội Đông Nam Á – nơi vẫn bị xem như một "vùng trũng của bóng đá thế giới", trong đó có Việt Nam, thật khó có cơ hội cạnh tranh những thứ hạng cao.
Nhưng trong lịch sử, đại diện của bóng đá Việt Nam (khi đó là đội tuyển của miền Nam Việt Nam) từng 2 lần góp mặt tại các VCK Asian Cup (giải vô địch bóng đá châu Á) vào các năm 1956 và 1960; thậm chí trong cả 2 kỳ giải ấy, đại biểu của bóng đá Việt Nam đều từng 2 lần đứng hạng 4 của châu lục. Một kết quả thật đáng nể?
Nhưng sự thật là, trong cả 2 kỳ đầu tiên ấy (cộng thêm giải lần thứ 3 năm 1964), VCK châu Á đều chỉ có... 4 đội tham dự mà thôi, tổ chức đá vòng tròn để phân thứ hạng. Đội tuyển miền Nam khi ấy đều được tham dự với tư cách là đội vượt qua vòng đấu loại khu vực "trung tâm châu Á". Năm 1956, thứ hạng sau cùng của VCK lần lượt là Hàn Quốc, Israel, Hong Kong và Việt Nam (đội tuyển miền Nam); năm 1960, Hàn Quốc và Israel tiếp tục dẫn đầu, kế tiếp là Trung Quốc và Việt Nam. Sau đó, vì điều kiện chính trị - xã hội không cho phép, Việt Nam đã vắng bóng ở giải đấu này trong suốt thời gian dài.
Mãi tới năm 2007, khi Việt Nam là 1 trong 4 nước của khối ASEAN đăng cai vòng đấu bảng, cùng với Thái Lan, Malaysia và Indonesia thì mới là lần thứ 3, bóng đá Việt Nam được góp mặt tại đấu trường này, nhưng là lần đầu tiên, đội tuyển của đất nước Việt Nam thống nhất tham dự giải. "Thế hệ vàng thứ 2" của đội tuyển Việt Nam khi ấy do HLV Alfred Riedl dẫn dắt đã làm nên lịch sử khi là đại diện duy nhất của Đông Nam Á giành 1 trong 2 tấm vé của bảng đấu (chỉ sau Nhật Bản, trên cả Qatar lẫn UAE) để vào vòng tứ kết, sau đó chỉ chịu dừng bước trước đội tuyển Iraq – đội sau đó giành ngôi vô địch.
Một điều rất thú vị là với nòng cốt ấy, sau đó 1 năm, ĐTVN dưới sự huấn luyện của "phù thủy" Calisto đã giành ngôi vô địch AFF Cup!
Không ngờ phải tới 12 năm sau, đội tuyển VN mới lại thêm 1 lần góp mặt tại đấu trường này. Và giờ đây, dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo, "thế hệ vàng thứ 3" của ĐTVN vừa mới lần thứ 2 vô địch Đông Nam Á trước thềm Asian Cup 2019.
HLV Park Hang Seo: "Văn Quyết đủ khả năng dự Asian Cup 2019 nhưng..."
Thầy Park luôn biết nhìn xa...
Nguồn cảm hứng từ AFF Suzuki Cup 2018 vẫn còn hôi hổi. Đội tuyển Việt Nam đã vô địch bằng thế hệ trẻ trung và rất đỗi tài năng. Nòng cốt của đội tuyển vừa vô địch Đông Nam Á chính là thành phần từng tạo nên "cơn địa chấn Thường Châu", sau đó là tốp 4 Asiad – những giải đấu cấp châu lục, nhưng giới hạn độ tuổi.
Một năm đã qua với những bước thăng tiến thật sự kỳ diệu, phải chăng chúng ta có thể tiếp tục kỳ vọng rằng đội tuyển bóng đá Việt Nam – với tư cách đội bóng số 1 của khu vực – sẽ tiếp tục tạo nên một kỳ tích nữa ở đấu trường lớn nhất của bóng đá châu Á?
Nhưng thầy Park thêm một lần cho thấy ông... khó lường như thế nào. Trong khi gần như toàn bộ những trụ cột tại AFF Cup vừa qua tiếp tục có tên trong bản danh sách 27 cầu thủ vừa được HLV Park Hang Seo công bố, thì trong đó lại vắng đi 2 cái tên đáng chú ý là Anh Đức và Văn Quyết, đồng thời "thầy Park" gọi lên tuyển 7 cầu thủ không có mặt trong "chiến dịch AFF" (5 trong số ấy mới chỉ 20-21 tuổi, vừa tham dự VCK U-21 báo Thanh Niên và giải U-21 quốc tế 2018). Bởi chấn thương nên Quyết đã không thể đóng góp trong những trận cuối cùng của đội tuyển tại AFF Cup; nhưng sự vắng mặt của Anh Đức thì thật khó lý giải. Phải chăng HLV Park Hang Seo muốn tận dụng cơ hội này để tiếp tục tìm thêm nhân tố mới?
Những tranh cãi, đồn đoán đã xuất hiện khá nhiều. Nhưng thiết tưởng chúng ta cũng nên nhớ lại những quyết định thay đổi nhân sự cực kỳ chính xác của thầy Park trong thời gian qua. Chính ông là người gọi Văn Đức vào giờ chót, rồi như kéo chàng trai trẻ này "bước ra từ bóng tối". Chính ông từng khiến ngay cả các nhà chuyên môn dày dạn trong nước phải ngớ người khi loại Đinh Thanh Trung. Và, cũng chính ông là người quyết định "trám" Trọng Hoàng vào vị trí của Văn Thanh để lại... Thầy Park luôn có lý do riêng cho mỗi quyết định ấy, và chúng ta chỉ có thể gật gù ghi nhận khi những điều chỉnh, thay đổi của ông đem lại hiệu quả!
Từ góc nhìn của mình, tôi cho rằng thầy Park đang muốn tiếp tục công cuộc tìm kiếm thêm những nhân tố mới, song song với việc trẻ hóa đội tuyển. Năm 2019, sau Asian Cup còn một giải đấu rất được chờ đợi dành cho lứa tuổi U-22 (sinh năm 1997 trở lại đây), nên việc ông bổ sung Đinh Thanh Bình, Phan Thanh Hậu, Ngô Tùng Quốc, Nguyễn Thành Chung và Nguyễn Hoàng Đức cũng chính nhằm mục đích muốn tìm kiếm thêm nhân sự, bên cạnh những cái tên nổi bật ở độ tuổi này như thủ môn Bùi Tiến Dũng; hậu vệ Bùi Tiến Dũng, Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu; tiền vệ Nguyễn Quang Hải, Phan Văn Đức; tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh...
Thầy Park luôn có lý và rất biết nhìn xa, thực tế đã cho thấy điều ấy. Hãy cùng tin ở ông!
VCK Asian Cup 2019 là kỳ giải VĐ châu Á thứ 17, diễn ra tại UAE từ 5/1-1/2.
Đây là lần đầu tiên giải có 24 đội tham dự (các kỳ trước chỉ có 16 đội), chia làm 6 bảng.
ĐTVN nằm cùng bảng D với các đối thủ: Iran (hạng 29 thế giới), Iraq (hạng 88) và Yemen (135). Các đội xếp thứ 1-2 của 6 bảng và 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất giành vé vào vòng 1/8.
Hướng dẫn cách mua vé và giá vé xem ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019