Như tất cả các môn thể thao khác, trọng tài bóng rổ luôn phải đối mặt với những áp lực vô hình. Cứ sau mỗi trận đấu, HLV và cầu thủ đội thua sẽ không bằng lòng, phàn nàn về các quyết định của trọng tài, cổ động viên trách móc, thậm chí là chửi rủa để phần nào thoả mãn nỗi buồn thất bại.
Đó dường như là vấn đề muôn thuở mà những người cầm cân nảy mực phải chấp nhận. Như cách mà một trọng tài giấu tên chia sẻ: "Chúng tôi cứ giải thích nhưng đội thua và cổ động viên sẽ chẳng bao giờ lắng nghe!"
Sau khi chịu hàng tá áp lực trên sân, họ trở về nhà và thường xuyên phải trốn tránh mạng xã hội, bởi nếu vô tình lướt Facebook sẽ gặp rất nhiều tình huống mổ xẻ, tranh cãi và vô số lời chửi rủa vô cùng nặng nề.
Bóng rổ là môn thể thao đặc thù với diễn biến đầy tốc độ, các trọng tài vì thế phải giữ sự tập trung cao độ. Chỉ cần một chút sơ sảy và nhận định sai tình huống, họ sẽ trở thành tâm điểm chỉ trích. Còn nếu may mắn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó giống như là điều đương nhiên, sẽ chẳng có lời khen hay tán thưởng nào dành cho họ!
"Trọng tài chỉ là một phần của trận đấu, chúng tôi không phải là tất cả. Chẳng trọng tài nào có thể khẳng định mình không sai, chẳng cầu thủ nào có thể khẳng định họ không mắc lỗi. Họ bỏ lỡ một tình huống lên rổ ngon ăn, họ bị cười nhạo và chỉ trích một ngày, một tuần. Còn nếu chúng tôi mắc lỗi, chúng tôi bị cả cộng đồng lên án, thậm chí ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội nghề nghiệp," một trọng tài giấu tên tâm sự.
Giữa vô vàn áp lực đó, người ta vẫn tự hỏi mức thu nhập của một trọng tài là bao nhiêu? Và con số đó có đáng để đánh đổi? Câu trả lời có thể khiến bạn phải giật mình!
Theo tìm hiểu tại các giải VĐQG, một trọng tài chạy nhận mức lương 85.000 đồng/trận, trọng tài bàn nhận mức lương 65.000 đồng/trận. Ngoài ra họ được hỗ trợ 150.000 đồng tiền ăn/ngày, cộng thêm mức hỗ trợ của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam (VBF) dao động từ 85.000 - 200.000 đồng/ngày (tuỳ từng giải).
Nếu tính kịch khung tiền hỗ trợ của VBF là 200.000 đồng/ngày như giải VĐQG 2020 vừa qua tại Nha Trang, một trọng tài nhận được trên dưới 5 triệu đồng cho 10 ngày diễn ra giải. Trừ đi 3 bữa tiền ăn và các phụ phí khác, họ mang về cho gia đình khoảng... 1-2 triệu đồng, cho 10 ngày đi công tác.
Trường hợp tương tự diễn ra tại giải Trẻ Quốc gia 2020 vừa qua tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các trọng tài cũng chỉ nhận mức lương 6-7 triệu đồng, trong khoảng thời gian lên tới 3 tuần làm việc tại đây. Với mức thu nhập như vậy lại phải đi xa nhà và tự túc ăn uống, không phải bù lỗ đã là một thành công.
Đó là trong trường hợp thuận lợi khi các trọng tài biết tính toán và chắt bóp, nếu hơi "hoang tay" một chút họ sẽ phải bỏ tiền túi cho những chuyến công tác dài ngày như vậy. Thực tế theo chia sẻ của rất nhiều trọng tài, trường hợp tiêu tiền vượt khung là không hiếm. Đó là chưa kể có giải đấu trọng tài còn bị giữ lại 10% tiền thuế thu nhập cá nhân, nhưng cũng không được nhận lại hoá đơn hoàn thuế.
Như một lẽ tất yếu, khi đi công tác dài ngày lại chẳng mang được đồng nào về cho gia đình, họ nhận thêm những áp lực rất lớn từ chính mái ấm của mình. Nếu đặt vào hoàn cảnh của một người vợ, thật khó cảm thông khi chồng cứ đi biền biệt mà chẳng mang được đồng nào về phụ giúp gia đình. Nếu đặt vào hoàn cảnh cha mẹ, nhìn thấy con mình đi làm vất vả vẫn bị người hâm mộ chửi hàng ngày, ai mà không xót?
Những trách nhiệm của người con, người chồng, người cha vì thế bị đặt dấu hỏi rất lớn. Không ít trọng tài nỗ lực làm việc trên sân, sau đó về nhà nhận những tin nhắn trách móc của cha mẹ, vợ và thậm chí cả con mình!
Mọi thứ sẽ còn tệ hơn rất nhiều khi họ mang tiền nhà đi trang trải những ngày tháng làm việc xa gia đình. Cuối cùng những vị trọng tài lại nhận thêm những áp lực vô hình, từ chính nơi họ muốn quay về sau mỗi chuyến đi làm giải.
Vì thế có một thực tế chẳng lấy gì làm vui vẻ, rằng khá nhiều trọng tài VBF lỡ dở hôn nhân, có người lựa chọn đi bước nữa, có người quyết định độc thân vì chẳng thể giải bài toán thu nhập. Cuối cùng chính những người được cho là quyền lực nhất trên sân bóng lại là người thiệt thòi và bế tắc nhất trong cuộc sống!
Chắc hẳn nếu biết về mức lương trọng tài, nhiều người sẽ đặt câu hỏi vì sao họ phải đánh đổi như vậy? Tại sao không bỏ để đi theo nghề khác,...? Đương nhiên việc đặt câu hỏi là rất dễ, chỉ có đi tìm câu trả lời là luôn khó khăn.
Đa số trọng tài bóng rổ Việt Nam đi lên từ cầu thủ, họ trải qua những trận thi đấu, trau dồi kinh nghiệm và gây dựng niềm đam mê với chiếc còi trên môi. Khi đã hạ quyết tâm theo nghề, giờ đây họ không còn nhiều sự lựa chọn công việc.
"Nói vui thì bây giờ nghỉ cũng không biết làm gì, dù rất nhiều anh em muốn nghỉ. Nhiều khi nghĩ chạy trên sân hùng hục 2 tiếng mà chỉ được 85 ngàn, có khi không bằng ra chợ người làm cửu vạn," một trọng tài chia sẻ trong cay đắng.
Mức thu nhập bèo bọt, nhận vô vàn áp lực từ phía cầu thủ, đội bóng, người hâm mộ và cả gia đình chỉ là bề nổi của nghề trọng tài bóng rổ tại Việt Nam. Ở phần II, hãy cùng tìm hiểu Liên đoàn bóng rổ Việt Nam đã hỗ trợ được những gì cho trọng tài? Những áp lực vô hình nào đang bủa vây các trọng tài? Họ còn khổ sở như thế nào?
20h mùng 5 Tết - 16/2: VBF đang hỗ trợ hay xát thêm muối vào nỗi đau của các trọng tài?