Paul Pogba sẽ chẳng có giá cả 100 triệu euro, nếu đội mua không phải Man Utd. Sự thực các đội bóng Anh đang bị “chặt chém” trên thị trường chuyển nhượng.
Đào mỏ EPL
Vấn đề trên chẳng quá mới mẻ, nhưng nó lại vừa được hâm nóng khi một trong những nhân vật môi giới cầu thủ rất có uy tín (đề nghị giấu tên) chia sẻ với báo giới Anh.
“Nên hiểu thế này, giờ có 2 mức phí chuyển nhượng, 1 dành riêng cho Premier League và 1 dành cho phần còn lại”, người môi giới giấu tên tuyên bố trên tờ Mirror. “Ở mọi nơi, đặc biệt vùng Scandinavia, họ đều hỏi bên mua cầu thủ là CLB ở đâu. Nếu là CLB tại Premier League, giá chuyển nhượng lập tức tăng gấp đôi”.
Nói có sách, mách có chứng. Đội bóng hàng đầu Premier League, Man Utd đã đạt được thỏa thuận chiêu mộ Paul Pogba từ Juventus. Hai CLB thống nhất phí chuyển nhượng ở mức 93 triệu bảng, tương đương 110 triệu euro. Ngoài ra Man Utd còn phải trả Juve khoản phụ phí có thể lên tới 15 triệu euro, tùy thuộc vào phong độ của Pogba.
Điều đáng nói là cách đây 1 năm giá của Pogba chỉ loanh quanh ngưỡng 60 triệu bảng, như PSG hay Real Madrid ước định. Và dù mùa vừa rồi tiền vệ người Pháp tiếp tục trưởng thành thì việc phí chuyển nhượng của anh tăng gấp rưỡi, lên mức kỷ lục thế giới - xô đổ cột mốc 86 triệu bảng Real Madrid từng bỏ ra mua Gareth Bale - là quá đỗi… điên rồ.
Nhưng điên rồ hơn nữa bởi trong thương vụ này Man Utd còn bị Juventus ép phải trả khoản tiền hoa hồng cho tay đại diện của Pogba, Mino Raiola. Mà con số này không nhỏ, tương đương 20% giá trị hợp đồng, tức rơi vào khoảng 18,6 triệu bảng, tức xấp xỉ 23,8 triệu euro.
“Ngay cả một cầu thủ hạng C giờ giá bán cũng đội lên nhiều lần, nếu bên mua đến từ Premier League, chứ đừng nói đến ngôi sao như Paul Pogba”, người môi giới giấu tên bình luận. “Mọi đối tác hiện đều nhìn vào Premier League như thể đấy là mỏ vàng béo bở dễ dàng đào bới mang phần về nhà. Nhưng cái gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó”.
Đâu là lý do thật sự khiến Premier League đang bị “chặt đẹp” trên thị trường chuyển nhượng?
Điều có thể giải thích ngay đó chính là gói bản quyền truyền hình giai đoạn 2016-2019 có giá trị khổng lồ lên tới 8,3 tỷ bảng mà BTC Premier League đạt được với các nhà đài.
Nhờ số tiền khổng lồ trên, các mức thưởng, phân chia lợi nhuận cho các CLB dự Premier League trong 3 mùa tới đây sẽ tăng lên chóng mặt.
Chỉ cần nắm sơ qua thế này: Nếu 2 mùa gần đây những đội vô địch Anh như Chelsea hay Leicester thu về xấp xỉ 100 triệu bảng từ BTC giải thì từ mùa này, số tiền đó chỉ dành cho… đội xuống hạng.
Nói thế để thấy Premier League giờ giàu có ra sao, các CLB dự giải được bơm nguồn tài chính “khủng” nhường nào. Nó giúp ngay cả những CLB vừa và nhỏ như West Ham, Stoke, Hull, Everton cũng có thể mua cầu thủ có giá vài chục triệu bảng.
Và đương nhiên khi “đánh hơi” thấy sự giàu có của các đội bóng Anh, bên bán cầu thủ chẳng dại gì không tâng giá lên trời.
Chẳng nói đâu xa, với chính Man Utd, trước khi đạt thỏa thuận mua Pogba với phí chuyển nhượng kỷ lục, đầu Hè “Quỷ đỏ” còn dễ dãi nướng tiền vào thương vụ Eric Bailly. Trung vệ trẻ người Bờ Biển Ngà tên tuổi còn lạ hoắc được đưa về từ Villarreal với giá… 30 triệu bảng.
Nên nhớ, con số đó gần bằng số tiền Man Utd bỏ ra mua Rio Ferdinand hồi 2002. Nhưng khi đó Rio đã có “số má” ở Premier League, được nhiều chuyên gia nhìn nhận sẽ trở thành trung vệ hàng đầu thế giới và thực tế diễn ra đúng như vậy. Giờ liệu mấy ai tin Bailly sẽ trở thành nỗi khiếp đảm với các hậu vệ?
“Tôi biết nhiều đội bóng Đức muốn có Bailly và đã đặt vấn đề. Nhưng không ai trong số họ ra giá quá 20 triệu bảng. Giờ thì sao? Man Utd phải tốn gấp rưỡi mức đó mới mua được Bailly. Thật điên rồ!”, nhà môi giới nhận xét.
“Có cảm giác tiền đang cháy trong túi các đội bóng Premier League và họ tìm mọi cách tiêu càng nhanh càng tốt. Họ ném tiền ra mà không cần xét đến yếu tố quan trọng là họ có thể đàm phán mua cầu thủ với những mức giá hợp lý hơn. Họ đâu cần vội vã như thế…”.
Gà nhà rỉa thịt lẫn nhau
Đúng là Premier League đang được xem như mỏ vàng để các bên bán cầu thủ tha hồ đục khoét. Mới tuần trước thôi vụ chuyển nhượng hậu vệ Domagoj Vida của Dinamo Kiev, người chơi khá tốt tại EURO vừa qua trong màu áo ĐT Croatia, là minh chứng khác cho thấy cậu chuyện “khoét mỏ Premier League”.
Được biết, Kiev đặt ra tới… 3 mức giá khác nhau cho Vida. Thứ nhất, với các CLB Premier League không được dự Cúp châu Âu mùa này con số là 14 triệu bảng. Với đội dự Cúp châu Âu - điều đồng nghĩa với việc dễ thu hút sự quan tâm của Vida - phí giảm còn 10 triệu bảng, nhưng đi kèm phụ phí 2,5 triệu bảng. Và cho bất kỳ đội bóng nào khác ngoài Premier League quan tâm đến Vida, chỉ cần chồng ra… 8 triệu bảng là có thể sở hữu hậu vệ này. Thật nực cười!
“Đó là vụ điển hình cho cái gọi là “những đồng bảng Anh xuẩn ngốc”, thuật ngữ ban đầu được truyền thống Đức nhắc tới và giờ đã trở nên phổ biến khắp châu Âu”, người môi giới châm biếm.
Tiêu tiền như nước mà không hề tính toán, nhưng chưa hết, cách thức thực hiện các vụ chuyển nhượng của các đội bóng tại Premier League hiện cũng bị nhìn nhận là… “gà mờ”.
Rất nhiều vụ chuyển nhượng được thực hiện khi bên bán đánh hơi thấy nhu cầu từ phía các đối tác tại Premier League nên đã gõ cửa đặt vấn đề trực tiếp. Hoặc ngược lại, chính các CLB ở EPL liên hệ thẳng bên bán, hỏi giá, mà không quan tâm xem liệu họ có thể khai thác điều gì từ hợp đồng của cầu thủ, từ mối quan hệ giữa cầu thủ với CLB chủ quản của họ, để từ đó tìm được mức giá chuyển nhượng hợp lý nhất.
“Vụ chuyển nhượng Roberto Firmino với giá 29 triệu bảng từ Hoffenheim đến Liverpool năm ngoái điển hình cho kiểu… “mua bán amateur” của nhiều CLB Premier League. Phải! Bạn có nhiều tiền, nhưng không nhất thiết phải ném ra đường kiểu đó”, nhà môi giới bình luận.
“Họ (các CLB tại EPL) cần phải hiểu rằng, giờ chỉ cần nhấc điện thoại và gọi cho bên bán, phía đầu dây bên kia sẽ lập tức trả lời với mức giá tăng gấp đôi. Tôi từng khuyên nhiều vị GĐĐH của nhiều đội bóng ở giải Ngoại hạng rằng hãy dùng số điện thoại cá nhân của họ để liên lạc, đặt vấn đề, đàm phán với đối tác để lấy được phí chuyển nhượng hợp lý nhất. Nhưng điều đó vẫn bị bỏ qua”.
Phải! Nếu các đối tác trên khắp châu Âu tìm cách đục khoét đã đành, điều bi hài hơn đó là chính các đội bóng Anh cũng tìm cách “rỉa thịt” lẫn nhau.
Thật vậy! Các đội bóng ở giải hạng Nhất, Championship, giờ cũng thét giá lên trời mỗi khi cầu thủ của họ được các ông anh trên Premier League nhòm tới.
Chẳng nói đâu xa, 1 năm trước Brighton chỉ đòi giá 5 triệu bảng khi đối thủ cùng hạng Nhất, Fulham hỏi mua hậu vệ Lewis Dunk. Giờ thì giá anh chàng này là… 10 triệu bảng, tức tăng gấp đôi, khi bộ đôi Ngoại hạng, Crystal Palace và West Brom dạm hỏi.
Liệu sự điên rồ này sẽ còn đi đến đâu…
Vỗ béo cả cho "cò"
Không chỉ bị "chém" đẹp phí chuyển nhượng, các CLB còn bị ép trả phí hoa hồng cho đại diện cầu thủ, mà trường hợp của Man Utd trong vụ Pogba hiện tại là minh chứng rõ nét.
"Quỷ đỏ" đang bị ép phải trả khoản lót tay hơn 18 triệu bảng cho Mino Raiola. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2015 đến tháng 2/2016, Man Utd đã phải trả 10 triệu bảng cho những tay đại diện cầu thủ, dù "Quỷ đỏ"... chẳng mua cầu thủ nào cả.
Con số này được giải thích là khoản phí cho đại diện vì sự góp mặt của họ trong quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng giữa Man Utd với cầu thủ.