Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia

thứ tư 1-8-2018 10:09:54 +07:00 0 bình luận
Trong khi Juventus thực hiện cuộc chuyển nhượng thế kỷ với Cristiano Ronaldo thì ở một nơi khác tại Italia, những CLB lâu đời như Bari, Cesena, Reggiana đang đối mặt nguy cơ bị "rút ống thở"...

Trong khi Juventus thực hiện cuộc chuyển nhượng thế kỷ với Cristiano Ronaldo thì ở một nơi khác tại Italia, những CLB lâu đời như Bari, Cesena, Reggiana đang đối mặt nguy cơ bị "rút ống thở"...

Juventus đã hoàn tất thương vụ đình đám với Cristiano Ronaldo bằng cách chi tổng cộng 117 triệu euro phí chuyển nhượng và trả mức lương 500.000 euro/tuần cho ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 1.

Ronaldo được người hâm mộ Juventus chào đón tưng bừng

Nhưng Ronaldo mới chỉ chiếm khoảng một nửa so với tổng cộng 222 triệu euro mà nhà đương kim vô địch Serie A đầu tư trên thị trường chuyển nhượng mùa hè này.

Sự xuất hiện của Ronaldo ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Juventus, tăng đột biến số lượng bán áo đấu CLB cũng như khiến giá vé xem mùa giải mới tăng chóng mặt.

Rõ ràng, bản hợp đồng với Ronaldo chẳng khác nào một cuộc cách mạng cho Calcio với hứa hẹn rằng anh sẽ nâng tầm Serie A lên cấp độ chưa từng thấy kể từ thập niên 1990 và nhiều người sẽ được hưởng lợi.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 2.

Sự xuất hiện của Ronaldo đã tác động mạnh đến bóng đá Italia

Nhưng ở cách xa thành phố Torino, nơi Ronaldo vừa ra mắt hoành tráng cùng Juve, bầu không khí u ám lại bao trùm 3 CLB có lịch sử lâu đời của bóng đá Italia. 

Tất cả đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa những ông lớn ở cấp bậc cao nhất với những kẻ nghèo khổ ở phía dưới.

Cả Bari và Cesena ở Serie B, cũng như Reggiana ở Serie C đều bị từ chối cấp giấy phép thi đấu cho mùa giải sắp tới do vấn đề tài chính. Sự kiện này khó có thể gây ngạc nhiên cho bất cứ ai theo bóng đá Italia.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 3.

Từ chỗ tranh suất play-off lên hạng tại Serie B mùa trước, Bari bị đẩy xuống Serie D do khó khăn về tài chính

Kể từ khi Fiorentina bị phá sản vào năm 2002, 153 CLB ở đất nước hình chiếc ủng đã tái lập, sáp nhập với các CLB khác hoặc biến mất hoàn toàn. 

Ba CLB đã bị đẩy từ Serie B xuống Serie D mùa hè này do vấn đề tài chính mặc dù không ai kết thúc mùa giải trong khu vực xuống hạng.

Bằng cách này hay cách khác, hầu hết các CLB này đều trở lại. Các pháp nhân mới được thành lập, chủ sở hữu mới được tìm thấy và các CLB bắt đầu lại ở các giải đấu thấp hơn. Một số phục sinh từ đống tro tàn và phát triển mạnh.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 4.

Parma đã hồi sinh từ đống tro tàn, lên 3 hạng trong 3 năm

Minh chứng có thể kể đến Napoli, đội đã được tái sinh vào năm 2004, suýt giành chức vô địch Serie A mùa giải trước và là khách hàng thường xuyên của Champions League gần đây. Parma, thành viên nhóm 7 chị em ngày nào, vừa trở lại ở hạng đấu cao nhất hồi tháng 5, 3 mùa sau khi bị đẩy xuống tận hạng 4.

Nhưng quá trình phục sinh có thể kéo dài và gây đau đớn cho người hâm mộ. Đây là một kinh nghiệm mới cho Bari, CLB được thành lập vào năm 1908, và Cesena, đội đã trải qua các giải đấu chuyên nghiệp từ năm 1940.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 5.

HLV lừng danh Antonio Conte từng có thời gian thành công với Bari

Vào tháng 5/2014, sau 3 thập kỷ trong tay gia đình Matarrese, Bari đã có chủ sở hữu mới, với cựu trọng tài Gianluca Paparesta đại diện cho một tập đoàn sẵn sàng trả 4,8 triệu euro mua CLB trong phiên đấu giá phá sản. 

Nhà Matarreses ra đi để lại tình trạng trì trệ trong 3 năm và khoản nợ tích lũy 30 triệu euro.

Sinh ra ở Bari, Paparesta đã tìm thấy một nhà đầu tư giàu có vào năm 2016. Doanh nhân người Malaysia, Noordin Ahmad đạt được thỏa thuận sơ bộ để mua 50% cổ phần của CLB, trong khi ông trùm Cosmo Giancaspro, người mua lại 5% cổ phần vào tháng 12/2015, được công bố là chủ tịch mới.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 6.

Matarreses ra đi để lại khoản nợ và sự trì trệ cho Bari

Tuy nhiên sau đó, Giancaspro và công ty Kreare Impresa thuộc sở hữu của mình đều bị điều tra về cáo buộc rửa tiền. Từ đó trở đi, bầu không khí xung quanh CLB đã thay đổi. Kế hoạch tái thiết sân vận động San Nicola bị từ chối.

Bari dù được cung cấp một hợp đồng thuê sân dài hạn và tự do khai thác mặt sân, nhưng khi không có tiền, các kế hoạch bị hoãn lại và San Nicola bị bỏ rơi, điều phản ánh sâu sắc tình hình bi đát ở hậu trường.

Vào tháng 1/2018 đã xuất hiện những tin đồn về tiền lương không được trả khiến Bari bị cơ quan thuế "sờ gáy".

Tệ hơn, trong tháng 3, tất cả xác nhận rằng CLB nợ 16 triệu euro. Không có tài sản để gây quỹ, quảng cáo là niềm hy vọng duy nhất của họ. 2 điểm bị trừ do tài chính bất thường khiến cho mục tiêu lên Serie A khó khăn hơn.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 7.

Sân San Nicola của Bari thời còn thu hút đông đảo khán giả

Nghịch cảnh hơn, nguồn cung cấp nước của sân vận động đã bị cắt giảm trong tháng trước do một hóa đơn trị giá 6.000 euro chưa thanh toán. Rốt cuộc, Giancaspro, hiện đang bị điều tra về những bất thường tài chính, đã rời khỏi Bari.

Sân San Nicola được đánh giá cao về kiến trúc - được gọi là "Tàu vũ trụ" - ban đầu được xây dựng cho giấc mộng đêm Hè - Italia 90 và từ lâu đã là một nguồn tài nguyên, nhưng cả CLB lẫn hội đồng thành phố đều không thể tìm ra giải pháp duy trì phát triển bền vững.

Đó là một câu chuyện quen thuộc ở Italia khi các CLB tìm cách để duy trì "sự sống" cho các sân vận động thuê của thành phố. Trước đây, ngay cả Juventus cũng không thể lấp đầy sân Delle Alpi và cuối cùng nỗ lực bằng mọi cách để sở hữu sân riêng, Juventus Stadium, nhỏ hơn nhưng hiện đại và tiết kiệm chi phí hơn.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 8.

Không "nuôi" nổi Delle Alpi, Juventus phải xây sân mới với chi phí ít hơn và tiết kiệm hơn

Đối với Bari, việc CLB việc tăng giá vé trong thời kỳ Giancasparo càng khiến cho sân San Nicola vắng khán giả hơn. Nếu như CLB từng thu hút 50.000 khán giả đến sân trong trận đấu với Latina tại Serie B vào năm 2014 thì họ chỉ có thể bán 20.000 vé cho trận đấu với Novara trong năm 2016.

Tuy nhiên, mọi thứ không phải là kết thúc. Kế hoạch hồi sinh Bari được bắt đầu khi Chủ tịch Napoli, Aurelio De Laurentiis và công ty Filmauro của mình trở thành chủ sở hữu mới của CLB.

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 9.

Ông trùm ngành phim ảnh Aurelio De Laurentiis tiếp quản Bari với hy vọng hồi sinh CLB

"Con gà trống (biểu tượng của Bari) đã không còn kiêu hãnh ưỡn ngực gáy vang nữa! 110 năm lịch sử CLB màu đỏ và trắng đã thất bại", Ricci -một người hâm mộ lâu năm của Bari nói. 

 "Nhưng Bari không bao giờ chết. Người dân Bari không bao giờ chết. Sự phục sinh sẽ bắt đầu lại từ Serie D. Chúng ta sẽ ở đó với chiếc khăn của chúng ta, hát, tôn vinh ngày hôm nay, ngày hôm qua và mãi mãi màu trắng và đỏ".

Ronaldo hào nhoáng và mặt trái tăm tối của bóng đá Italia - Ảnh 10.

Sự hiện diện của một siêu sao hào nhoáng như Ronaldo, dù ở tuổi 33, liệu có giúp thắp lên hy vọng hồi sinh cho nền bóng đá vốn chìm phần lớn trong mảng tối nhiều năm qua?

Bari và Cesena, sẽ lấy cảm hứng từ các CLB như Napoli và Fiorentina, những đội bóng đã hồi sinh sau khi chịu số phận tương tự, trong khi Reggiana sẽ cố gắng tránh những sai lầm mà họ mắc phải sau lần cuối cùng hồi sinh vào năm 2005.

Có thể các CLB có tên mới, sân vận động mới, đối thủ mới và chủ sở hữu mới, nhưng người hâm mộ vẫn không đổi. Không có con số, điều tra và báo cáo pháp lý nào có thể lấy đi niềm đam mê của những người sẽ tiếp tục cung cấp sự sống cho CLB thân yêu của mình.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm