Calisto qua tự truyện của Công Vinh
Lê Công Vinh đã viết về HLV Calisto trong tự truyện “Phút 89” là: “Nếu phải mô tả về HLV trưởng đội tuyển Việt Nam giai đoạn 2008-2011 là Henrique Calisto, tôi sẽ dùng từ “người không biết sợ”.
Calisto không phải mẫu “điếc không sợ súng”. Ông không điếc mà vẫn biết cây súng đáng sợ đó, nhưng ngay cả khi súng chĩa vào người, cũng đừng mong ông lộ ra một chút khiếp nhược. Tôi nghĩ những HLV ngoại muốn thành công ở Việt Nam, trước hết phải không biết sợ. Không phải là “không sợ súng” mà là “không sợ Liên đoàn”.
Là một HLV trưởng, Calisto chịu sức ép từ người hâm mộ đã đành, ông còn chịu sức ép ngàn cân từ truyền thông và Liên đoàn. VFF chưa bao giờ nổi tiếng bởi sự kiên nhẫn trong khi bệnh thành tích (dù chỉ là thành tích… giao hữu) là vấn đề thâm căn cố đế của bóng đá Việt Nam.
Nhưng Calisto không xa lạ gì Liên đoàn bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Ông đã sống và làm việc ở mảnh đất hình chữ S này suốt 7 năm trước đó. Ông va chạm hết tất cả mọi người trong làng bóng đá Việt Nam, từ cầu thủ, trọng tài đến quan chức Liên đoàn. Nên ông rất biết lúc nào nên nhu, lúc nào nên cương. Đấy là HLV thuộc hàng… Việt Nam nhất trong số các HLV ngoại tôi từng làm việc cùng. Và truyền thông cũng gọi ông bằng cái tên rất Việt Nam: Thầy Tô”.
Nói về thế mạnh của HLV Calisto, Công Vinh cho rằng: “Không phải nhà chiến thuật xuất chúng, nhưng HLV Calisto là người cực giỏi về tâm lý. Mà đội tuyển Việt Nam xưa nay yếu nhất là vấn đề tâm lý.
Ông biết cầu thủ Việt Nam trọng tình cảm nên tạo ra bầu không khí gia đình trong đội. Calisto như một người cha, vừa nghiêm khắc nhưng cũng vừa ân cần. Và ông cũng luôn biết gắn kết cầu thủ thành một khối. Khi áp lực từ mạch trận giao hữu chệch choạc lên đến cao trào, ông triệu tập một cuộc họp và nói với chúng tôi: Ở ngoài kia có nhiều người muốn tôi nghỉ. Nên giờ tôi cho các anh bỏ phiếu. Nếu số phiếu thuận đông thì tôi làm. Nếu số phiếu chống nhiều hơn, tôi cam kết từ chức ngay. Kết quả cuộc bỏ phiếu ấy không cần nói thì mọi người cũng biết. Bởi vì chúng tôi có niềm tin là đội tuyển sẽ thành công”.
Đặc biệt, Lê Công Vinh cũng đã tiết lộ những chi tiết khá thú vị là: “Calisto là HLV đầu tiên, và cũng là duy nhất cho đến nay khuyến khích các cầu thủ đi chơi. Ngày nghỉ, Calisto mà thấy ai lởn vởn trong khách sạn là ông tống cổ ra đường đi chơi ngay. Và đã đi chơi thì phải ăn mặc cho thật đẹp. Ông nhấn mạnh: Khi ra đường, các anh dứt khoát phải ăn mặc cho đàng hoàng, vì các anh là đại diện của quốc gia. Các anh không thể để người Việt Nam mang tiếng.
Ông không cấm các cầu thủ uống rượu. Ông thậm chí còn đi bar chung với các cầu thủ bình thường. Nhưng sang hôm sau tập, cấm ai được phép chểnh mảng. Chơi hết mình, tập hết mình và thi đấu cũng hết mình. Đấy là phương châm làm việc của Calisto”.
Vì sao Calisto thành công?
Cho đến thời điểm hiện tại, HLV Calisto vẫn được đánh giá là người thành công nhất trong số các thầy ngoại đến làm việc với BĐVN. Sau những thành công cùng Đồng Tâm Long An ở V.League, năm 2002, Calisto nhận lời dẫn dắt ĐT Việt Nam. Ông đã mang về tấm HCĐ Tiger Cup 2002 và khai sinh ra một thế hệ cầu thủ tài năng như Tài Em, Trường Giang, Xuân Thành, Minh Phương…
Năm 2008, HLV Calisto “tái duyên” cùng ĐT Việt Nam và lần đầu tiên giành chức vô địch Đông Nam Á. Sau đó, HLV người Bồ Đào Nha có thêm 1 HCB SEA Games 2009 và HCĐ AFF 2010 trước khi chia tay.
HLV Calisto là người am hiểu về BĐVN khi từng có quãng thời gian 10 năm làm việc tại đây trên cả cương vị HLV ĐTQG lẫn CLB Đồng Tâm Long An. Và ông không chỉ hiểu cầu thủ mà chính sự hoà nhập văn hoá bản địa đã giúp vị HLV người Bồ có được những thành công.
Ông là người am hiểu lịch sử và rất thuộc lịch sử Việt Nam, ông Calisto đã truyền lửa cho các cầu thủ Việt Nam bằng cách khơi dậy tinh thần dân tộc. Điều này đã được minh chứng tại AFF Cup 2008, sau trận ra quân thua ĐT Thái Lan 0-2, HLV Calisto đã dành nhiều thời gian để nói chuyện với các cầu thủ và vực dậy tinh thần chiến đấu cho các học trò chính từ “tinh thần dân tộc”. Sau đó, tuyển Việt Nam cũng đã đi một lèo đến chức vô địch nhờ nút mở của tâm lý được thấm nhuần từ “phù thuỷ” Calisto.
Ông Calisto là một người phương Tây, theo đạo Thiên chúa giáo. Ông vẫn có thói quen đi nhà thờ để cầu nguyện trước những trận đấu, giải đấu quan trọng, thế nhưng, ông cũng sẵn sàng chấp nhận hoà nhập với văn hoá tâm linh bản địa. Năm 2010, trước khi bước vào trận đấu quyết định với Singapore ở vòng bảng AFF Cup, VFF có đi "xem thầy” với tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Tin rằng tuổi của HLV Calisto rất kỵ với ngày giờ đội tuyển thi đấu, để tránh điều xấu khi di chuyển từ khách sạn đến sân, ông không được đi chung xe với các cầu thủ.
Thế rồi chính PCT VFF lúc ấy là ông Nguyễn Lân Trung đã thuyết phục và là người lái xe riêng đưa Calisto đến sân Mỹ Đình. Trận đấu đó, tuyển Việt Nam giành chiến thắng 1-0 và giành vé vào bán kết. Dẫn ra câu chuyện bên lề ấy để thấy được, Calisto đã ăn cơm Việt và cũng dung hoà được với văn hoá bản địa tốt như thế nào.
Trong cuốn sách “Ơ kìa làng bóng trong mắt tôi”, nhà báo Phan Đăng có trích đăng một đúc kết của HLV Calisto về cầu thủ Việt Nam cho thấy sự quan sát và tinh tế của ông là: “Tôi thấy nhiều cầu thủ Việt Nam chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình, gia đình mình, quả bóng và chấm hết. Họ không nghĩ tới những biến động của thời cuộc, của nhân loại để thấy rằng mình vẫn sướng hơn rất nhiều người khác. Thành ra khó khăn một tý là họ kêu ca, và có nhiều người vì thế mà sụp đổ.
Tôi muốn họ hiểu biết hơn và mạnh mẽ hơn. Tôi từng nói với họ rằng: Khi tấn công Ai Cập, Naponeon tự nhủ là mình đang đối diện với 2.000 năm văn minh. Và khi ra trận, các cầu thủ cũng tự nhủ mình đang đối diện với cả chục triệu fan hâm mộ”.