Thực tế dù ở tầm châu lục, nhưng cả Asiad 2018 cũng như VCK U23 châu Á 2018 đều là những giải đấu cấp độ trẻ. Tại Asiad 2018, ngoại trừ số ít đội như Hàn Quốc hay Việt Nam mang đến giải đấu đầy đủ lực lượng mạnh nhất với thành phần U23+3, phần còn lại đều chỉ sử dụng đội hình trẻ. Lý do bởi hầu hết đều xem đây là cơ hội cho các cầu thủ trẻ cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm thi đấu hơn là nhắm tới chiếc HCV.
Với riêng Việt Nam, ngay từ đầu Asiad 2018 đã được LĐBĐVN (VFF) và HLV Park Hang Seo xác định là giải đấu bước đệm cho AFF Cup 2018. Cũng vì vậy, VFF không đặt chỉ tiêu cụ thể với tuyển Olympic Việt Nam, trong khi ông Park “tranh thủ” triệu tập những gương mặt để dành cho AFF Cup 2018. Dù chỉ ở cấp độ khu vực, AFF Cup 2018 là giải đấu của các ĐTQG, có tính cạnh tranh rất cao.
Thầy trò HLV Park Hang Seo đang tích cực tập luyện tại Hàn Quốc. Ảnh: Trung Thu
Bản thân HLV Park Hang Seo cũng thừa nhận, AFF Cup 2018 hay ngay sau đấy như Asian Cup 2019 là những giải đấu có tính chất rất khác so với các giải trẻ Việt Nam từng dự tranh. Ông Park đồng thời cũng chia sẻ áp lực rất lớn, đội tuyển Việt Nam và ông đang phải gánh khi bước vào chiến dịch tranh vàng ở AFF Cup 2018. Một trong số đó là nỗi lo lắng, nếu thi đấu không thành công, đội tuyển Việt Nam có thể bị mang ra “mổ xẻ, phân tích”.
Chuyện này thực ra không lạ với bóng đá, và chắc chắn không chỉ xảy ra riêng ở Việt Nam. Trên thế giới, các đội bóng lớn khi thua trận hoặc thất bại ở một giải đấu cụ thể đều có thể phải hứng chịu chỉ trích rất nặng nề của truyền thông, giới hâm mộ. Tuyển Hà Lan khi mất vé tham dự World Cup 2018, hay “cỗ xe tăng” Đức sau trận thua muối mặt 0-2 Hàn Quốc ở giải đấu này là ví dụ. Thất bại của đội tuyển Hà Lan thậm chí còn dẫn tới những biến động mạnh ở thượng tầng bóng đá nước này, là LĐBĐ Hà Lan.
Ở Việt Nam, chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG luôn là một trong những chiếc ghế “nóng” nhất. Tuyển Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt HLV bị “trảm”, người ngồi lâu thì dăm năm, người ngắn thậm chí chỉ dăm tháng. Sau thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam ở Indonesia, HLV người Đức Falko Goetz đã bị sa thải. Một người tưởng không liên quan gì đến chuyên môn của đội là nguyên TTK Trần Quốc Tuấn, khi đó giữ vai trưởng đoàn, cũng chịu trách nhiệm liên đới, phải từ chức.
Đi liền với sự yêu mến của người hâm mộ luôn là đòi hỏi và cũng là áp lực cực lớn đối với đội tuyển Việt Nam. Trong hơn một thập kỷ qua, bóng đá Việt luôn trong tâm thái so bì và đua tranh với người Thái, cho dù tương quan giữa đôi bên chưa bao giờ cân bằng nhau.
Bóng đá, suy cho cùng, phản ảnh một phần bức tranh xã hội tổng thể. Thái Lan đâu chỉ hơn Việt Nam trong lĩnh vực bóng đá. Giữa Thái Lan và Việt Nam còn là khoảng cách hàng chục năm về kinh tế, tăng trưởng GDP, cơ sở vật chất kỹ thuật đến hàng loạt lĩnh vực khác. Khi người Việt tự hào vì có một học viện gắn tên với Arsenal, người Thái đã mua hẳn cổ phần một đội bóng lớn ở giải Ngoại hạng Anh. Liệu rằng có ai trong chúng ta tự tin, tình yêu bóng đá của người Việt lớn hơn so với người Thái, hay các quốc gia khác trong khu vực?
“Kẻ thắng làm vua”, đấy là câu nói khá phổ biến trong giới bóng đá. Người chiến thắng nhận sự tung hô, ngợi ca còn kẻ thua có thể chìm trong chỉ trích. Nỗi lo của HLV Park Hang Seo thực ra là câu chuyện rất phổ biến trong bóng đá. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh cụ thể của bóng đá Việt Nam, nó có thể khiến chúng ta buộc phải suy nghĩ. Đâu là giới hạn và năng lực của bóng đá Việt Nam, để những ông thầy lỡ có thất bại và lâm vào cảnh chịu chỉ trích tứ bề, cũng không cảm thấy đang phải hứng chịu sự bất công?